Chuyện đời

Người mẹ tần tảo ‘gánh’ cả gia đình trên vai với gánh bánh mì vỉa hè suốt 20 năm

Suốt 20 năm, gánh bánh mì vẫn luôn trên bờ vai gầy gò của người mẹ tần tảo rong ruổi khắp vỉa hè, lề đường để lo cho gia đình, chắp cánh ước mơ cho 2 con vào đời.

Gánh bánh mì vỉa hè hơn 20 năm của mẹ

Có lẽ nhiều người dân sinh sống khu vực gần cầu Nguyễn Tri Phương (phường 6, quận 5, TP.HCM) không ai là không biết đến gánh bánh mì “ăn một ổ no cả ngày” của bà Út (52 tuổi). 

Gánh bánh mì cũng khiến nhiều người nhớ đến bởi sở hữu mặt bằng độc lạ là… gầm cầu, bán trên đôi gánh đơn sơ. Thực khách có thể ngồi gầm cầu thưởng thức để cảm nhận được vị hấp dẫn đặc biệt của ẩm thực đường phố Sài Gòn.

Gánh bánh mì của bà Út dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương.

Bà Út tên thật là Nguyễn Kim Loan, nhưng bà vẫn thích được mọi người gọi Út vì nghe thân thương, gần gũi hơn. 

Vừa làm bánh mì cho khách, bà Út chia sẻ: “Bánh mì ở đây chỉ có 15.000 đồng, mấy chỗ khác lên giá nhưng 4-5 năm nay tôi vẫn giữ giá, bán lấy công làm lời. Với lại khách khu vực này chủ yếu những người lao động khó khăn nên tôi không muốn lên giá, để ai cũng có thể có bữa ăn ngon”.

Mặc dù chỉ 15.000 đồng, nhưng mỗi ổ bánh mì của bà Út luôn chất lượng, cầm khá nặng tay với đầy đủ xíu mại, thịt nguội,… Và câu nói vui “ăn một ổ, no cả ngày” cũng từ đây mà ra.

Có thể nói, hiếm nơi nào ở Sài Gòn tìm ra được ổ bánh mì như của bà Út, bởi để làm được như vậy phải bỏ ra rất nhiều thứ, từ công sức tới việc hy sinh một phần lợi nhuận…

Mỗi ổ bánh mì là công sức thức khuya dậy sớm của bà Út.

Mỗi ngày bà Út phải dậy từ 3h sáng chuẩn bị nguyên liệu cho kịp mở hàng lúc 6h. Sau 3 tiếng ca sáng, bà trở về chuẩn bị gánh bánh mì thứ hai để bán ca chiều từ 15h đến 18h30 tại địa điểm khác. Cứ thế, đều đặn mỗi ngày bất kể nắng hay mưa, gánh bánh mì vẫn trên vai bà Út suốt 20 năm qua. 

Theo bà Út, trước khi bén duyên với gánh bánh mì, bà làm phụ bếp tại một nhà hàng ở quận 7. Khi nhận thấy hai con ngày càng lớn và chồng cũng đau ốm liên tục, với đồng lương ít ỏi thì không đủ trang trải nên bà quyết định nghỉ việc, “khởi nghiệp” bằng gánh bánh mì và gắn bó với nghề hàng rong từ đó đến nay. 

Gánh bánh mì này đã được 20 năm, từ lúc hai con trai còn nhỏ, bây giờ hai con đã lớn, sắp ra trường đi làm. Cũng nhờ gánh bánh mì này mà tôi có thể vừa nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn và lo cho chồng bệnh suốt thời gian dài”, bà Út chia sẻ.

Nhiều khách quen đến ủng hộ gánh bánh mì của bà Út.

Mẹ “gánh” cả gia đình trên vai 

Bà Út tâm sự, bà từ quê Hậu Giang lên TP.HCM kiếm sống từ năm 18 tuổi, trải qua nhiều công việc, nhưng gánh bánh mì vỉa hè này gắn bó với bà lâu nhất, bởi nhờ nó bà có thể lo cho cả 6 miệng ăn gồm bà, chồng, hai con và hai anh em chồng. 

Sau này hai anh em chồng bị bệnh rồi mất. Vừa có chuyện buồn, gia đình lại đón biến cố bất ngờ lập đến khi chồng bà Út cũng đổ bệnh nặng, mọi thứ đều đặt lên đôi vai hao gầy, dáng người mảnh khảnh của bà. 

Bà Út trải lòng về những tháng ngày cơ cực, gồng gánh kinh tế cho cả gia đình.

Cả nhà trông chờ vào gánh bánh mì, nếu không bán thì không biết lấy gì duy trì cuộc sống, hai con ăn học đến nới đến chốn. Từ suy nghĩ ấy, người mẹ càng quyết tâm hơn, bà ngủ ít lại, thức khuya dậy sớm hơn để chăm lo cho cả nhà. 

Tôi chỉ biết cố gắng và cố gắng hết sức có thể. Lúc trước mỗi ngày dậy sớm hơn để chuẩn bị đến 5h sáng ra bán tới 11h trưa. Lúc chồng tôi bệnh thì hai con cũng còn nhỏ nên vừa làm vừa chăm con, đưa đón đi học, đôi khi bận quá tôi không đưa đón đi học được thì phải mướn xe ôm”, bà Út trải lòng. 

Gồng gánh kinh tế cả gia đình nhưng chưa khi nào bà Út than phiền một câu trước mặt chồng con. Bởi phía sau gánh bánh mì của người người mẹ ấy là cả một gia đình, vì thương con, thương chồng nên bà phải quên đi cực nhọc mà cố gắng từng ngày. 

Thấu hiểu được nỗi vất vả cơ cực của mẹ, khi lớn dần, hai con trai của bà vừa học vừa đi làm thêm để trang trải ăn uống, còn học phí vẫn phụ thuộc vào gánh bánh mì của mẹ.

Trung bình mỗi năm gần 100 triệu đồng tiền học phí cho con học đại học. Còn ít tháng nữa con trai lớn ra trường đi làm tôi mới cảm thấy nhẹ gánh hơn một chút. Giờ chỉ tập lo cho đứa nhỏ. Tôi chỉ mong muốn cho con học tới nơi tới chốn để có công ăn việc làm ổn định, đỡ cực nhọc sau này”, bà Út chia sẻ. 

Gánh bánh mì đầy đắp xíu mại, thịt nguội, bì,…

Ổ bánh mì “full topping” chỉ với 15.000 đồng giúp nhiều người no bụng.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, gánh bánh mì của bà Út chưa khi nào vắng khách, hết người này đến, người khác lại ghé mua. Thậm chí có khách quen ngồi tại chỗ ăn liền 2 ổ cho đã thèm.

Ngồi thưởng thức ổ bánh mì thơm ngon bên gánh bánh mì của bà Út, anh Long (quận 3) chia sẻ: “Tôi thường ghé gánh bánh mì của chị Út mua ăn, một tuần cũng 2-3 lần. Gánh bánh mì của chị Út có thể nói là rẻ nhất ở Sài Gòn, mặc dù chỉ 15.000 đồng thôi nhưng rất chất lượng, ăn rất ngon, không có vấn đề gì cả. Còn sức ăn thì tùy mỗi người. Tôi ở quận 3 chạy qua đây ăn rồi đi làm luôn. Dạo gần đây thèm nên tôi ăn hoài luôn”. 

Anh Long – một vị khách quen thuộc ngồi tại chỗ thưởng thức bánh mì vỉa hè của bà Út.

Trung bình mỗi ngày, bà Út bán được khoảng 200 ổ bánh mì, ngày nào bán không hết, bà cùng người thân đem bánh đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 

Tứ Quý – Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/nguoi-me-tan-tao-ganh-ca-gia-dinh-tren-vai-voi-ganh-banh-mi-via-he-suot-20-nam-c17a79963.html

halotimes media

About Author

Có thể bạn cũng thích

Chuyện đời

Sức mua dịp Tết 2024 dự báo tăng trên 10% so với năm trước

Tiêu dùng trong nước tăng trưởng khả quan Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ tháng
Chuyện đời

Kết quả kinh doanh quý 4/2023 ngày 16/1: Những công ty bất động sản, cảng biển, dầu khí, thép…

Quý 4/2023, CTCP Cảng Đà Nẵng (CDN) ghi nhận doanh thu 331 tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang