Theo Tổng cục thống kê, năm 2023 cả nước có hơn 32.000 vụ ly hôn, trong đó riêng tỉnh Hải Dương tỉ lệ ly hôn cao hơn 52% so với kết hôn.
Số vụ ly hôn tăng hàng năm, chủ yếu ở độ tuổi 18-30
Mới đây, tại tọa đàm “Xây dựng gia đình công chức, viên chức, người lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” do Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức, qua thống kê năm 2023 toàn tỉnh này có 10.674 cặp kết hôn, 5.071 vụ ly hôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp kết hôn, 2.696 vụ ly hôn.
Như vậy, số vụ ly hôn bằng hơn 52% so với tổng số cuộc kết hôn trong tổng thời gian nêu trên. Tại tọa đàm cũng chỉ ra rằng nhóm ly hôn chủ yếu nằm trong các gia đình công nhân, viên chức, lao động…
Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh minh họa
Trong khi đó nhìn rộng ra cả nước, theo Tổng cục thống kê, năm 2023 có 680.049 vụ kết hôn nhưng có 32.060 vụ ly hôn, năm 2022 có hơn 29.010 vụ ly hôn, năm 2021 có 22.132 vụ ly hôn.
Thông qua các số liệu của Tổng cục thống kê, có thể thấy, số vụ ly hôn đang tăng dần qua từng năm, tỷ lệ những cuộc hôn nhân “sớm nở chóng tàn” bùng nổ đáng báo động.
Nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất từ đủ 18 – 30 tuổi, tỷ lệ này chiếm tới 70%. Đặc biệt, nhóm tuổi này ly hôn trong khoảng thời gian từ 1 – 5 năm chung sống chiếm tới 60%,
Anh Huỳnh Đông (31 tuổi, ngụ TP.HCM) thở dài khi trải lòng về cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình. Anh cho biết, kết hôn vào năm 2020 (tức năm 27 tuổi), vợ anh là đồng nghiệp kém hơn anh 2 tuổi.
So về độ tuổi khi đó, anh Đông cho rằng đã đủ chín chắn để kết hôn, lập gia đình. Hơn 1 năm sau, vợ chồng anh đón thêm thành viên mới là một bé gái kháu khỉnh. Tuy nhiên, sau đó dịch Covid-19 ập tới khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Vợ chồng anh khi đó là giáo viên, với đồng lương “ba cọc ba đồng” nên càng thiếu thốn đủ thứ. Kinh tế gia đình đi xuống, dù anh Đông ngày đi dạy học, tối chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm nhưng cũng không đủ lo cho vợ con.
Chuyện “cơm áo gạo tiền” khiến hai vợ chồng “lục đục” suốt 1 năm dài. Sau đó, đến cuối năm 2023, chuyện gì đến cũng phải đến, vợ chồng anh ly hôn, kết thúc chặng đường hôn nhân kéo dài hơn 3 năm.
“Chúng tôi ly hôn với nhiều lý do nhưng chủ yếu vẫn là bất đồng quan điểm sống và kinh tế gia đình. Những tưởng kết hôn ở tuổi 27 là đẹp, có sự trưởng thành nhưng mọi chuyện không như chúng ta nghĩ. Sau ly hôn cả hai đều có con đường riêng, vợ cũ nuôi con và tôi vẫn chu cấp tiền nuôi dưỡng hàng tháng”, anh Đông chia sẻ.
Theo anh Đông, mỗi người đều có quan điểm sống riêng, nếu người này không chấp nhận người kia thì phải đi đến sự đồng thuận là kết thúc cuộc hôn nhân, để không còn làm phiền đến nhau. Tuy nhiên điều anh đau đáu nhất là tâm lý của con gái khi lớn lên trong cảnh gia đình tan vỡ.
Bất đồng quan điểm sống là nguyên nhân chia tay của nhiều cặp vợ chồng.
Hệ quả pháp lý khi tỉ lệ ly hôn gia tăng
Chuyện tan vỡ trong hôn nhân không chỉ đến ở lứa tuổi non nớt mà ngay cả những lứa tuổi đủ chín chắn cũng đang gặp khi để gìn giữ. Thậm chí có trường hợp trên 60-70 tuổi vẫn muốn ly hôn.
Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Văn phòng của mình đã nhận hỗ trợ pháp lý về ly hôn rất nhiều trường hợp.
“Thông thường các vụ ly hôn do Văn phòng Luật sư Gia Đình thụ lý có cả nam và nữ muốn ly hôn với tỷ lệ tương đương. Còn về độ tuổi, phổ biến xảy ra ly hôn hiện nay là từ 25 – 40 tuổi, cũng có cá biệt những trường hợp trên 60-70 tuổi”, Luật sư Hùng nói.
Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Nói về nguyên nhân, theo Luật sư Hùng, nếu trước đây, nguyên nhân ly hôn chủ yếu bắt nguồn từ đôi nam nữ đến với nhau do mai mối, ít có sự tìm hiểu rồi phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống thì những năm gần đây đa số nguyên nhân dẫn đến ly hôn là bắt nguồn từ nhiều khía cạnh.
Trong đó, “bất đồng quan điểm trong cuộc sống” là lý do được nêu trong hầu hết các vụ việc ly hôn hoặc yếu tố của người thứ ba trong mối quan hệ vợ chồng như sự sa ngã, ngoại tình…
“Ngoài ra, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động lớn đến các mối quan hệ trong xã hội và gia đình, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng. Trong đó, lối sống coi trọng giá trị vật chất làm cho một số gia đình chỉ lo về thu nhập, kinh tế, thiếu quan tâm đến người thân.Từ đó, tình cảm vợ chồng nhợt nhạt, thiếu đồng cảm, thiếu chia sẻ, tiềm ẩn nguy cơ tan vỡ rất cao”, vị luật sư phân tích.
Mặc khác, luật sư cũng cho rằng, tình trạng ly hôn ngày càng tăng có một phần ảnh hưởng văn hóa các quốc gia Tây Âu khi thoải mái trong chuyện ly hôn. Thông qua đó đã tác động đến tư tưởng, nhận thức của người Việt Nam, nhiều người sẵn sàng kết thúc hôn nhân khi thấy không còn phù hợp với nhau nữa.
Bên cạnh đó, ngày nay, vai trò, vị trí người phụ nữ đã không còn phụ thuộc vào người chồng nhiều như trước. Sự đóng góp kinh tế để xây dựng gia đình là như nhau nên nếu vì lý do nào đó không hợp nhau sẽ rất dễ dẫn đến ly hôn so với giai đoạn trước.
“Sự độc lập về kinh tế, quyền bình đẳng của phụ nữ, đó là yếu tố trong những tình huống đặc biệt của mối quan hệ vợ chồng, người phụ nữ sẵn sàng tự giải thoát bằng cách ly thân hoặc ly hôn để có cơ hội và một cuộc sống tốt hơn”, Luật sư Hùng nói và nhận thấy rằng tình trạng ly hôn hiện nay của nước ta đang trong tình trạng đáng báo động, những năm gần đây tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng.
Dưới góc nhìn pháp lý, chuyên gia luật nêu quan điểm, trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Cần khuyến khích các cặp vợ chồng trước khi làm đơn xin ly hôn tại tòa án thì cần hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải viên là những người thường xuyên gắn bó, gần gũi với các cặp vợ chồng ở nơi sinh sống. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn, cần thiết cho người trong cuộc, tạo điều kiện hàn gắn mối quan hệ trong gia đình.
Theo Luật sư Hùng, ly hôn rõ ràng là cách để nhiều đôi vợ chồng “giải thoát” cho nhau khi không thể dung hòa trong cuộc sống hôn nhân. Hậu ly hôn, nhiều người vợ, hoặc chồng đã cân bằng và có cuộc sống hạnh phúc hơn, song con số ấy không nhiều.
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhiều nhất trong các vụ ly hôn. Ảnh minh họa
Đa phần phía sau mỗi cuộc ly hôn là những giọt nước mắt xót xa, không ít hoàn cảnh bất hạnh, những đứa con khi lớn lên chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc, giáo dục của cả cha và mẹ.
“Đơn cử như do không thể tha thứ cho đối phương nên cha mẹ đã ‘tiêm’ vào đầu con những hình ảnh xấu để đứa bé ghét cha mẹ mình. Hay tình trạng ngăn cản, hạn chế để con tiếp xúc với đối phương vì sợ bị ảnh hưởng. Điều này đã và đang khiến tuổi thơ của cháu bé không được hạnh phúc, phát triển trọn vẹn. Không những vậy còn dẫn đến những tranh chấp về con chung sau ly hôn, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các bé”, Luật sư Hùng phân tích.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cá biệt như cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, các em lớn lên nhờ sự cưu mang của người thân; có em còn bị bỏ rơi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nhân cách và lối sống của trẻ, dẫn tới phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng.
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM