Nổi tiếng là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú đặc biệt có nhiều làng nghề truyền thống. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 45 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận và nhiều làng nghề thực hiện mô hình gắn với phát triển du lịch như: làng nghề dệt chiếu, làng nghề đóng ghe xuồng, nghề làm bột, làng nghề hoa kiểng, nghề làm bánh phồng tôm, làng nghề làm nem Lai Vung, làng nghề dệt choàng,…Các làng nghề hằng năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Làng nghề dệt chiếu – Chợ chiếu Định Yên
Huyện Lấp Vò không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng lúa xanh mướt mà còn được biết đến là cái nôi của nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên. Với lịch sử gần một thế kỷ, làng nghề này đã tạo ra những sản phẩm chiếu độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Không khó bắt gặp những bó bô lác và chiếc chiếu thô đầy màu sắc khi đặt chân đến nơi đây
Với bàn tay khéo léo, người dân Định Yên đã tạo ra hàng triệu chiếc chiếu có hoa văn tinh xảo, chất lượng cao mỗi năm. Những sản phẩm này không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.
Đặc biệt, chợ chiếu Định Yên với hình thức họp chợ ban đêm độc đáo đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Người mua ngồi chờ, người bán đi chào hàng, tạo nên một không khí mua bán sôi động và đầy màu sắc.
Trong không khí nhộn nhịp của chợ đêm, những cô gái trẻ với dáng vẻ nhanh nhẹn liên tục chào mời khách hàng. Các loại chiếu được bày bán đa dạng về màu sắc và hoa văn, thu hút sự chú ý của du khách. Bên cạnh đó, chợ còn là trung tâm giao thương của các loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chiếu, với sự góp mặt của nhiều thương lái từ các tỉnh lân cận như Sa Đéc, Vĩnh Long.
Làng nghề đóng ghe xuồng xã Long Hậu, huyện Lai Vung
Trải qua hơn một thế kỷ thăng trầm, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của Đồng Tháp.
Được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2005 và vinh dự hơn nữa khi được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, làng nghề đã khẳng định được vị thế của mình trong lòng người dân và du khách.
Mỗi chiếc xuồng, chiếc ghe ra đời từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là minh chứng sống động cho một di sản văn hóa quý báu.
Những chiếc xuồng đóng kỳ công và tỉ mỉ là phương tiện không khó bắt gặp khi về các tỉnh miền Tây sông nước (Ảnh: sưu tầm)
Người được xem là ông tổ nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài là cụ Phạm Văn Thuông một người rất giỏi nghề mộc. Sản phẩm làm nên danh tiếng của ông là chiếc xuồng cui nên ông còn được gọi là ông Sáu xuồng cui. Khi ông khởi nghiệp đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài, sản phẩm chủ yếu bán tại địa phương và các làng lận cận. Trải qua thời gian, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, vừa nắm vững bí quyết nghề vừa kết hợp tính sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề khác, nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài đã phát triển thành làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm xuồng, ghe đẹp và bền chắc.
Người dân trong vùng nghe tiếng tìm đến đặt đóng xuồng ghe ngày càng đông, sản phẩm làng nghề cũng ngày càng đa dạng, từ chiếc xuồng cui, ghe cui Bà Đài, xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, ghe bầu Phụng Hiệp – Cái Răng, ghe Cần Đước – Long An, đến chiếc tắc ráng Rạch Sỏi (Kiên Giang). Thời hưng thịnh của làng nghề, sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghề làm bột Sa Đéc
Thành phố Sa Đéc tỉnh vốn là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo hơn 100 năm tuổi. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.
Làng bột có từ xa xưa, từ làm bằng dụng cụ thô đến các thiết bị công nghệ hiện đại (Ảnh: sưu tầm)
Nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây v.v.. Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bằng sức lao động của người thân trong gia đình. Gạo, nếp là nguyên liệu chính được thu mua từ những nông dân tay lấm chân bùn ở trong làng hoặc những nơi lân cận. Nguồn nước để làm bột sẵn có dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ v.v. chính yếu tố này đã làm cho làng bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn mà không nơi đâu sánh kịp.
Sản phẩm bột gạo ở đây được chia thành 02 loại: Bột tươi và ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô dùng để dự trữ, chế biến dần. Từ bột gạo, người ta có thể chế biến ra hàng chục mặt hàng thực phẩm rất hấp dẫn, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày như phở, hủ tiếu, bún, các loại bánh, các sản phẩm ăn liền.
Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc
Nói đến hoa kiểng thì phải nhắc đến làng hoa kiểng và nghệ nhân Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc. Làng hoa ở đây đã hình thành và phát triển lâu đời, nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước, du khách đến đây bất cứ tháng nào trong năm cũng có cảm giác như lạc vào thế giới của ngàn hoa, ngập tràn trong hương thơm quyến rũ của thược dược, tú cầu, hồng, lan, vạn thọ Pháp, cúc, mãn đỉnh hồng…đua nhau toả hương, khoe sắc.
Làng hoa Sa Đéc là điểm du lịch nổi tiếng khi về Đồng Tháp, ngày càng mở rộng và phát triển, trồng hoa trở thành nghề trọng điểm tại nơi đây ( ảnh: sưu tầm)
Ngoài ra, nơi đây còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi thế cây, dáng đứng đều thắm đượm nét văn hoá Việt và triết lý phương Đông. Có những loại cây rất bình dị, gần gũi với người dân Việt Nam như khế, sung, si, mai vàng, mai chiếu thuỷ, vạn niên tùng v.v. qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp, mỗi cây, mỗi vẻ, nhưng tất cả đều có hồn, có sức hút đôi mắt và tâm hồn du khách đến lạ thường.
Nghề làm bánh phồng tôm Sa Đéc
Bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng từ lâu. Đó là những chiếc bánh tròn vành vạnh, ngã màu vàng đục tựa như vầng trăng rằm ở làng quê Việt Nam, có hương vị thơm nồng, cay cay đậm đà, đã góp phần làm phong phú thêm nét văn hoá ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà trên khắp mọi miền đất nước, trên những bàn tiệc, liên hoan, lễ Tết v.v. đĩa bánh phồng tôm bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm như một đoá đại cúc bên cạnh những món ăn dân tộc khác.
Bánh phồng tôm là đặc sản tại miền Tây, có thể dễ dàng chế biến nhiều món ăn ngon khác nhau và làm quà tặng cho người thân, bạn bè (Ảnh: sưu tầm)
Làng nghề đan đát huyện Lai Vung, huyện Lấp Vò
Nghề đan đát, được hình thành và phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhưng nhiều nhất là ở các huyện phía nam Sông Tiền như Lai Vung, Lấp Vò…Là nghề thủ công dễ học, dễ làm và nhu cầu phục vụ đời sống xã hội rất đa dạng, giá thành lại rẻ rất phù hợp với thu nhập nông thôn nên đã thu hút đông đảo người lao động nông thôn tham gia sản xuất.
Những sản phẩm đan đát thủ công tinh xảo và độc đáo của Làng nghề đan đát được người dân bày bán
Làng nghề làm nem Lai Vung
Làng nghề làm nem ở Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm, là làng nghề truyền thống lâu đời tại Đồng Tháp. Đặc sản nem Lai Vung nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ, nem có vị ngọt thanh, chua đằm ăn rất ngon và vừa miệng. Ngoài ra, nem còn được chế biến thành món nem nướng dùng kèm với bún và rau thơm. Nếu du khách đến Đồng Tháp thì nem Lai Vung là sự lựa chọn tốt nhất để làm quà biếu cho người thân và gia đình sau chuyến tham quan, du lịch.
Đồng Tháp rất nổi tiếng mới món nem chua. Đây là một trong những đặc sản hấp dẫn nhất của du lịch miền tây
Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng
Làng nghề dệt choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20. Theo những cụ cao niên thì trước kia người dân chủ yếu trồng dâu nuôi tằm để dệt vải Cẩm Tự (vải Lãnh Mỹ A). Thời đó, người dân nơi đây chỉ sử dụng thủ công để thực hiện các khâu đảo chỉ, nấu chỉ, quay chỉ, dệt v.v. năng suất và hiệu quả đạt không cao. Vì vậy, một số người bỏ một thời gian học hỏi việc dệt khăn choàng từ tỉnh An Giang sau đó đem những mẫu mã và cách dệt choàng về xã Long Khánh A truyền lại cho thế hệ con cháu.
Các sản phẩm đặc trưng miền tây được làm thủ công từ khăn choàng đến nón
Thấy kỹ thuật dệt choàng dễ thực hiện và sản phẩm tiêu thụ nhanh hơn vải Cẩm Tự nên từ người dân làng nghề dệt Cẩm Tự chuyển hẳn sang nghề dệt choàng. Để hoàn thành 01 chiếc khăn choàng phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt, đóng gói sản phẩm khá công phu.
Thị trường chủ yếu của nghề dệt choàng hiện nay là xuất khẩu sang Campuchia qua đường tiểu ngạch và các vùng nông thôn ở đồng Đằng bằng sông Cửu Long để phục vụ sản xuất nông nghiệp.