Y Sôl – Chàng trai “về buôn làm giàu”, giữ hồn văn hóa M’Nông

Kiều Giang

Phóng viên

Rời phố về quê, chàng trai M’Nông bắt đầu hành trình làm du lịch cộng đồng từ chính căn nhà sàn của gia đình. Không chỉ tạo sinh kế cho bản thân và bà con trong buôn, Y Sôl còn đang từng ngày gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc mình.

Sáng sớm ở buôn M’Liêng (huyện Lắk, Đắk Lắk), khi sương còn phủ trắng mặt hồ Lắk, Y Sôl đã dắt xe ra khỏi nhà sàn, bắt đầu một ngày mới bận rộn. Sau lưng anh là chiếc gùi lớn, dùng để đựng thực phẩm anh mua của bà con trong buôn về làm cơm cho du khách.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đến tham quan Hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Việt Nam vốn được mệnh danh là “nàng thơ” kiều diễm của núi rừng Tây Nguyên, nhiều du khách thích thú với điểm dừng chân mới là Y Sôl House – một homestay mộc mạc mà độc đáo giữa lòng buôn làng M’Nông, nơi bạn không chỉ nghỉ chân, mà còn được chạm vào một nền văn hóa.

Y Sôl (ngồi) chụp hình lưu niệm cùng du khách
Y Sôl (ngồi) chụp hình lưu niệm cùng du khách

“Đi để trở về”

Sau hơn 6 năm bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề ở TP. Hồ Chí Minh, miền Tây rồi miền Trung, Y Sôl nhận ra mình không thể nguôi ngoai giấc mộng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Dù đi bất cứ đâu, trong sâu thẳm tôi luôn biết rằng rồi tôi sẽ trở về quê lập nghiệp, chỉ có quê hương mới là nơi “chân ái” của mình!” – Y Sôl chia sẻ.

Năm 2020, ở tuổi 24, chàng trai người M’nông quyết định nghỉ công việc ở TP.Hồ Chí Minh, mang theo chút tiền tiết kiệm để về quê khởi nghiệp.

Anh bắt đầu từ chính mảnh đất của gia đình: Cải tạo căn nhà sàn và không gian xung quanh thành nơi để du khách nghỉ ngơi, ăn uống. Y Sôl House ra đời, trở thành một homestay nhà sàn đậm bản sắc Tây Nguyên.

              Y Sôl, chủ Homestay Y Sôl House tại Buôn M'Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk
Y Sôl, chủ Homestay Y Sôl House tại Buôn M’Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk

“Vừa kinh doanh vừa bảo tồn văn hóa tổ tiên”

Y Sôl phát triển homestay của mình theo hướng du lịch cộng đồng – nơi du khách không chỉ nghỉ dưỡng, mà thực sự được sống trong không gian buôn làng M’Nông.

Ngoài việc cải tạo căn nhà sàn của gia đình để đón khách ngủ nghỉ, anh tổ chức các tour 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm, dành cho những ai muốn khám phá cảnh quan, tìm hiểu văn hóa bản địa và trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân trong buôn.

Tại Y Sôl House, du khách sẽ được ngủ nhà sàn, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam gà nướng, lá sắn xào, canh cà đắng lá bép, thịt heo nướng ống tre….

Họ cũng có thể trải nghiệm không gian văn hóa M’Nông, khám phá các vật dụng đặc trưng như cồng chiêng, ché, chày, nia, nong, ghế K’pan, áo vỏ cây, gùi và các loại nhạc cụ dân tộc.

Ngoài ra, còn có các hoạt động như bơi thuyền độc mộc dạo quanh hồ Lắk, thăm vườn cây ăn trái hay ngắm voi rừng – tất cả đều do bà con trong buôn M’Liêng tham gia cung cấp hoặc hỗ trợ.

Heo gà, rau củ đều do bà con tự nuôi trồng, vừa lành vừa sạch. Tôi muốn các gia đình đều được tham gia và hưởng lợi từ mô hình du lịch này”, Y Sôl chia sẻ.

Homestay đậm chất Tây Nguyên do Y Sôl xây dựng.
Homestay đậm chất Tây Nguyên do Y Sôl xây dựng.

Không có vốn lớn, không bằng cấp du lịch, Y Sôl vừa học vừa làm. Anh tự tìm hiểu qua sách vở, video, mạng xã hội. Mỗi bài đăng Facebook của anh như một lát cắt nhỏ về đời sống người M’Nông – từ món ăn, sinh hoạt thường nhật đến phong tục, lễ hội.

Người M’Nông sống sao thì khách đến thấy vậy. Chúng tôi không biểu diễn văn hóa – chúng tôi đang sống với nó””, anh nói.

Y Sôl House ngày càng được nhiều du khách biết đến và lui tới. Được làm điều mình yêu thích – quảng bá văn hóa dân tộc, lan tỏa hình ảnh quê hương đến với mọi người – lại có thu nhập ổn định và tạo việc làm cho bà con trong buôn, Y Sol tin rằng quyết định về quê lập nghiệp là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận, hành trình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có lúc mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, nhưng mỗi lần như vậy, anh lại tự nhắc mình nhớ đến lý do bắt đầu. Y Sôl cũng thường xuyên theo dõi các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp, mới đây chính là chưqowng trình “Về quê làm giàu”, để có thêm động lực.

Tôi thích chương trình “Về quê làm giàu” ở chỗ nó gần gũi và rất thực tế. Thấy các nghệ sĩ đi thuyền, đi chợ, làm việc cùng bà con rất vui. Với người đang trong hành trình lập nghiệp ở quê như tôi, thì xem xong thấy được tiếp thêm động lực, vững tin hơn. Tôi rất mong một ngày chương trình sẽ về buôn M’Liêng, để kể câu chuyện làm du lịch cộng đồng của người M’nông chúng tôi! ”, Y Sôl bày tỏ. 

Empty

Về quê làm giàu – xu hướng mới của người trẻ

Những năm gần đây, câu chuyện “bỏ phố về quê” đang dần trở nên phổ biến. Nhiều người trẻ bắt đầu thấy giá trị từ việc sống gần thiên nhiên, gắn bó với cộng đồng, làm chủ thời gian và theo đuổi lối sống bền vững.

Họ trở về để khởi nghiệp từ chính đất đai, sản vật, văn hóa…những tài nguyên có sẵn ở quê nhà. Với tinh thần “làm giàu cho quê hương”, những người trẻ dám nghĩ dám làm đang mang đến một làn gió mới.

Họ không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập, mà còn góp phần thay đổi cả diện mạo vùng quê. Xin mượn câu nói của Y Sol để khép lại bài viết này: “Quê hương không phải để rời đi, mà là nơi để bắt đầu lại – một cách vững vàng”.

BÀI LIÊN QUAN