Xu hướng ‘yêu không ràng buộc’ ở Trung Quốc

Anh Thịnh

Biên tập viên

Ngày càng nhiều cặp đôi Trung Quốc lựa chọn “mối quan hệ mập mờ”, tôn trọng tự do cá nhân thay vì sự ràng buộc như các mối quan hệ tình cảm truyền thống.

Nhìn bề ngoài, Zhao Shiyan có vẻ như đang ở trong một mối quan hệ tình cảm. Kể từ khi ghép đôi với bạn gái trên một ứng dụng hẹn hò cách đây hai năm, hai người dành thời gian bên nhau như bao cặp đôi khác – nắm tay, cùng xem phim và chia sẻ những khoảnh khắc thân mật.

Tuy nhiên, chàng trai 25 tuổi này cho biết cả hai chưa bao giờ định nghĩa rõ ràng mối quan hệ của mình. “Chúng tôi cho rằng không cần phải xác định rõ mối quan hệ này”, Zhao chia sẻ với Sixth Tone“Chúng tôi chỉ cần cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi ở bên nhau là đủ”.

Quan điểm này ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, khi họ ưu tiên hạnh phúc và tự do cá nhân hơn là những ràng buộc. Các chuyên gia cho rằng, dưới áp lực kinh tế và chủ nghĩa cá nhân ngày càng tăng trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nhiều cặp đôi lựa chọn “mối quan hệ mập mờ” thay vì một mối quan hệ truyền thống. Các cặp đôi ngày nay chỉ tập trung vào tình cảm mà không suy nghĩ quá nhiều về tương lai.

Zhao làm việc trong ngành công nghiệp máy tính đầy cạnh tranh tại Trung Quốc, thường xuyên đối mặt với những deadline (thời hạn) khắt khe và áp lực công việc. Sau khi cảm thấy mối quan hệ nghiêm túc trước đây của mình quá mệt mỏi, anh tìm đến các ứng dụng hẹn hò và áp dụng một cách tiếp cận thực tế hơn trong mối quan hệ hiện tại.

“Đối với tôi, điều quan trọng không phải là những lời hứa xa vời, mà là tìm một người có thể mang lại niềm vui và giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống”, Zhao nói. “Tôi muốn một người khiến cuộc sống của tôi phong phú hơn mà không áp đặt kỳ vọng cứng nhắc hay những nghĩa vụ xã hội nặng nề”.

Một cảnh quay trong phim Her Story về xu hướng mối quan hệ không ràng buộc. (Ảnh: Sixth Tone)

Khi “yêu không ràng buộc” trở thành xu hướng

Mối quan hệ yêu không ràng buộc đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là sau khi bộ phim Her Story (Câu Chuyện Của Cô Ấy) ra mắt năm 2024. Bộ phim kể về hai người hàng xóm ở Thượng Hải: Ye – một cô gái độc thân ngoài 20 tuổi, thử nghiệm mối quan hệ “không ràng buộc” với một người đàn ông; và Wang Tiemei – một bà mẹ đơn thân ly hôn, vừa cân bằng cuộc sống gia đình với sự nghiệp bận rộn, vừa duy trì một mối quan hệ tình cảm không danh phận với thầy của con gái.

Chủ đề này đã thu hút hơn 36 triệu lượt xem trên ứng dụng Xiaohongshu, nơi nhiều người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân, trong khi những người khác đăng tải hướng dẫn tìm kiếm bạn tình theo kiểu này.

Du Shichao, một nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết sức hút của “yêu không ràng buộc” nằm ở việc tránh được trách nhiệm và tận hưởng được tự do. “Kiểu quan hệ này mang lại hiệu quả, ít áp lực và linh hoạt, nhưng thường thiếu sự ổn định cần thiết để hai người có thể đi đường dài”, ông nói.

Mối quan hệ yêu không ràng buộc được cho là giúp các cặp đôi Trung Quốc không phải chịu áp lực và trách nhiệm nặng nề. (Ảnh: Sixth Tone)

Zhang, 31 tuổi, làm việc trong ngành marketing tại Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), đã chia tay bạn trai sau một năm hẹn hò vì cả hai quá bận rộn. Tuy nhiên, thay vì đường ai nấy đi, cặp đôi quyết định thử “yêu không ràng buộc”.

“Chúng tôi đều ngoài 30 và không muốn lãng phí thời gian của nhau. Nhưng vẫn còn tình cảm, nên chúng tôi chọn một kiểu quan hệ ít ràng buộc hơn”, Zhang chia sẻ và cho biết họ rất thoải mái vì thoát khỏi những quan điểm truyền thống. “Đây là một cách tận hưởng sự thân mật mà không có áp lực”.

Họ thỏa thuận sẽ chung thủy, nhưng cũng cam kết trao đổi thẳng thắn với nhau nếu một trong hai muốn có một mối quan hệ khác nghiêm túc hơn. Thật bất ngờ, chính sự thoải mái này khiến họ dành nhiều thời gian bên nhau hơn.

Số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Dù có chút gia tăng vào năm 2023, con số này lại giảm hơn 20% vào năm ngoái, chỉ còn 6,11 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn.

Chuyên gia Du cho rằng giới trẻ ngày nay coi hôn nhân là một gánh nặng, và những bất định trong cuộc sống khiến họ không muốn cam kết lâu dài. “Xu hướng yêu không ràng buộc xuất hiện khi con người không thể cam kết nhưng vẫn có nhu cầu tình cảm”, ông giải thích.

Xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong quan niệm văn hóa, khi giới trẻ Trung Quốc không còn mong đợi một mối quan hệ thân mật phải đáp ứng tất cả nhu cầu của họ. Thay vào đó, họ tìm đến những người bạn đồng hành riêng biệt, hay còn gọi là dazi – ví dụ, một người cùng đi ăn, một người cùng xem phim, và một người khác để chơi thể thao.

Từ thoáng qua đến gắn kết

Fan, 33 tuổi, một giáo viên ở Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm), từng tìm kiếm những mối quan hệ không ràng buộc sau khi ly hôn, nhưng cô lại gặp được người chồng hiện tại trên Tinder.

Dù ban đầu chỉ muốn một mối quan hệ thoải mái, cả hai ngày càng gắn bó hơn theo thời gian. Sau nhiều thăng trầm, họ cùng nhau đi du lịch và anh đã giới thiệu cô với gia đình – một bước ngoặt thay đổi bản chất mối quan hệ.

“Hôn nhân không phải là đích đến mà là một quá trình”, Fan nói. “Quang trọng là cả hai cảm thấy thoải mái và hòa hợp là được”.

BÀI LIÊN QUAN