Xu hướng sống chậm, ít năng lượng của giới trẻ

Anh Thịnh

Biên tập viên

Một bộ phận giới trẻ ở Trung Quốc có xu hướng tránh xa thành công và theo đuổi lối sống ít năng lượng, tự gọi bản thân là “người chuột”.

Không giống như đám đông cực kỳ kỷ luật thường thức dậy lúc 5 giờ sáng, đến phòng tập thể dục và tuân theo lịch trình dày đặc, những người được gọi là “chuột” sống theo cách chậm rãi, tốn ít năng lượng.

Họ dành cả ngày trên giường, gọi đồ về ăn, tránh giao tiếp và không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống.

Những người được gọi là “người chuột” dành hàng giờ liền trên giường để ngủ hoặc dán mắt vào điện thoại di động. (Ảnh: Weixin)

Thuật ngữ “người chuột” trở nên phổ biến sau khi một đoạn video được đăng lên mạng vào cuối tháng 2, trong đó một cô gái trẻ ở tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc), có tài khoản mạng xã hội là @jiawensishi, chia sẻ một ngày cực kỳ uể oải của mình.

Cô nằm trên giường ba tiếng sau khi thức dậy, rửa mặt, rồi ngủ thêm năm tiếng nữa.

Đến tối, khi bố mẹ gọi dậy, cô mới ăn bữa đầu tiên trong ngày. Gần nửa đêm, cô bắt đầu mở các kiện hàng đã đặt cả tuần, và tận 2 giờ sáng mới chịu đi tắm.

Cô ví thói quen sống chậm chạp, khép kín của mình như một con chuột sống trong cống và tự gọi bản thân là “người chuột”.

Video nhanh chóng lan truyền trên mạng, thu hút hơn 400.000 lượt thích và bình luận như: “Chiếc vlog khiến tôi thấy đồng cảm nhất từ trước đến nay”.

Một bình luận nổi bật đã tóm tắt tinh thần của nhóm “người chuột”: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi với lối sống bóng bẩy, vội vã và hiệu quả quá mức mà xã hội áp đặt. Chúng tôi chỉ muốn được tự do nằm xuống bất cứ khi nào, ở đâu tùy thích”.

Thuật ngữ này gợi nhớ đến xu hướng “nằm yên” trước đây ở Trung Quốc, khi giới trẻ dùng sự hài hước và tự hạ thấp tiêu chuẩn để phản kháng lại áp lực xã hội đè nặng.

Một phụ nữ họ Lin ở Bắc Kinh chia sẻ với SCMP rằng cô làm việc tại nhà, tránh giao tiếp không cần thiết với đồng nghiệp, ăn đồ đặt bên ngoài và dành cuối tuần để ngủ và chơi game ở nhà.

“Không cần phải tỏ ra năng động hay có chí tiến thủ”, cô nói. “Chúng tôi sống không phải để làm hài lòng ai cả. Chỉ cần thoải mái là đủ”.

Trong số những người theo lối sống này, du học sinh Trung Quốc ở Anh là nhóm dễ nhận thấy nhất.

Với thời tiết âm u, nhiều mưa và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều du học sinh chọn cách ở lì trong nhà, hạn chế giao tiếp để giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất.

Các bài đăng liên quan đến “người chuột” đã thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục.

Một nhân vật hoạt hình tên là “Chuột Bự” (Big Rat), do họa sĩ Sugar Xianbei sáng tạo, đã trở thành linh vật không chính thức của cộng đồng “người chuột”.

Tính đến tháng 4, các sản phẩm có hình Chuột Bự đã mang về hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng) doanh thu.

Tuy vậy, một số cư dân mạng lo ngại rằng sự phổ biến của lối sống này có thể khiến thái độ tiêu cực trong xã hội ngày càng lan rộng.

Ông Zhang Yong, nhân viên xã hội ở tỉnh Hồ Bắc (miền trung Trung Quốc), cho rằng hiện tượng “người chuột” phản ánh xu hướng “thu mình xã hội” đang lan rộng trong giới trẻ.

“Đây là một cơ chế đối phó bị động sau khi gặp cú sốc hay thất bại. Họ giảm giao tiếp và đơn giản hóa cuộc sống để hồi phục”, ông Zhang nói.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sống như một “người chuột” không thể là cách sống lâu dài. “Sau khi đã nghỉ ngơi đủ, điều quan trọng là phải kết nối lại với những điều mình yêu thích và chủ động sống tích cực một lần nữa”.

BÀI LIÊN QUAN