Yuanyuan, một học sinh tiểu học ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, đã thu hút gần một triệu người theo dõi trên mạng xã hội nhờ những video ghi lại cuộc sống hằng ngày của mình.
Hai đến ba lần mỗi tuần, Yuanyuan dậy lúc 5 giờ sáng để dắt chó đi dạo cho hàng xóm, mỗi lần nhận được thù lao 5 nhân dân tệ (khoảng 17.000 đồng).
Sau giờ học, em gọi điện cho hỏi mẹ muốn ăn gì tối nay, sau đó ra chợ mua thực phẩm tươi sống, thậm chí biết mặc cả với người bán hàng.
Về đến nhà, Yuanyuan tự nấu bữa cơm cho gia đình, thường là hai món mặn và một món rau. Khi bữa tối sẵn sàng, em gọi mẹ, người trong lúc này thường xem TV, ra ăn cơm.
Mẹ Yuanyuan cho biết cô cảm thấy yên tâm khi thấy con có thể xoay sở giữa việc học và việc nhà. Cô luôn ca ngời tài nấu ăn của con, mà Yuanyuan nói là tự học từ các video trên mạng.
Yuanyuan còn giúp mẹ trang điểm, chọn quần áo và động viên mỗi khi cô chán nản.
Cư dân mạng xem Yuanyuan là ví dụ điển hình của phương pháp “nuôi con ngược”, một xu hướng ngày càng phổ biến khi để con cái nắm quyền chủ động trong nhà còn cha mẹ thì thoải mái nghỉ ngơi.
Nhiều bậc phụ huynh cũng bắt chước thói quen lười biếng của con mình, dành thời gian sử dụng điện thoại di động và xem TV trong khi để mặc con cái làm những công việc hàng ngày.
Vào tháng 2, một video ghi lại cảnh cậu bé 4 tuổi “mắng” bố mẹ vì lười biếng đã gây bão mạng, thu hút gần 1,4 triệu lượt thích.
Trong đoạn video, bố mẹ cậu nằm dài trên giường cả buổi chiều, còn cậu thì đứng ở cửa, tức giận chỉ vào nắp bồn cầu đầy bụi và giá sách lộn xộn.
“Con phải dọn hết mọi thứ, còn phải quét nhà nữa”, cậu nói. “Hai người chẳng làm gì cả. Con chịu hết nổi rồi!”.
Người mẹ đáp lại rằng họ trông cậy vào con vì con quá giỏi, nhưng cậu bé quát lại: “Vậy thì để con làm đến chết luôn đi!”.
Một cư dân mạng bình luận: “Trong gia đình này, đứa trẻ là ‘cha mẹ’ có trách nhiệm , còn cha mẹ thì hành động như trẻ con”.
Một bà mẹ khác, được biết đến trên mạng với tên Nini, cho biết con gái 7 tuổi của cô lo toàn bộ kế hoạch du lịch cho gia đình, từ đặt vé máy bay đến lên lịch trình hằng ngày.
Nini kể rằng tất cả bắt đầu từ chuyến đi Hong Kong năm ngoái, khi cô nhầm giờ bay về khiến cả nhà phải vật vờ ở sân bay suốt đêm.
“Kể từ đó, con gái tôi không còn tin người lớn trong việc lên kế hoạch du lịch nữa”, cô nói và cho biết con gái hiện sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tự tìm hiểu về các điểm đến.
Các chuyên gia cho rằng trào lưu “nuôi con ngược” đang đặt ra thách thức quyền hạn của cha mẹ và giúp trẻ xây dựng tính độc lập.
“Cha mẹ thể hiện một chút ‘yếu đuối’ có thể truyền cảm hứng để trẻ có trách nhiệm hơn và chủ động hơn”, chuyên gia công tác xã hội về trẻ em Zhang Jianyong ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhận định.
Phương pháp nuôi dạy mới này đã thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, với các chủ đề liên quan đạt hàng trăm triệu lượt xem.
Một người dùng mạng chia sẻ: “Trước đây tôi hay bực bội vì con trai luôn lề mề trong việc chuẩn bị đi học. Một hôm, tôi bắt chước nhịp độ của con, mất một tiếng đồng hồ để thay đồ. Thằng bé không chịu nổi và thúc giục tôi. Từ đó, tác phong của con không còn lề mề nữa”.