Ngày 22/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO đã ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lặp lại của dịch bệnh do virus Chikungunya lây truyền qua muỗi đã hoành hành trên toàn cầu 2 thập kỷ trước. Đây là loại bệnh có thể gây sốt cao, đau khớp và tàn tật…
Theo bà Diana Rojas Alvarez – một quan chức y tế của WHO cho biết, hiện có khoảng 5,6 tỷ người sống ở các khu vực trên 119 quốc gia có nguy cơ nhiễm loại virus này, có thể gây sốt cao, đau khớp và tàn tật.
“Chúng ta đang chứng kiến lịch sử lặp lại” – Bà Diana Rojas Alvarez.
Bên cạnh đó, bà Diana Rojas Alvarez cũng so sánh với đại dịch năm 2004-2005 đã làmg ảnh hưởng đến gần nửa triệu người, chủ yếu ở các vùng đảo nhỏ, trước khi lan rộng khắp thế giới.
Đợt bùng phát hiện tại bắt đầu vào đầu năm 2025, với các đợt bùng phát lớn ở cùng những hòn đảo Ấn Độ Dương từng bị ảnh hưởng trước đó, bao gồm La Reunion, Mayotte và Mauritius.
Cũng theo bà Diana Rojas Alvarez, ước tính 1/3 dân số La Reunion đã bị nhiễm bệnh. Hiện tại loại virus này đang lây lan sang các quốc gia như Madagascar, Somalia và Kenya và đã cho thấy sự lây lan dịch bệnh ở Đông Nam Á và Ấn Độ.
“Điều đáng lo ngại đặc biệt là số ca nhập khẩu ngày càng tăng và tình trạng lây nhiễm trong nước gần đây ở châu Âu” – Bà Diana Rojas Alvarez cảnh báo.
Bà Diana Rojas Alvarez cũng cho biết thêm, hiện đã có khoảng 800 trường hợp nhiễm Chikungunya “nhập khẩu” vào Pháp kể từ ngày 1/5.
Theo WHO, Chikungunya là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi, gây sốt và đau khớp dữ dội. Bệnh do virus ribonucleic acid (RNA) thuộc chi alphavirus, họ Togaviridae gây ra.
Tên gọi “Chikungunya” bắt nguồn từ một từ trong tiếng Kimakonde ở miền nam Tanzania, có nghĩa là “thứ gì đó cong gập” và mô tả dáng người khom khom của người nhiễm bệnh kèm theo đau khớp dữ dội (đau khớp).
Virus Chikungunya (CHIKV) lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái bị nhiễm bệnh, phổ biến nhất là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Hai loài này cũng có thể truyền các loại virus khác, bao gồm virus sốt xuất huyết và virus Zika. Chúng chủ yếu đốt người vào ban ngày, và có thể đạt đỉnh điểm hoạt động vào sáng sớm và chiều muộn.
CHIKV lần đầu tiên được phát hiện tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania vào năm 1952, sau đó lan rộng ra các quốc gia khác ở Châu Phi và Châu Á. Các đợt bùng phát dịch bệnh ở đô thị được ghi nhận lần đầu tiên tại Châu Á vào những năm 1970, nhưng kể từ năm 2004, các đợt bùng phát CHIKV đã trở nên thường xuyên và lan rộng hơn.
Các ca nhiễm Chikungunya tại địa phương do muỗi truyền đầu tiên ở Châu Mỹ được báo cáo vào cuối năm 2013, sau đó là các đợt bùng phát lớn ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trong khu vực. Chikungunya hiện đã được báo cáo tại hơn 110 quốc gia ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và
Hiện sốt Chikungunya, căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và lây truyền chủ yếu qua các loài muỗi Aedes, bao gồm cả muỗi vằn, cũng truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika, có thể gây ra các đợt bùng phát nhanh chóng và trên diện rộng.
Việc phòng ngừa căn bệnh này chủ yếu thông qua việc sử dụng thuốc chống côn trùng và mặc quần áo dài tay.
Phạm Sinh