Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore) nằm ở trung tâm Rome, Italy, được xây dựng theo lệnh của Giáo hoàng Liberio vào tháng 8/359 và xây dựng lại vào năm 432 dưới thời Giáo hoàng Sixto III.
Giáo hoàng Francis qua đời hôm 21/4, thọ 88 tuổi. Theo di nguyện, ông sẽ được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.
Giáo hoàng Francis sẽ là người đầu tiên sau hơn một thế kỷ không an táng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Vị giáo hoàng cuối cùng được an táng ngoài Vatican là Lêô XIII vào năm 1903, tại Nhà thờ Thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của giám mục thành Rome.
Là một trong bốn vương cung thánh đường giáo hoàng tại Rome, Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả cũng là nơi yên nghỉ của bảy vị giáo hoàng. Người gần nhất là Giáo hoàng Clêmentê IX vào năm 1669.
Đây cũng là nơi an nghỉ của một số nhân vật nổi tiếng khác, như kiến trúc sư kiêm nhà điêu khắc Gian Lorenzo Bernini – người thiết kế quảng trường Thánh Phêrô cùng các hàng cột bao quanh.
Nội thất bên trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả vẫn giữ được nhiều nét nguyên bản. Gian giữa của nhà thờ được bao quanh bởi 40 cột kiểu Ionic và được trang trí bằng những bức tranh ghép tinh xảo.
Truyền thuyết gắn liền với nguồn gốc của Vương cung Thánh đường cho rằng một cặp vợ chồng giàu có nhưng không có con tại Rome muốn hiến tặng tài sản của họ cho Đức Mẹ. Bà đã hiện ra trong một khải thị và dặn họ xây dựng nhà thờ để đòn chờ phép lạ. Tuyết đã rơi vào một đêm mùa hè tháng 8/352, tại ngọn đồi nơi thánh đường hiện tọa lạc.
Một truyền thuyết khác kể rằng Đức Giáo hoàng Liberius đã được báo mộng về trận tuyết mùa hè này.
Tuy nhiên, theo Vatican, không còn gì sót lại từ thánh đường ban đầu ấy. Việc xây dựng thánh đường hiện tại bắt đầu vào khoảng năm 432, dưới thời Giáo hoàng Sixtus III.
Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả lưu giữ một số Thánh tích quan trọng nhất của Giáo hội, trong đó có bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng được cho là do Thánh Luca vẽ, hay Nôi thánh.
Vương cung Thánh đường còn lưu giữ những mảnh gỗ được tin là từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Theo trang web của thánh đường, các nghiên cứu gần đây đã xác định niên đại của số gỗ này thuộc vào thời kỳ Chúa Giêsu chào đời.