Sáng 15/7, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045” với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận định, 3 động cơ tăng trưởng trong hơn 30 năm qua của Việt Nam là lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và hội nhập thị trường thế giới đang có dấu hiệu giảm dần hiệu lực khi tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, trong khi hiệu quả sử dụng vốn chậm cải thiện.
“Về cơ bản, năng suất lao động được nâng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 1/11 Singapore, 1/5 Malaysia và chưa bằng 50% Thái Lan” – ông Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp lớn cho xuất khẩu nhưng hiệu ứng lan tỏa về công nghệ sang doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Đồng thời, chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia chủ yếu ở phân khúc thấp.
“Từ đó đã làm cho nền kinh tế dù không rơi vào tình trạng trì trệ nhưng cũng chưa bứt phá, không còn đói nghèo nhưng cũng chưa giàu mạnh. Đây chính là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình – tình trạng mà hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn chưa thể vượt qua“- ông Thanh nhấn mạnh.
Từ bài học quốc tế, ông Thanh nhận định, Việt Nam phải đi bằng một chiến lược thuần túy có thể rút ngắn nhưng không nóng vội. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định và nhiều rủi ro, mô hình tăng trưởng không thể tiếp tục vận hành theo lối đơn tuyến mà cần phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, tích hợp giữa các yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, địa chính trị với những động lực phát triển mới.
Cụ thể là chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những chuỗi giá trị, kiểm soát dữ liệu, chuyển đổi xanh và cam kết mục tiêu phát triển bền vững, buộc các nền kinh tế phải chuyển mình nhanh chóng, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi.
“Nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, bị kẹt lại ở những nấc thang thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hậu quả là ngày càng xa rời mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045” – ông Thanh lưu ý.
Quang cảnh buổi diễn đàn – ảnh: KTĐT
Cũng tại diễn đàn, TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng kinh tế 10%/năm.
“Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể tiếp tục đi theo mô hình tăng trưởng cũ. Vì vậy, cần một cuộc “đại phẫu” toàn diện nhằm thay đổi thể chế, nâng cao hiệu quả điều hành và chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao…” – ông Sang cho biết.
Cũng theo TS Lê Xuân Sang, trong 5 năm tới Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng dựa trên các định hướng như:
Đầu tiên là vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta cần ưu tiên vốn đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa sang khu vực trong nước.
Thứ hai, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực để kết nối tốt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án lớn, nhất là đầu tư công.
Thứ tư, cần siết chặt kỷ cương để tránh tình trạng “quan hệ- cánh hẩu”, nâng cao tính minh bạch và công bằng.
Thứ năm cần cải cách thể chế theo hệ thống “cây gậy và củ cà rốt”, nghĩa là vừa thúc ép đổi mới, vừa có cơ chế khuyến khích hiệu quả.
Thứ sáu, cần nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và phối hợp giữa các cấp, ngành.
Thứ bảy, cần tái cơ cấu ngân sách và các quỹ tài chính cần ưu tiên vốn cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, giáo dục-công nghệ.
Cuối cùng cần cắt giảm mạnh các quỹ ngoài ngân sách hoạt động kém hiệu quả, đồng thời tăng vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.
Cũng theo ông Sang, việc cải cách mô hình tăng trưởng cần giống như một cuộc đại phẫu, dũng cảm tháo gỡ những phần lỗi thời, đồng thời sắp xếp lại các thành tố mới một cách bài bản. Tuy nhiên, việc này không thể nóng vội, càng không thể làm theo cách chắp vá mà đòi hỏi sự vào cuộc chuyên nghiệp với lộ trình rõ ràng và có tính đến các rủi ro phát sinh…