Việt Nam bắt đầu hành trình xanh hóa ngành giao thông vào năm 2026

Phạm Sinh

Phóng viên

Việc chuyển đổi từ xe gắn máy chạy nguyên liệu hóa thạch (xe xăng, dầu) sang xe điện (EV) từ ngày 1/7/2026 tại một số tuyến đường Hà Nội sắp tới đây chính là một dấu mốc quan trọng cho hành trình xanh hóa ngành giao thông Việt Nam nếu lộ trình này được thực hiện đồng bộ và khoa học.

Chuyển đổi sang xe điện nhằm đảm bảo hành trình xanh hóa giao thông

Theo đó, tháng 7/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải” với mục tiêu giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế.

Tiếp đến ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực, chính thức đặt ra một dấu mốc quan trọng cho hành trình xanh hóa ngành giao thông Việt Nam.

 Cụ thể, từ ngày 1/7/2026 đường vành đai 1 và 2 sẽ bị cấm hoàn toàn xe gắn máy chạy xăng. Đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Vanh dai 1 HN

Từ ngày 1/7/2026 Hà Nội sẽ cấm xe chạy xăng tại đường vành đai 1 và 2 

Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi xanh hóa ngành giao thông cũng cần phải thực hiện từng bước nhằm đảm bảo hạ tầng và sự chuyển đổi phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội tại Việt Nam hiện nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được mức độ sử dụng xe điện theo lộ trình đã đề ra, Việt Nam cần bổ sung thêm 12-20% sản lượng điện lưới trong giai đoạn 2045 – 2050.

Để giảm tác động của việc sử dụng phương tiện giao thông chạy điện đối với ngành điện, Việt Nam phải tăng cường cải thiện hiệu suất mạng lưới điện và hiệu suất sử dụng pin. Chính phủ Việt Nam nên tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi từ sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng chạy điện, chuyển đổi việc sử dụng xe tải điện sang vận tải đường sắt hoặc đường thủy” – WB khuyến nghị.

Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện, Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030 và 6 triệu thiết bị sạc và 10 triệu pin vào năm 2050.

Tính toán của WB cho thấy, bên cạnh thiết bị sạc, thì đến năm 2040 và 2050, nhu cầu về pin xe điện sẽ lần lượt đạt 4,8 triệu và 10,7 triệu đơn vị, theo lộ trình đã đề ra để hiện thực hóa mục tiêu hầu hết các phân khúc phương tiện đường bộ tại Việt Nam đều sử dụng xe điện.

Đối với việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện, WB nhận thấy mô hình hợp tác công – tư sẽ là phương án tiềm năng để thu hút đầu tư cho khía cạnh này. Vì thế, Việt Nam nên tập trung tạo ra môi trường chính sách giúp thúc đẩy tối đa động lực của khu vực tư nhân và triển vọng kinh doanh liên quan đến việc đầu tư vào mạng lưới trạm sạc.

Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đưa ra các quy định đầy tham vọng về việc sử dụng xe điện với lộ trình cụ thể, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Cần đưa ra các ưu đãi về tài chính và phi tài chính để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hoạt động trạm sạc xe điện. Ngoài ra nên thực hiện các mô hình kinh doanh PPP để phát triển mạng lưới trạm sạc, thông qua các dự án thí điểm do chính phủ thực hiện” – WB viết.

WB cũng nhấn mạnh, để khuyến khích phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện thì điều quan trọng nhất là vai trò then chốt của Chính phủ Việt Nam, bởi các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chính phủ trợ cấp cho cơ sở hạ tầng trạm sạc có thể hiệu quả hơn tới 5-6 lần so với trợ cấp cho việc mua xe…

Hiệu quả kinh tế khi giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc dùng xe điện

Cũng theo WB tại báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” cũng nêu rõ, trong ngành giao thông vận tải, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông đường bộ đến nay là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85%.

Các phương tiện chạy xăng và dầu diesel thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như: oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10) gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Trong đó, xe hai bánh (2W), bao gồm xe máy và xe gắn máy, chiếm 28% lượng phát thải, tiếp theo là xe buýt và xe khách liên tỉnh chiếm 11%, ô tô con chiếm 6%.

Phân khúc phương tiện đường bộ phát thải nhiều nhất là xe tải đủ cỡ, đóng góp khoảng 54% vào lượng phát thải của giao thông đường bộ.

xe dien

Xanh hóa ngành giao thông nhằm giảm ô nhiễm môi trường – hình minh họa

Tại “Chương trình hành động để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của WB cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 50% phương tiện giao thông công cộng tại đô thị sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến năm 2050, tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh.

Nghiên cứu của WB tại chương trình “Clean air for Ha Noi: What will it take?” năm 2022 cũng cho thấy nếu đạt được mục tiêu trên, đến năm 2030, Việt Nam có thể tránh được lượng phát thải oxit lưu huỳnh là 302 tấn, oxit nitơ 1.857 tấn và bụi mịn PM là 181 tấn.

Đến năm 2050, khi quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện mở rộng sang ô tô con, xe tải và xe khách đường dài, tác động này sẽ tăng lên thêm 162 lần đối với oxit lưu huỳnh (khoảng 48.842 tấn), tăng 66 lần đối với oxit nitơ (122.079 tấn) và tăng 48 lần đối với bụi mịn PM10 (8.607 tấn). 

Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ tiết kiệm được tổng cộng khoảng 30 triệu USD chi phí thiệt hại môi trường vào năm 2030 và sẽ tăng lên 6,4 tỉ USD vào năm 2050.

Bên cạnh đó, các chuyên gia từ WB cũng tính toán việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể tạo ra tổng cộng 6,5 triệu việc làm sản xuất mới tại Việt Nam tính đến năm 2050, cũng như nhiều công ăn việc làm khác trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa xe điện.

Nhiều quốc gia đang thực hiện việc chuyển đổi từ xe xăng, dầu sang xe điện

Theo một số nghiên cứu, dự kiến đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 2/3 doanh số ô tô thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu về bảo vệ môi trường, bầu khí quyển, hạn chế sự nóng lên toàn cầu, xe điện cần chiếm 75% đến 95% doanh số bán xe năm 2030.

Tại nhiều thị trường xe điện lớn như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ – chính phủ các nước này đang thúc đẩy hoạt động chuyển đổi sử dụng xe điện chủ yếu thông qua những chính sách kích thích nhu cầu, chẳng hạn như tung ra hàng loạt ưu đãi mua xe.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu 40% lượng xe bán ra vào năm 2030 là xe điện, sau đó dự kiến sẽ chỉ bán xe điện ở một số khu vực nhất định như tỉnh đảo Hải Nam.

Trong khi đó, Na Uy đặt tham vọng cao hơn khi mục tiêu “xóa sổ” doanh số bán xe động cơ đốt trong vào năm 2025.

Đến nay, Na Uy đạt được nhiều kết quả đáng nể khi tính đến hết năm 2022 đã có 80% xe mới bán ra ở quốc xe này là xe điện.

Để thực hiện mục tiêu này, Na Uy đã đưa ra nhiều chính sách tài trợ và khuyến khích để phổ cập xe điện từ những năm 1990 khi đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc điện nhằm khuyến khích người dùng xe xăng hoặc dầu diesel chuyển sang sử dụng xe điện.

Hiện nay, nhu cầu về xe điện đã tăng lên đáng kể nhờ những tiến bộ trong công nghệ và sản xuất pin đã đưa mức giá bán xe điện giảm xuống thấp hơn. Đây cũng là tin vui cho người tiêu dùng toàn cầu vì giá xe điện đang và sẽ sớm giảm dưới mức giá của các loại xe tương đương sử dụng động cơ đốt trong ở châu Âu trong năm 2024, ở Mỹ là năm 2026 và Ấn Độ là năm 2027.

Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng đã đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần sự hiện diện của xe điện trên đường phố, từ khoảng 8 triệu xe hiện nay lên mức 50 triệu xe vào năm 2030. 

Để đảm bảo lượng xe điện sẵn có không bị thiếu hụt, châu Âu đang lên kế hoạch chuyển sang hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để nhập khẩu hơn 1 triệu xe điện mỗi năm từ Trung Quốc để đạt được các mục tiêu môi trường.

 Chính phủ của các quốc gia này cũng thực hiện các chính sách ưu đãi tài chính nhằm đặt nền móng cho ngành công nghiệp xe điện phát triển khi chi phí mua xe đang tiếp tục giảm. 

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này cũng đã ban hành chiến lược tăng cường sử dụng xe điện với các ưu đãi hấp dẫn nhằm đặt mục tiêu đẩy doanh số bán xe điện đuổi kịp doanh số bán ở Trung Quốc và các quốc gia châu Âu vào năm 2030.

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN