Vì sao tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam luôn cao?

Phạm Sinh

Phóng viên

Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 4.000 ca đuối nước, trong đó có khoảng 2.000 ca là trẻ em. Các ca đuối nước này xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ hè và những tháng hè trẻ nghỉ học. Bên cạnh đó, đuối nước là một trong 5 nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em từ 1-14 tuổi.

hon-3-000-tre-em-viet-nam-chet-vi-duoi-nuoc-moi-nam
Mỗi năm tại nước ta có khoảng có khoảng 2.000 ca đuối nước là trẻ em – ảnh minh họa

Gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khiến cho hàng chục nạn nhân tử vong, trong đó có rất nhiều trẻ em.  

Chẳng hạn, vào khoảng 16 giờ 45 phút ngày 21/5, tại đập tràn Quảng Thành (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) có 7 học sinh rủ nhau tắm tại đây. Tuy nhiên bất ngờ lũ tràn về khiến các em bị cuốn trôi. Hậu quả đã đã làm 2 tử vong, 2 em bị mất tích và 3 em được cứu vớt đưa đi cấp cứu.

Trước đó, vào chiều 10/5, 2 em học sinh (cùng SN 2011, cùng trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cũng đã tử vong tại bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) do bị sóng cuốn ra xa khi đang tắm biển tại đây.

Hay như ngày 20/5, tại đập Quán Trăn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), 2 sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng đã bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, theo thống kê, chỉ trong tháng 4/2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 3 vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong. Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Đắk Nông, khi từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ đuối nước, làm chết 19 người. Đặc biệt, từ ngày 1/4 đến ngày 5/5 tỉnh này liên tiếp xảy ra 9 vụ đuối nước, trong đó có 7 vụ có nạn nhân là trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều các tỉnh, thành trên cả nước cũng có ghi nhận tình trạng đuối nước gây tử vong hoặc bị thương phải nhập viện điều trị.

Nguyên nhân vì sao tỷ lệ đuối nước tại nước ta luôn cao?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích nhất là tai nạn đuối nước trẻ em.

Nước ta có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc. Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cộng đồng còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn, có thể gây đuối nước trẻ em khi nhiều nơi còn tình trạng nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng.

Bên cạnh đó, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư, các ao, hồ tưới tiêu trong các khu vực nương rẫy, khu dân cư không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm…

Hiện nay nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý chủ quan hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phòng, chống đuối nước, chưa quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

Đặc biệt, rất nhiều trẻ em ở nước ta còn thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn nên hầu như không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi. Đồng thời, nhiều em không biết cách cứu đuối gián tiếp nên đã nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc.

Theo thống kê năm 2022, tỷ lệ trẻ em Việt Nam từ 6-15 tuổi biết bơi theo tiêu chuẩn, (bơi được 25 mét và nổi 90 giây) hiện mới chỉ có khoảng 29%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 50% trẻ em từ 6-15 tuổi phải biết bơi vào năm 2025.

Cách phòng chống và sơ cứu đuối nước ở trẻ em?

Trong thời gian qua, dù công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được cơ quan báo chí, ngành chức năng đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc phổ cập kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước xoáy hoặc sóng dữ cho trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng sông nước cũng được triển khai ở nhiều địa phương.

Theo các chuyên gia, để chủ động phòng chống hoặc xử lý tình huống đuối nước chúng ta cần đáp ứng các điều kiện cơ bản như:

 Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước;

Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy;

Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ;

Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ. Nếu ở biển chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định;

Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

Trong khi đó, để sơ cứu khi bị ngạt nước chúng ta cũng cần thực hiện đúng phương pháp và quy trình như sau:

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.

Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không. Cụ thể:

– Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

– Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.

– Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.

Đặc biệt, khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, gọi điện báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc chính quyền đại phương nơi gần nhất…

Chuyên gia khuyến cáo hình thức ngăn chặn trẻ đuối nước ở nước ta

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế Công cộng, hiện nay mới chỉ có một số địa phương, khu vực hạn chế được tiếp cận các dự án về phòng chống đuối nước và triển khai bằng các hoạt động cụ thể đối với trẻ em.

 “Cộng đồng chúng ta còn rất nhiều địa điểm mất an toàn, đặc biệt là những hồ nước mở, các khu công nghiệp hay các hố nước mà còn tồn tại ở các công trường. Đó là một trong những nguy cơ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em biết bơi ở Việt Nam hay kỹ năng xác định phòng chống đuối nước, kỹ năng an toàn khi chơi ở các hồ nước vẫn còn thấp, trừ những tỉnh có những hoạt động dự án tăng cường” – PGS.TS Phạm Việt Cường chia sẻ.

TS Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, tình trạng đuối nước xảy ra ở lứa tuổi học sinh vào dịp nghỉ hè gây ra hậu quả rất nghiêm trọng…

Để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, không xảy ra đuối nước, các bậc phụ huynh và nhà trường cùng có những khuyến cáo, hay tốt hơn là những buổi tập huấn nghiêm túc với các em học sinh về kỹ năng bảo vệ mình khỏi đuối nước – Tiến sĩ Huy cho hay..

Tiến sĩ Huy cũng cho rằng, nhắc nhở các em không tự ý lập nhóm đi tắm biển, tắm sông mà không có sự đồng ý và giám sát của phụ huynh và nhà trường.

Bên cạnh đó, phụ huynh và giáo viên cần dạy trẻ cách nhận biết dòng chảy xa bờ khi tắm biển, vì nơi này cực kỳ nguy hiểm ngay cả với người lớn bơi giỏi. Nếu rơi vào dòng chảy xa bờ mà không biết cách xử lý có thể bị nước biển cuốn trôi ra xa.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng đều cần thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước. Hiện nay việc phổ cập bơi ở nhiều nơi vẫn chưa hiệu quả, các lớp dạy bơi thường chỉ tập trung ở khu vực thành thị, trong khi trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại là đối tượng dễ bị đuối nước hơn.

“Để ngăn chặn thảm kịch đuối nước, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xây dựng và triển khai các chương trình phòng, chống đuối nước một cách thiết thực, hiệu quả, bao gồm việc đầu tư xây dựng các bể bơi công cộng an toàn; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí hoặc chi phí thấp cho trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền; cảnh báo về nguy cơ đuối nước ở các khu vực nguy hiểm; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước” – Luật sư Đức kiến nghị.

Theo bà Kelly Larson – Giám đốc Quỹ Bloomberg Philanthropies, đơn vị hỗ trợ phòng chống đuối nước tại Việt Nam kể từ năm 2018 nhấn mạnh, để các giải pháp phòng chống đuối nước phát huy hiệu quả, thì trước hết, Việt Nam cần phải có hệ thống dữ liệu đuối nước thật tốt, để hiểu rõ đối tượng bị đuối nước ở độ tuổi nào,  tập trung khi nào và ở đâu để đưa ra những giải pháp phù hợp…

BÀI LIÊN QUAN