Vì sao sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh tăng 136% so với cùng kỳ 2024?

Phạm Sinh

Phóng viên

Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 136% so với cùng kỳ năm 2024. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường này?
Sot xuat huyet

Người dân nên chú ý các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết 

Mới đây, khoa Hồi sức tích cực – Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 có tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi T.T.T (12 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) bị sốc sốt xuất huyết.

Trước đó, người nhà đưa trẻ vào bệnh viện tuyến trước trong tình trạng sốc, cô đặc máu, tiểu cầu giảm 5-6 lần so với bình thường, men gan tăng gấp 5 lần bình thường, mạch nhanh.

Tại BV Nhi Đồng 2, các y bác sĩ tiếp nhận trẻ trong tình trạng suy hô hấp, hỗ trợ thở bằng ô-xy và cho truyền dịch cao phân tử.

Đến nay, sau điều trị, tình trạng huyết động bệnh nhi ổn định, tiếp tục được theo dõi.

Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, cho biết từ đầu năm 2025 đến nay khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết dư cân, bệnh nền.

Các dấu hiệu nhận biết sớm sốt xuất huyết thường là sốt cao đột ngột, liên tục kèm các triệu chứng nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt, xuất huyết da và niêm mạc….

Do sốt xuất huyết có thể chuyển biến nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm, ngay khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám” – bác sĩ Việt chia sẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Việt lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng mà phụ huynh cần chú ý như trẻ vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng hạ sườn bên phải; nôn nhiều trên 3 lần trong vòng 1 giờ hoặc trên 4 lần trong vòng 6 giờ.

Đặc biệt lưu ý nếu trẻ có xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, mũi, ói ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; tiểu ít; tay chân lạnh, ẩm; da nổi bông; thở mệt.

Cũng liên quan đến căn bệnh này, trước đó, BV Nhi đồng TP đã tiếp nhận bé H.N.G.H (10 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nhập viện vì sốt xuất huyết.

Trẻ có dư cân béo phì, cân nặng 50 kg (thường ở lứa tuổi này khoảng 30 – 32 kg).

Trước đó trẻ sốt cao liên tục 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh. Người nhà đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3. Bệnh nhi được điều trị tích cực, truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng nên chuyển BV Nhi đồng TP.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên trẻ dư cân béo phì. Các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử, chống sốc, dùng các thuốc vận mạch phối hợp, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập…

Sau gần 12 ngày điều trị, trẻ cai được máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường.

Liên quan đến ca bệnh này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP cho biết, vào mùa mưa, muỗi vằn sinh sôi nảy nở, người dân cần lưu ý diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng, dọn dẹp vật chứa… Hiện đã có vaccine ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.

Ngoài ra phụ huynh cần lưu ý cho con em mình ăn uống theo chế độ ăn hợp lý tùy lứa tuổi, được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng để tránh nguy cơ dư cân béo phì. Những trẻ dư cân béo phì, khi mắc sốt xuất huyết điều trị rất khó khăn do dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận…” – bác sĩ Tiến chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, hiện nay mưa nắng không theo mùa, mùa mưa đến sớm, mưa nhiều khiến nước đọng lại ở nhiều nơi, tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển thành muỗi trưởng thành, rồi từ đó muỗi đi đốt người và truyền bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng khiến muỗi thích nghi bằng cách biến đổi gen, tăng khả năng kháng thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng dẫn đến việc muỗi tiếp tục sinh sôi, lây lan dịch bệnh, ca sốt xuất huyết theo đó tăng, nguy cơ bùng dịch càng cao.

Dịch sốt xuất huyết theo chu kỳ 3-4 năm bùng phát một lần, 2025 có khả năng là chu kỳ dịch bùng phát trở lại – có thể tăng gấp 3-5 lần so với bình thường” – bác sĩ Tiến cho biết.

Sot XH

Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), số liệu thống kê năm 2024 tại khu vực phía Nam đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết Dengue chiếm đến 41% trong tổng số 141.000 ca mắc trên cả nước.

Trong tuần 19 của năm 2025 TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 256 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 5,4% so với trung bình 4 tuần trước.

Tuy nhiên, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 19 là 7.398 ca, tăng 136,0% so với cùng kỳ năm 2024.

BÀI LIÊN QUAN