Những cuộc hôn nhân không tình yêu, không tình dục
“Hôn nhân tình bạn” được định nghĩa là mối quan hệ sống chung dựa trên giá trị và lợi ích tương đồng, không gắn với tình yêu lãng mạn hay quan hệ thể xác. Dù cùng sống dưới một mái nhà hay không, các cặp đôi đều là vợ chồng hợp pháp.
Từ năm 2015 đến nay, công ty môi giới Colorus – đơn vị đầu tiên tại Nhật chuyên kết nối các cặp đôi theo mô hình hôn nhân tình bạn – đã ghi nhận khoảng 500 cuộc hôn nhân kiểu này. Một số cặp hiện đang cùng nuôi con.
Lý do họ kết hôn dù không yêu đương và không bị hấp dẫn về mặt thể xác, là vì mong muốn có một người bạn đời để ổn định cuộc sống, giảm áp lực xã hội và để gia đình yên tâm.
Nếu muốn có con, họ có thể chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo. Cả hai cũng có quyền thiết lập mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân nếu có sự đồng thuận.
Trước khi kết hôn, các cặp đôi thường thống nhất rõ ràng về cách sống chung, chi tiêu, phân công công việc nhà – những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại giúp họ duy trì mối quan hệ lâu dài.
Ước tính, khoảng 1% dân số Nhật Bản – tức hơn 1 triệu người – có xu hướng chấp nhận hoặc cảm thấy phù hợp với mô hình hôn nhân tình bạn. Nhóm này chủ yếu gồm người vô tính, người đồng tính và những người dị tính không còn tin tưởng vào hình mẫu hôn nhân truyền thống.
Theo thống kê từ Colorus, người lựa chọn hôn nhân tình bạn thường có độ tuổi trung bình là 32,5, thu nhập trên mức trung bình và hơn 85% có bằng đại học trở lên.
Cuộc khủng hoảng thầm lặng
Một khảo sát do công ty Raison d’Être có trụ sở tại Shinjuku, Tokyo thực hiện, đã tiến hành trên 4.000 người đã kết hôn, ở độ tuổi 20, 30, 40 và 50 (mỗi nhóm gồm 500 nam và 500 nữ).
Kết quả cho thấy, 43,9% số người tham gia thừa nhận đang sống trong một cuộc hôn nhân “không tình dục”, trong khi 24,3% cho biết họ “gần như không quan hệ tình dục”. Tính tổng cộng, có tới 68,2% cặp đôi quan hệ rất ít hoặc hoàn toàn không quan hệ tình dục – một con số cho thấy tình trạng hôn nhân không tình dục tại Nhật Bản phổ biến hơn nhiều so với tưởng tượng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, văn hóa làm việc khắc nghiệt được xem là một trong những tác nhân lớn nhất. Tại Nhật Bản, không hiếm những nhân viên phải làm việc đến tối muộn, thậm chí ngủ lại công ty.
Khi trở về nhà trong trạng thái kiệt sức, nhiều người không còn đủ năng lượng hay tâm trí cho sự gần gũi với bạn đời.
Áp lực tài chính cũng là một yếu tố đáng kể. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn buộc nhiều cặp đôi phải làm thêm giờ hoặc làm nhiều công việc cùng lúc để trang trải cuộc sống.
Khi cả hai đều mệt mỏi và căng thẳng, chuyện chăn gối gần như bị lãng quên.
Một yếu tố nữa góp phần làm suy giảm đời sống tình dục trong hôn nhân là sự xuất hiện của con cái. Nhiều cặp đôi thừa nhận rằng, sau khi có con, họ gần như không còn đời sống tình dục.
Việc chăm sóc con cái chiếm trọn thời gian và tâm sức của người mẹ, trong khi người cha thường ngủ ở phòng riêng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
Sự tách biệt về không gian sống dần tạo ra khoảng cách tình cảm, khiến sự kết nối giữa hai vợ chồng ngày càng mờ nhạt.
Một cặp vợ chồng sống tại Tokyo, đã kết hôn 8 năm, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn quan tâm đến nhau rất nhiều, nhưng sự gần gũi thể xác không còn là ưu tiên. Cả hai muốn dồn sức cho sự nghiệp và việc nuôi dạy con.”
Họ không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều cặp đôi trong hôn nhân không tình dục cho biết họ vẫn cảm thấy gắn bó và viên mãn về mặt cảm xúc, nhờ có sự thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ trong đời sống thường ngày.
Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân này phản ánh sự thay đổi sâu sắc hơn của xã hội, nơi các vấn đề hàng ngày đang làm lu mờ nhu cầu về mặt cảm xúc và thể chất. Khi hôn nhân không tình dục trở nên phổ biến hơn, tỷ lệ sinh giảm đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của Nhật Bản, đặc biệt là về sự ổn định kinh tế và tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội.