Vì sao Gen Z từ chối làm sếp?

Kiều Giang

Phóng viên

Nếu như các thế hệ trước xem thăng tiến là thước đo cho sự thành công và niềm vinh dự trong sự nghiệp, thì với Gen Z, việc trở thành “sếp” lại không còn nằm trong danh sách những mục tiêu đáng khao khát.

Với nhiều Gen Z, con đường thăng tiến không còn đồng nghĩa với việc nắm giữ vị trí lãnh đạo. Theo Business Insider, thế hệ này có xu hướng tránh các vai trò quản lý cao hơn 1,7 lần thế hệ trước, để bảo vệ sức khỏe tinh thần và duy trì cân bằng cuộc sống.

Quan điểm của thế hệ Z về vấn đề thăng tiến

Theo kết quả nghiên cứu mới của Robert Walters, một trong những công ty hàng đầu thế giới về tuyển dụng chuyên nghiệp và cung cấp giải pháp nhân sự, 52% nhân viên Gen Z không muốn trở thành quản lý cấp trung. Trong khi đó, gần 72 % Gen Z thích lựa chọn con đường thăng tiến cá nhân hơn là quản lý người khác.

Vậy điều gì đang khiến cho người trẻ không còn mặn mà với việc thăng chức?

Đầu tiên, họ coi sức khỏe tinh thần quan trọng hơn chức vụ.

Đảm nhận vai trò lãnh đạo đồng nghĩa với áp lực lớn hơn, thời gian làm việc kéo dài và nhiều thách thức trong quản lý nhân sự, nhưng chế độ đãi ngộ và hỗ trợ thường không tương xứng.

Điều này không còn hấp dẫn với thế hệ Z, những người ưu tiên sức khỏe tinh thần hơn danh vị. Thay vì chạy theo lộ trình thăng tiến truyền thống, họ tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân và sự hài lòng trong công việc.

Người lao động thế hệ Z kỳ vọng các tổ chức tôn trọng ranh giới cá nhân bằng cách kiểm soát khối lượng công việc hợp lý, cắt giảm các cuộc họp không cần thiết và hạn chế liên lạc ngoài giờ làm.

Nếu không nhận được những sự bảo vệ đó, họ sẵn sàng tìm kiếm vị trí khác hoặc nghỉ việc để ưu tiên thời gian cho cuộc sống cá nhân..

Biến động kinh tế, bất ổn chính trị và lo ngại về khủng hoảng khí hậu đang định hình lại cách thế hệ trẻ nhìn nhận sự nghiệp.

Giữa áp lực nợ nần, chi phí sinh hoạt leo thang và những rủi ro khó lường, nhiều người cho rằng việc theo đuổi thăng tiến hay các vị trí lãnh đạo không còn xứng đáng để phải căng thẳng.

Thay vào đó, Gen Z chọn tập trung vào những gì có thể kiểm soát: trải nghiệm công việc hàng ngày, sức khỏe tinh thần và thể chất, cùng cách quản lý quỹ thời gian ngoài công việc.

Với nhiều người, đây không phải là dấu hiệu của sự kém tham vọng, mà là lựa chọn thực tế trong bối cảnh con đường thành công truyền thống ngày càng ít mang lại sự mãn nguyện và an toàn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ mở ra nhiều lựa chọn sự nghiệp ngoài khuôn khổ truyền thống. Các công việc tự do và kinh doanh phụ ngày càng phổ biến, cho phép mọi người theo đuổi nhiều đam mê cùng lúc và tạo ra nhiều nguồn thu nhập, mà không cần gắn chặt bản thân vào một lộ trình thăng tiến duy nhất trong một tổ chức.

Tại Mỹ, 57% Gen Z mong muốn trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và 53% xem đó là một nghề nghiệp đáng tự hào.

Tóm lại, thay vì gắn bó lâu dài với một tổ chức, họ ưu tiên những mục tiêu ngắn hạn mang lại sự hài lòng tức thì và phù hợp với đam mê cá nhân.

Việc tránh các vai trò lãnh đạo không phải là một bước lùi

Gen Z không thờ ơ với phát triển sự nghiệp, họ chỉ hướng tới một phiên bản thành công được định nghĩa lại. Những người trẻ đang đặt ra những câu hỏi hay hơn: Điều này có đáng không? Lãnh đạo thực sự có nghĩa là gì? Và cái giá phải trả cho cuộc sống cá nhân là gì?

Đối với các doanh nghiệp mong muốn xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận, giải pháp không nằm ở việc áp đặt những mô hình cũ mà ở chỗ thích ứng và đổi mới.

Họ cần mở ra những lộ trình phát triển linh hoạt hơn, thiết lập các cấu trúc hỗ trợ hiệu quả, và quan trọng nhất là tái định nghĩa khái niệm lãnh đạo: Dẫn dắt bằng tác động tích cực mà không đánh đổi bằng sự kiệt sức.

BÀI LIÊN QUAN