Vì sao các nước trả tiền để phụ nữ sinh con?

Chí Phú

Biên tập viên

Từ Nga đến Mỹ, nhiều nước đang trả tiền để phụ nữ sinh con, nhằm cứu vãn đà giảm dân số nhưng cũng đặt ra những lo ngại về tự do lựa chọn và bất bình đẳng.

Ở một số vùng của Nga, các thiếu nữ đang ngồi trên ghế nhà trường nếu mang thai và sinh con sẽ được nhận hơn 100.000 rúp (gần 27 triệu đồng). 

Đây là một phần của chiến lược dân số mới mà Nga triển khai trong vài tháng qua ở 10 khu vực, mở rộng chính sách hồi tháng 3/2025 vốn chỉ áp dụng cho phụ nữ trưởng thành.

Tỷ lệ sinh của Nga hiện chỉ đạt 1,41 trẻ/phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,05 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tổng thống Vladimir Putin xem dân số đông là biểu tượng của một cường quốc thịnh vượng, bên cạnh lãnh thổ rộng lớn và quân đội hùng mạnh.

Tuy vậy, trong cuộc xung đột với Ukraine, ước tính khoảng 250.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, hàng trăm ngàn người, phần lớn là đàn ông trẻ, học vấn cao, thuộc thế hệ có thể làm cha, đã bỏ xứ ra đi để tránh nghĩa vụ quân sự.

Song thực tế, không chỉ Nga đối mặt với tình trạng này. Giảm sinh đang là xu hướng toàn cầu. Theo dự báo, đến năm 2050, hơn 3/4 quốc gia trên thế giới sẽ có tỷ lệ sinh thấp tới mức không thể duy trì quy mô dân số.

Ở Hungary, chính phủ Viktor Orban tung đủ loại ưu đãi thuế, vay mua nhà cho gia đình sinh ba con trở lên. 

Ba Lan trả đều đặn 500 zloty (khoảng 3 triệu đồng) mỗi tháng cho gia đình có từ hai con. 

Mỹ cũng không đứng ngoài. Tổng thống Donald Trump đề xuất thưởng 5.000 USD cho mỗi em bé chào đời, một phần của phong trào MAGA do Elon Musk và nhiều tỉ phú ủng hộ, nhằm khuyến khích sinh thêm.

Thực tế, đảo ngược xu thế dân số là việc cực kỳ phức tạp. Việc sinh con không chỉ phụ thuộc vào tiền bạc mà còn do quan điểm cá nhân, kỳ vọng về khả năng nuôi dạy, cũng như những giá trị văn hóa, tôn giáo và chuẩn mực xã hội. 

Vì vậy, hiệu quả của các chính sách “trả tiền để sinh con” vẫn còn rất mơ hồ. Cho đến nay, chưa nước nào tìm ra công thức để nâng tỷ lệ sinh thành công rõ rệt.

Hơn thế, nhiều chính phủ không chỉ muốn dân số tăng lên đơn thuần, mà còn muốn tăng tỷ lệ những nhóm người mà họ cho là “công dân lý tưởng”.

Hungary chỉ hỗ trợ các cặp đôi dị tính, thu nhập cao. 

Tây Ban Nha, tuy mở cửa cho di dân để giải quyết lao động, lại chủ yếu thu hút người nói tiếng Tây Ban Nha, Công giáo từ Mỹ Latin, chứ không phải người châu Phi.

Ở Mỹ, chính quyền Trump vừa kêu gọi sinh thêm con, vừa trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ và muốn hạn chế quyền tự động quốc tịch với trẻ sinh ra trên đất Mỹ. 

Đây chính là biểu hiện của việc vừa muốn tăng dân, vừa chọn lọc ai được sinh, ai được ở lại.

pregant-woman

Các chính sách này cho thấy nỗi lo sâu sắc của nhiều quốc gia về tương lai dân tộc, về việc duy trì sức mạnh kinh tế, chính trị khi dân số ngày càng già đi, thiếu lao động trẻ. 

Nhưng chúng cũng bộc lộ rõ những toan tính liên quan đến sắc tộc, tôn giáo và tham vọng kiểm soát quyền lựa chọn của từng cá nhân, đặc biệt là phụ nữ.

Tại Nga, quốc hội đã thông qua luật cấm “tuyên truyền không sinh con”, siết chặt phá thai, lên án phụ nữ chọn học hành, theo đuổi sự nghiệp thay vì lập gia đình. Putin còn khôi phục huân chương “bà mẹ anh hùng” thời Stalin để trao cho những người sinh ít nhất 10 con.

Ở Mỹ, mạng xã hội rộ lên hình mẫu các “trad wives”, tức những phụ nữ bỏ công việc để sinh nhiều con, sống đời truyền thống, trong khi những người muốn trì hoãn hôn nhân, sinh nở để phát triển bản thân lại dễ bị chỉ trích.

Khuyến sinh không hẳn là xấu, nếu chính sách thực sự tôn trọng quyền tự do lựa chọn và giúp phụ nữ cân bằng giữa gia đình với công việc. Nhưng khi nó trở thành công cụ để áp đặt lối sống, phân loại “ai được sinh, ai nên sinh”, xã hội sẽ phải gánh hệ lụy lớn như bất bình đẳng gia tăng, kỳ thị lan rộng, quyền tự quyết của phụ nữ bị thu hẹp.

Cần nhìn rõ khác biệt giữa việc khuyến khích tăng dân số để phát triển kinh tế và việc lợi dụng chính sách sinh sản nhằm phục vụ ý đồ chính trị hay hệ tư tưởng. Mỗi đứa trẻ ra đời là một phần tương lai, nhưng không nên trở thành công cụ để thực hiện tham vọng quyền lực của bất cứ ai.

Các chính sách này có thể hữu ích nếu giúp quốc gia tránh già hóa dân số, duy trì lực lượng lao động. Tuy vậy, để thật sự có lợi, chúng cần bảo đảm công bằng, không bắt phụ nữ phải gánh trách nhiệm “cứu lấy dân tộc” bằng việc sinh đẻ và không buộc họ trở thành công cụ phục vụ mục tiêu dân số.

BÀI LIÊN QUAN