Nghiên cứu mới chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ bất lực khi con khóc. Và đó không phải lỗi của họ.
Em bé quấy khóc có thể khiến cha mẹ kiệt sức, thậm chí tuyệt vọng vì không biết mình đã làm sai điều gì.
Nhưng một nghiên cứu mới từ Thụy Điển lại hé lộ điều đáng kinh ngạc, cho hay chuyện này phần lớn không nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ.
Theo nhóm khoa học từ Đại học Uppsala và Viện Karolinska, yếu tố di truyền mới là thứ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định một đứa trẻ sẽ khóc nhiều hay ít.
Họ đã theo dõi hơn 1.000 cặp song sinh trên khắp Thụy Điển, thu thập dữ liệu khi các bé được hai tháng tuổi và lặp lại lúc được năm tháng tuổi.
Việc so sánh giữa các cặp song sinh giống hệt nhau (cùng 100% ADN) với các cặp chỉ chia sẻ khoảng 50% ADN giúp nhóm nghiên cứu phân tách rõ ảnh hưởng của gen và môi trường.
Kết quả cho thấy, ở hai tháng tuổi, gen giải thích khoảng 50% mức độ trẻ khóc. Đến năm tháng tuổi, tỷ lệ này tăng lên 70%.
“Điều đó có nghĩa là khuynh hướng khóc của trẻ có thể liên quan nhiều đến ADN hơn là cách cha mẹ chăm sóc hay những gì họ đã cố gắng làm”, Charlotte Viktorsson, tác giả chính, chuyên gia tâm lý học, chia sẻ.
Điều này phản ánh rõ một góc nhìn xã hội. Đó là trong thời đại mà cha mẹ bị “dội bom” bởi đủ loại lời khuyên nuôi dạy con, từ chuyện bú mớm, ru ngủ đến các bí kíp “làm sao để con thôi khóc”, phát hiện này thực sự mang tính giải tỏa.
Không phải cứ cha mẹ nào áp dụng tốt các phương pháp là con sẽ bớt khóc. Và cũng không công bằng khi xã hội vô thức tạo áp lực, khiến họ nghĩ mình chưa đủ giỏi chỉ vì đứa trẻ hay quấy.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ của trẻ, cụ thể là việc tỉnh giấc ban đêm, lại gần như hoàn toàn chịu tác động từ môi trường, nhất là trong những tháng đầu.
“Đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng ở trẻ sơ sinh và cũng cho thấy nỗ lực của cha mẹ trong việc giúp con ổn định giấc ngủ có thể phát huy tác dụng mạnh nhất vào giai đoạn này”, Viktorsson nói thêm.
Nhìn rộng ra, phát hiện này giúp công chúng hiểu rõ hơn rằng, gen không quyết định tất cả, nhưng nó đặt nền tảng lớn cho tính khí và hành vi ban đầu của trẻ.
Môi trường, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ vẫn vô cùng quan trọng, chỉ là cha mẹ cần đặt kỳ vọng mang tính thực tế hơn. Khi đó, sẽ không còn cảnh những người mẹ, người cha day dứt tự hỏi “mình đã sai chỗ nào?” chỉ vì con hay khóc. Và khi đó, xã hội cũng dễ thông cảm hơn, bớt phán xét hơn với những gia đình có em bé “khó chiều”.
Cuối cùng, việc tiếp tục theo dõi các cặp song sinh nói trên đến khi ba tuổi sẽ mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về hành trình phát triển cảm xúc và giấc ngủ của trẻ. Từ đó, các chương trình hỗ trợ nuôi dạy con có thể dựa trên bằng chứng khoa học thay vì áp lực vô hình lên cha mẹ.