Không kịch bản dàn dựng, chân thật từng khoảnh khắc
Chương trình truyền hình thực tế “Về quê làm giàu” vừa phát sóng tập đầu tiên với những trải nghiệm của dàn nghệ sĩ được ghi hình tại Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Điểm đặc biệt của “Về quê làm giàu” là cách khai thác cuộc sống của những người lao động ở vùng quê một cách tự nhiên, để khán giả cảm nhận được chính họ đang trải nghiệm cuộc sống của bà con chứ không phải là đang xem một chương trình truyền hình được sắp đặt.
“Về quê làm giàu” là chương trình truyền hình thực tế không có kịch bản dàn dựng.
Dàn dựng trong chương trình truyền hình thực tế là yếu tố quan trọng để tạo kịch tính, đánh vào cảm xúc nhằm giữ chân khán giả và đảm bảo hấp dẫn. Đối với “Về quê làm giàu”, không dàn dựng tình huống để tạo ra những giọt nước mắt mà tập trung khám phá cuộc sống nông thôn và khả năng phát triển kinh tế tại đây.
Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình so với các show thực tế khác nằm ở cách khai thác nội dung khi các nghệ sĩ trực tiếp lao động cùng bà con. Thay vì chỉ đóng vai trò quan sát hoặc đóng kịch lại hoàn cảnh của người lao động, các nghệ sĩ trong chương trình thực sự trải nghiệm công việc của người dân địa phương.
Họ chèo thuyền ra khơi cùng ngư dân, lội ruộng cấy lúa, hay cùng bà con thu hoạch nông sản. Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ có trải nghiệm chân thực mà còn tạo ra sự kết nối giữa người nổi tiếng với cộng đồng lao động. Song song đó chương trình còn hỗ trợ bà con thông qua các hoạt động thực tế.
Các nghệ sĩ của “Về quê làm giàu” trải nghiệm các công việc của người dân địa phương.
Việc livestream bán hàng, giúp quảng bá sản phẩm địa phương trên các nền tảng truyền thông là một trong những hoạt động mang lại giá trị thực tiễn cao. Thay vì chỉ dừng lại ở việc chia sẻ khó khăn, chương trình mang đến giải pháp giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, qua đó nâng cao thu nhập.
Một điểm đặc biệt nữa đó là “Về quê làm giàu” đã tận dụng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ để tạo sức lan tỏa. Sự tham gia của các nghệ sĩ trong chương trình không chỉ khiến chương trình hấp dẫn hơn mà còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông dân và thị trường. Các nghệ sĩ đóng vai trò cầu nối, giúp người dân giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Khai thác tiềm năng của các vùng quê trên khắp đất nước
Là một chuyên gia cao cấp thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn về chương trình.
Ông cho rằng “Về quê làm giàu” không chỉ là chương trình giải trí mà còn mang giá trị thực tiễn và ý nghĩa xã hội lớn. Không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền về nông thôn mà còn giúp khai thác tiềm năng kinh tế của các vùng quê.
“Ở tầm vĩ mô, chương trình này đóng góp vào hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, góp thêm một tiếng nói trong việc điều phối lực lượng lao động giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa khu vực nông thôn và thành thị. Thứ hai, góp phần khai thác tiềm năng của các vùng quê trên khắp đất nước. Khi tiếp cận chương trình “Về quê làm giàu”, tôi nhận thấy đây là một chương trình thiết thực, mang nhiều ý nghĩa” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài cho biết.
Những làng nghề truyền thống sẽ là hình ảnh tập trung chủ đạo của “Về quê làm giàu”.
Đáng chú ý, ông cũng nhấn mạnh vai trò của chương trình trong việc tận dụng sức mạnh truyền thông để hỗ trợ người dân địa phương. Đồng hành cùng văn nghệ sĩ, trở về các vùng quê, trực tiếp thâm nhập thực tế, cùng bà con nông dân, ngư dân tìm hiểu đời sống và công việc hàng ngày. Qua đó góp phần tuyên truyền, giới thiệu các sản vật, làng nghề, cũng như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của từng địa phương đến với đông đảo công chúng.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Về quê làm giàu” thành công chính là tính chân thực. Những hình ảnh nghệ sĩ lấm lem bùn đất, cật lực chèo thuyền cùng ngư dân, hay hăng say làm việc cùng bà con khiến người xem cảm nhận được sự mộc mạc và gần gũi.
“Điểm đặc biệt là nghệ sĩ không chỉ quan sát hay tái hiện mà trực tiếp trải nghiệm cuộc sống, tham gia vào quá trình lao động thực tế, từ việc đi thuyền, cấy lúa cho đến hỗ trợ bà con bán hàng. Điều này giúp nâng cao tính thuyết phục của chương trình” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài nhận xét.
Nghệ sĩ góp phần lan tỏa những giá trị của đời sống, sản vật ở từng địa phương mà chương trình đi qua.
Chương trình không chỉ giúp khán giả có cái nhìn thực tế hơn về đời sống lao động, mà còn giúp người dân địa phương cảm nhận được sự quan tâm và đồng hành từ phía xã hội. Đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ để bà con nông dân tin tưởng hơn vào tiềm năng của quê hương mình, từ đó phát triển sản xuất và kinh doanh một cách bền vững.
Chương trình “Về quê làm giàu” do Tập đoàn truyền thông Halotimes sản xuất, chính thức lên sóng từ ngày 29/3/2025, vào lúc 20h tối thứ 7 hàng tuần trên kênh HTV7. Khán giả đồng thời có thể theo dõi chương trình trên kênh Youtube Halotimes TV và ứng dụng Soctrip.