“Về quê làm giàu” mở ra một cái nhìn khác về quê hương

Ánh Dương

Biên tập viên

Không còn là những câu chuyện về cứu trợ, vượt khó hay thoát nghèo, “Về quê làm giàu” vẽ nên một quê hương nơi mà người trẻ có thể trở về để phát triển sự nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra.

Trong số rất nhiều chương trình truyền hình lấy đề tài nông thôn, “Về quê làm giàu” là một cái tên mới nhưng lại mang đến hướng tiếp cận hoàn toàn khác. 

Không kể nghèo, kể khổ mà “Về quê làm giàu” kể câu chuyện khởi nghiệp ở nông thôn. Chương trình không lựa chọn những địa phương khó khăn làm điểm ghi hình, bởi ngay từ đầu nhà sản xuất đã lựa chọn một lối kể chuyện khác.

Theo Giám đốc sản xuất “Về quê làm giàu” Nguyễn Thị Huyền Trang, quê hương là nơi có nội lực, có tiềm năng để người dân tha hương quay trở về phát triển. Không ít vùng quê đang chuyển mình mạnh mẽ, chỉ cần một cú hích đủ mạnh họ sẽ vươn lên nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi tin rằng quê hương không chỉ là nơi cần giúp đỡ, mà còn là nơi đầy tiềm năng. Đất nước phát triển thì quê cũng phải phát triển!”, chị Trang cho biết.

Không sợ bị so sánh với những chương trình truyền hình khác cũng khai thác đề tài về nông thôn, “Về quê làm giàu” đi ngược lại lối suy nghĩ quen thuộc của công chúng, vốn có xu hướng nhìn nông thôn qua lăng kính giản dị, yên bình, thậm chí là thiếu thốn. Nhưng “Về quê làm giàu” lại mang đến một góc nhìn khác, hiện đại và chủ động hơn.

Lăng kính của “Về quê làm giàu” không phủ màu trầm lặng, bi thương. Thay vào đó là hình ảnh những người nông dân theo kịp thời đại, biết làm marketing, livestream bán hàng, mang nông sản quê lên sàn thương mại điện tử…

“Mỗi chương trình có một sứ mệnh riêng. Có những chương trình tập trung hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, còn ‘Về Quê Làm Giàu’ muốn kể một câu chuyện khác – câu chuyện của những vùng quê đang phát triển mạnh mẽ”, chị Trang nhấn mạnh.

Tập đầu tiên lên sóng, “Về quê làm giàu” đến với Thanh Hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt, sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú lẫn đặc sản trứ danh. Đặc biệt hơn, Thanh Hóa là nơi mà rất nhiều người dân đang thực sự làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình, từ nghề làm nước mắm, nem chua, đến đá xanh xuất khẩu.

Lý giải vì sao lựa chọn Thanh Hoá cho tập lên sóng đầu tiên, chị Trang trả lời: “Thanh Hóa không chỉ là vùng đất lịch sử, mà còn là nơi có tinh thần ‘chịu thương chịu khó’ theo đúng nghĩa tích cực. Ở đây có những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, có du lịch sinh thái, có những người trẻ đang tiếp nối nghề làm nước mắm, làm nem chua gia truyền nhưng theo cách chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Và quan trọng nhất, Thanh Hóa có ‘chất lửa’ – tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng đổi mới. Chúng tôi tin rằng nếu khán giả thấy được sự chuyển mình của vùng đất này, họ sẽ có thêm niềm tin rằng ‘về quê làm giàu’ không phải chuyện xa vời, mà là thực tế đang diễn ra.”

Không chỉ dừng lại ở tính giải trí, ê-kíp thực hiện chương trình mong “Về quê làm giàu” sẽ trở thành nguồn cảm hứng để người trẻ nhìn nhận lại quê hương mình bằng một ánh mắt khác, không phải nơi để rời đi, mà là nơi có thể trở về, có thể khởi nghiệp và làm giàu bền vững.

Trong bối cảnh nhiều người trẻ đứng giữa lựa chọn về quê hay cố bám trụ những thành phố, “Về quê làm giàu” kỳ vọng sẽ mang đến một câu trả lời mang tính gợi ý, rằng quê hương không phải là điểm yếu, mà có thể trở thành lợi thế, nếu biết nhìn nhận đúng giá trị, đầu tư đúng cách, tận dụng những giá trị vốn có, những tiềm năng phát triển và tin vào chính mình.

BÀI LIÊN QUAN