Không từ thiện, nghệ sĩ về quê để trở thành “nông dân”
Với sự tham gia của các nghệ sĩ như Quyền Linh, Long Vũ, Thu Hà Ceri, Thanh Duy, Diệp Lâm Anh, Ngô Lan Hương, Ngọc Châu,… chương trình truyền hình thực tế “Về quê làm giàu” mang đến những trải nghiệm thực chiến, khi nghệ sĩ trực tiếp tham gia lao động cùng người dân, hỗ trợ bán hàng, kết nối sản phẩm với thị trường.
Không phải chương trình từ thiện, “Về quê làm giàu” giúp nghệ sĩ hiểu và trải nghiệm thực tế cuộc sống lao động của người dân, tạo nên sự gắn kết tự nhiên giữa hai bên.
Mỗi khi chương trình đến một địa phương, nghệ sĩ luôn được người dân chào đón nồng nhiệt. Hoạt động livestream của Quyền Linh thu hút 4 triệu lượt xem, trong khi những bài đăng của Long Vũ và Thu Hà Ceri trong quá trình tham gia chương trình cũng nhận được sự tương tác lớn trên mạng xã hội.
Đặc biệt, là một chương trình non trẻ, không có sự tham gia của những ngôi sao hot nhất trên mạng xã hội ở thời điểm hiện tại nhưng tập đầu tiên của “Về quê làm giàu” đã có cho mình một lượng khán giả nhất định từ chính những vùng quê họ đi qua, đạt 1 triệu view trong vòng 72 giờ phát sóng.
Nhận định về chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Chuyên gia cao cấp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng, cho rằng “Về quê làm giàu” tạo ra sự gần gũi và lan tỏa mạnh mẽ.
“Các nghệ sĩ vốn được công chúng yêu mến, khi họ xuất hiện và gắn bó với bà con nông dân, điều đó không chỉ giúp xây dựng sự kết nối, đồng cảm mà còn tạo ra sức ảnh hưởng tích cực. Người dân cũng cảm thấy tự hào khi được đồng hành cùng nghệ sĩ, qua đó thu hẹp khoảng cách trong việc thụ hưởng văn hóa. Quan trọng hơn, chương trình khẳng định rằng người dân không chỉ là người tiếp nhận mà còn là chủ thể sáng tạo văn hóa, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa một cách bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài đánh giá cao nghiệp vụ của các diễn viên tham gia. Ông nhận định, dù trưởng thành trong môi trường đô thị, lần đầu tiếp xúc với cuộc sống nông thôn có thể gây bỡ ngỡ, nhưng các nghệ sĩ đã thể hiện sự chủ động, cởi mở và chân thành.
Đặc biệt, với nghệ sĩ Quyền Linh, người có bề dày hoạt động nghệ thuật cùng vốn kiến thức sâu rộng, sự xuất hiện của anh chuyên nghiệp và đầy thuyết phục. Cách dẫn dắt tự nhiên, khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ đã giúp chương trình có sức lan tỏa rộng rãi.
Theo ông, người dân nông thôn luôn mong muốn được đón nhận sự chân thành từ các nghệ sĩ. Chính sự giao lưu này giúp rút ngắn khoảng cách, tạo sự kết nối và gần gũi hơn giữa nghệ sĩ với bà con.
Điểm đặc biệt của chương trình là nghệ sĩ không chỉ quan sát mà còn trực tiếp tham gia lao động từ đi thuyền, cấy lúa, làm ngư dân đến hỗ trợ bà con bán hàng.
Sự trải nghiệm thực tế này giúp họ hiểu rõ hơn về những vất vả của người dân trong từng ngành nghề, đồng thời nâng cao tính thuyết phục của chương trình.
“Những thước phim ghi lại khoảnh khắc nghệ sĩ hòa mình vào đời sống lao động không chỉ phản ánh chân thực tinh thần của chương trình mà còn thể hiện sự đầu tư nghiêm túc về nội dung. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ cho chương trình”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài nhận xét.
Chương trình truyền hình thực tế “Về quê làm giàu” đã thực sự ghi điểm khi biến nghệ sĩ thành “nông dân tạm thời”.
Hướng đi mới cho chương trình “Về quê làm giàu”
Chuyên gia cao cấp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đề xuất một số định hướng phát triển chương trình trong thời gian tới.
Theo ông, bên cạnh những hoạt động của tập 1 vừa qua, cần đa dạng hóa hình thức truyền tải, chẳng hạn tổ chức talkshow, tọa đàm hoặc sản xuất phóng sự về những tấm gương thanh niên trẻ.
Đó có thể là những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế, hay thậm chí là cán bộ công chức từ bỏ vị trí ổn định để trở về quê khởi nghiệp. Với nguồn vốn khiêm tốn, họ đã gây dựng thành công các mô hình sản xuất đa dạng, từ nghề thủ công truyền thống đến nông nghiệp sạch.
Ông cũng nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội từ quá trình sáp nhập tỉnh thành, dự kiến còn 34 tỉnh. Đây là dịp để xây dựng kế hoạch quảng bá hệ thống sản vật đặc trưng của từng vùng.
“Khi các xã hợp nhất, chúng ta phải có cách giới thiệu phù hợp, đảm bảo mỗi sản phẩm đều gắn với địa danh cụ thể”, ông Tài cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, để một chương trình tồn tại và phát triển bền vững, yếu tố tiên quyết là phải bám sát nhu cầu thực tế của địa phương và định hướng chung của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cần liên tục đổi mới nội dung để vừa đảm bảo tính thực tiễn, vừa giữ được giá trị nghệ thuật – tuyên truyền.
Hiện nay, dù đã hợp tác với HTV7, phạm vi phủ sóng chủ yếu vẫn tập trung ở miền Nam. Do đó, cần mở rộng liên kết với các đài truyền hình địa phương để nội dung đến được trực tiếp với người dân vùng miền.
“Khi bà con thấy mình và sản phẩm của mình xuất hiện trên truyền thông, họ sẽ phấn khởi, từ đó lan tỏa giá trị chương trình hiệu quả hơn”, ông Tài đề xuất.