Xiaoqi (tên nhân vật được thay đổi), ca sĩ chuyên nghiệp sống tại tỉnh Chiết Giang, phía đông nam Trung Quốc, sở hữu gương mặt xinh đẹp và giọng hát ngọt ngào.
Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, giọng ca của cô dần trở nên khàn đục, âm vực thu hẹp, cảm giác như dao cắt ở cổ họng khi hát khiến cô không thể trình diễn như trước, kèm theo là các triệu chứng trào ngược và ợ nóng liên tục.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Xiaoli bị trào ngược họng thanh quản. Nguyên nhân chính do thói quen uống 3 – 4 ly trà sữa hoặc cà phê mỗi ngày, kéo dài suốt nhiều năm.
“Tôi không thể sống thiếu trà sữa. Nó giúp tôi cảm thấy dễ chịu, tỉnh táo”, Xiaoqi chia sẻ. “Nhưng dạ dày tôi thì không”.
Các bác sĩ cho biết, đồ uống chứa hàm lượng đường cao, đặc biệt như trà sữa, thường chứa hàm lượng đường và chất béo cao có thể kích thích tiết axit dạ dày quá mức, gây trào ngược, bào mòn niêm mạc thực quản, tổn thương thanh quản và gây ợ nóng kéo dài.
Trường hợp của Xiaoqi được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi chống trào ngược. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, cảm giác nóng rát và nghẹn họng biến mất. Giọng nói của cô dần phục hồi sau vài tuần.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Xiaoqi. Theo bác sĩ điều trị, nhiều bệnh nhân chỉ đến viện khi triệu chứng đã tiến triển nghiêm trọng, thậm chí có người được phát hiện ung thư thanh quản do trào ngược kéo dài.
Đáng chú ý, bệnh trào ngược dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là nữ giới, nhóm có xu hướng nhạy cảm hơn với chế độ ăn và áp lực tâm lý.
Một nghiên cứu năm 2023 của Đại học Thanh Hoa phát hiện trà sữa không chỉ dễ gây nghiện mà còn liên quan mật thiết đến các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
Nghiên cứu được thực hiện trên 5.281 sinh viên đại học từ 15 đến 24 tuổi. Gần 77% trong số này từng uống từ 6 đến 11 cốc trà sữa, với tỷ lệ nghiện cao hơn rõ rệt ở nữ giới và người trẻ tuổi.
Phân tích sâu cho thấy, mức độ nghiện trà sữa càng cao thì nguy cơ cảm thấy cô đơn, trầm cảm và lo âu càng lớn. Nói cách khác, uống nhiều trà sữa không giúp cải thiện tâm trạng mà còn có thể làm tăng cảm giác lo âu và buồn bã.