Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng tăng dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý

Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong độ tuổi khá trẻ, đang trở thành một vấn đề nổi bật tại Việt Nam…

Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu số liệu khảo sát từ năm 2021, ở địa phương này, hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Số liệu của Tổng cục thống kê chỉ ra, năm 2023 có 680.049 vụ kết hôn nhưng có 32.060 vụ ly hôn, năm 2022 có hơn 29.010 vụ ly hôn, năm 2021 có 22.132 vụ ly hôn.

Trong khi đó, thống kê của toà án cho hay, trung bình hàng năm Việt Nam có khoảng 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.

Có rất nhiều điều để nói về những con số này và để hiểu rõ hơn ở góc độ tâm lý, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Bùi Hồng Quân – Giảng viên Tâm lý học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân – Giảng viên Tâm lý học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Sự phát triển của xã hội và tâm lý cá nhân

Theo tiến sĩ Bùi Hồng Quân, sự phát triển không ngừng của xã hội đã tạo ra những thay đổi lớn trong tâm lý của giới trẻ. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất là việc cái tôi và yếu tố cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết.

Xã hội hiện đại với sự lựa chọn đa dạng đã khiến giới trẻ có xu hướng tự do hơn trong việc quyết định tương lai của mình. Khi bước vào hôn nhân, nếu xảy ra bất đồng quan điểm hoặc sự không đồng nhất trong suy nghĩ, các bạn trẻ có xu hướng dễ dàng đưa ra quyết định ly hôn. Điều này xuất phát từ việc cái tôi được đặt lên hàng đầu, và tâm lý của họ cũng dễ dàng chấp nhận ly hôn như một giải pháp, thay vì tìm cách giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Tây cũng đã làm thay đổi cái nhìn của giới trẻ về hôn nhân. Nếu trước đây, hôn nhân được coi là một cam kết lâu dài, thì ngày nay, nhiều người trẻ coi nó như một sự lựa chọn. Họ cho rằng, nếu kết hôn được thì cũng có thể ly hôn được mà không cần cân nhắc quá nhiều về những hệ quả xã hội hay gia đình.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân cũng nhấn mạnh rằng, tâm lý của con người mang tính xã hội và lịch sử, điều này dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các thế hệ. Thế hệ ông bà chúng ta rất coi trọng đời sống hôn nhân và sẵn sàng chịu đựng để giữ gìn gia đình, vì họ coi đó là trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với gia đình và dòng họ. Ngược lại, giới trẻ ngày nay có xu hướng quyết định kết hôn dựa trên ý muốn cá nhân, và khi quyết định ly hôn, họ không cần phải cân nhắc quá nhiều về mối quan hệ xã hội xung quanh.

Sự đề cao vai trò cá nhân trong xã hội hiện đại cũng làm cho việc giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân trở nên khó khăn hơn. Khi cả hai bên đều cố giữ vững cái tôi của mình, những khác biệt nhỏ có thể nhanh chóng trở thành xung đột lớn, dẫn đến việc không thể tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện đại, cơ hội tìm kiếm một đối tác mới sau ly hôn trở nên dễ dàng hơn, làm giảm đi nỗi sợ hãi về việc phải đối mặt với cuộc sống sau ly hôn, từ đó làm tăng nguy cơ ly hôn.

Ảnh hưởng của áp lực kinh tế và vị thế của phụ nữ trong xã hội

Áp lực kinh tế cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân. Tiến sĩ Bùi Hồng Quân cho rằng, dù ở giai đoạn nào, kinh tế luôn là một trong những vấn đề trực tiếp và quan trọng trong đời sống hôn nhân. Những khó khăn về tài chính có thể dẫn đến mâu thuẫn và xung đột trong gia đình, đặc biệt khi nền kinh tế ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng đang dần được khẳng định. Phụ nữ ngày nay không chỉ tham gia vào lực lượng lao động mà còn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Điều này giúp họ có cái nhìn độc lập hơn về cuộc sống và sẵn sàng đưa ra quyết định ly hôn khi cảm thấy không còn hạnh phúc trong hôn nhân. Quyết định này không còn quá khó khăn đối với phụ nữ trẻ so với những thế hệ trước, khi họ có nhiều cơ hội để tự xây dựng cuộc sống của mình sau ly hôn.

Song song đó, áp lực xã hội và các giá trị văn hoá thay đổi cũng là 1 trong những yếu tố có ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân chỉ ra rằng, áp lực xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định ly hôn. Nếu như trước đây, việc ly hôn, đặc biệt là đối với phụ nữ, bị xã hội xem là một điều nặng nề, thì ngày nay, với sự thay đổi về quan niệm, xã hội đã trở nên cởi mở hơn. Điều này làm giảm áp lực xã hội đối với các cặp đôi trẻ, đặc biệt là người vợ, và dẫn đến việc ly hôn trở nên dễ dàng hơn.

Cùng với đó, giá trị văn hóa cũng có sự thay đổi lớn. Thế hệ trước rất coi trọng giá trị gia đình, sự chung thủy và việc giữ gìn hình ảnh cho bản thân cũng như gia đình. Tuy nhiên, với sự tiếp biến văn hóa từ phương Tây, giới trẻ ngày nay có cái nhìn thoáng hơn về những giá trị này, dẫn đến việc họ sẵn sàng chấm dứt hôn nhân khi cảm thấy không còn phù hợp.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ly hôn

Theo Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, những cặp đôi có nguy cơ ly hôn cao thường xuất hiện những dấu hiệu mâu thuẫn và xung đột trong đời sống vợ chồng. Việc không còn tiếng nói chung, thiếu sự kết nối về mặt suy nghĩ, quan điểm sống, hay thậm chí là trong đời sống chăn gối đều là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Những cuộc tranh cãi, thậm chí là bạo lực trong hôn nhân cũng là biểu hiện của một mối quan hệ đang trên bờ vực tan vỡ.

Trong những hoàn cảnh này, tâm lý của các cặp đôi thường rơi vào trạng thái căng thẳng, khó chịu và cô đơn. Nếu không được giải quyết kịp thời, những mâu thuẫn này có thể dẫn đến việc ly hôn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Hồng Quân cũng nhấn mạnh rằng, việc nhận diện những dấu hiệu này là điều quan trọng và nếu được can thiệp sớm, nguy cơ ly hôn có thể được giảm thiểu.

Ngày nay, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý đang ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ ly hôn. Sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn sâu về tâm lý có thể giúp các cặp đôi nhận diện và giải quyết các vấn đề trong hôn nhân một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Quân cũng lưu ý rằng, việc sử dụng dịch vụ này ở giới trẻ vẫn chưa thực sự phổ biến, và nhiều cặp đôi vẫn tự giải quyết vấn đề của mình mà không tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp.

Việc tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý khi cảm thấy mối quan hệ hôn nhân đang gặp khó khăn là một lựa chọn có giá trị mà các cặp đôi nên cân nhắc. Bên cạnh đó, cả hai vợ chồng cần cố gắng trong việc duy trì và cải thiện mối quan hệ của mình. Hôn nhân không chỉ là một quyết định mà còn là một hành trình dài đầy thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực và trân trọng từ cả hai phía.

Có thể thấy, sự gia tăng tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ tại Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố tâm lý và xã hội phức tạp. Từ sự thay đổi về cái tôi cá nhân, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, sự khác biệt về tâm lý giữa các thế hệ, đến áp lực xã hội, kinh tế và vai trò của phụ nữ, tất cả đều góp phần làm thay đổi quan niệm về hôn nhân và ly hôn.

Việc nhận diện và giải quyết sớm các mâu thuẫn trong hôn nhân là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ ly hôn, đồng thời, sự hỗ trợ từ dịch vụ tư vấn tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hạnh phúc gia đình.

Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

https://tcdulichtphcm.vn/tin-trong-nuoc/ty-le-ly-hon-o-viet-nam-ngay-cang-tang-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-tam-ly-c6a80385.html

BÀI LIÊN QUAN