Tư duy khan hiếm: “Lời tiên tri ứng nghiệm”

Kiều Giang

Phóng viên

Khi bạn cảm thấy thiếu thốn điều gì đó quan trọng: tiền, tình yêu, sự an toàn… bộ não bạn sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, bám víu và hoảng sợ. Cũng chính lúc đó, những điều bạn lo lắng lại dễ trở thành sự thật.

Bạn có nhận ra, đôi khi ta mua một món đồ không phải vì thực sự cần, mà chỉ vì người bán nói “sắp hết hàng”, “chỉ còn một cái cuối cùng”, “chỉ duy nhất hôm nay”…

Trong khoảnh khắc ấy, cảm giác lo sợ lấn át lý trí: “Lỡ không mua bây giờ, sau này không còn cơ hội nữa thì sao?”

Đó chính là biểu hiện điển hình của tư duy khan hiếm (scarcity mindset).

Tư duy khan hiếm khiến ta cảm thấy mình đang đứng trước nguy cơ mất mát, dù thực tế đôi khi chẳng có gì để mất.

Đó là việc bị ám ảnh bởi sự thiếu hụt: Thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu tình cảm…

Tư duy khan hiếm có thể khơi dậy hàng loạt cảm xúc tiêu cực: tội lỗi, tức giận, ghen tị, khó chịu và thậm chí là tuyệt vọng.

Những cảm xúc này gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.

Tệ hơn, nó tạo ra một vòng lặp nguy hiểm, thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (self-fulfilling prophecy).

Đó là khi bạn trở nên quá ám ảnh với cảm giác thiếu thốn, luôn cho rằng mình không có đủ những gì cần thiết, đến mức đánh mất cả cơ hội cải thiện cuộc sống.

Và khi đó, chính suy nghĩ của bạn đã, và đang tạo ra thực tế của bạn!

Nguyên nhân của tư duy khan hiếm

Trong cuốn Scarcity Brain, tác giả Michael Easter giải thích rằng phản ứng với sự khan hiếm không phải là một hiện tượng mới. Đó là “một hệ thống hành vi cổ xưa”, được hình thành từ thời tổ tiên loài người để giúp họ sinh tồn trong những môi trường thiếu thốn lương thực, tài nguyên và sự an toàn.

Trạng thái tâm lý này đã được các nhà khoa học ghi nhận từ năm 1795, khi con người có xu hướng phản ứng mạnh mẽ trước các dấu hiệu khan hiếm như cạn kiệt lương thực hoặc nguồn cung hạn chế.

Tuy nhiên, Easter chỉ ra rằng, trong “thế giới hiện đại tràn ngập sự sung túc”, kiểu phản ứng này không còn phù hợp và thậm chí có thể chống lại chúng ta.

Nhiều người có xu hướng tư duy khan hiếm nếu họ lớn lên (hoặc hiện đang sống) trong điều kiện nghèo đói.

Tuy nhiên, kiểu tư duy này không nhất thiết liên quan đến vấn đề tài chính.

Nó có thể được kích hoạt bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống: mất việc, kết thúc một mối quan hệ, lo lắng về tương lai, kỳ vọng của xã hội… hoặc thậm chí là khi những ký ức về các chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, việc ăn kiêng đôi khi cũng có thể dẫn đến tư duy khan hiếm, khi một người liên tục nghĩ về việc thiếu thốn thức ăn hoặc phải kiềm chế những món mình yêu thích.

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy, khi bộ não bị đặt trong trạng thái “thiếu hụt”, nó sẽ ưu tiên tập trung vào đúng thứ đang bị cấm đoán.

Các dấu hiệu của tư duy khan hiếm:

·     Đợi đến phút chót mới thanh toán hóa đơn: Người có tư duy khan hiếm thường trì hoãn thanh toán hóa đơn vì sợ cạn tiền. Họ tin rằng mình không đủ khả năng chi tiêu và nếu trả ngay, sau này sẽ thiếu tiền cho những nhu cầu khác.

·  Ôm đồm quá nhiều việc: Những người có tư duy khan hiếm có thể cảm thấy như thể không có đủ thời gian trong ngày để tận dụng mọi cơ hội đến với mình, vì vậy họ cố gắng nhồi nhét càng nhiều việc càng tốt vào lịch trình của mình. Điều này có thể dẫn đến quá tải và căng thẳng.

·      Sợ mất mát: Những người có tư duy khan hiếm thường sợ mất đi những gì họ có, dù đó là tiền bạc, nguồn lực, mối quan hệ hay cơ hội. Nỗi sợ này có thể dẫn đến việc thiếu tin tưởng vào người khác và không muốn chấp nhận rủi ro để đạt được thành công.

·      Quá tự lực: Những người có tâm lý thiếu thốn thường quá tự lực, tin rằng họ chỉ có thể dựa vào chính mình để đạt được những gì họ cần. Điều này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu kết nối với người xung quanh.

·      Sợ thất bại: Những người mang tư duy khan hiếm thường quá lo sợ thất bại, vì họ tin rằng nếu thất bại, mình sẽ không còn đủ nguồn lực để bắt đầu lại. Chính nỗi sợ đó khiến họ do dự, không dám hành động hoặc không nỗ lực đủ, và thất bại thực sự xảy ra đúng như những gì họ lo lắng. Đây chính là ví dụ điển hình của “lời tiên tri tự ứng nghiệm”.

 ·      Quá cầu toàn: Những người có tư duy khan hiếm thường là người cầu toàn, tin rằng bất cứ điều gì không hoàn hảo đều không đủ tốt. Điều này có thể dẫn đến sự trì hoãn và sợ mạo hiểm.

·  Vội vã đưa ra quyết định: Tâm lý khan hiếm khiến người ta dễ ra quyết định vội vàng mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Sự bốc đồng này có thể khiến họ bỏ lỡ những cơ hội tốt hơn. 

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy thiếu thốn một điều gì đó quan trọng: từ sự an toàn, tình yêu, sự công nhận đến năng lực kiểm soát, bộ não sẽ phản ứng theo bản năng, rơi vào trạng thái lo lắng, bám víu và thậm chí là hoảng sợ. 

Lúc đó, hãy dừng lại và tự hỏi: Liệu mình có đang bị dẫn dắt bởi nỗi sợ, hay bởi một khuôn mẫu tư duy đã bị “lập trình” trong tâm trí?

BÀI LIÊN QUAN