Dù đang bệnh, có người lao động vẫn bị ép tới công ty vì sếp không cho “làm việc ở nhà” (WFH), để rồi sau đó lại bị đuổi về. Những câu chuyện trớ trêu này tiếp tục phơi bày góc tối đáng suy ngẫm của môi trường công sở.
Gần đây, một bài đăng trên Reddit đã lan truyền mạnh mẽ khi một nhân viên chia sẻ trải nghiệm éo le của mình.
Người này kể lại:
“Tuần trước, tôi thức dậy với cảm giác khủng khiếp. Sốt, ho, tất cả triệu chứng đều đủ. Tôi nhắn tin cho sếp xin làm việc từ xa để khỏi lây cho ai. Ông ấy đáp: ‘Không có ngoại lệ. Nếu cậu đủ khỏe để làm việc thì phải đến văn phòng’”.
Tôn trọng chỉ thị đó, anh đã lê bước vào công ty trong tình trạng rõ ràng là đang bị bệnh, “vừa ho vừa sụt sịt suốt cả buổi”.
Và rồi, kết cục ai cũng đoán được:
“Biểu cảm trên mặt ông ta khi tôi bước vào cửa thật vô giá. Đến cuối ngày, sếp bảo tôi về nhà, nói rằng tôi có thể làm việc từ xa. Thật buồn cười làm sao”, người này viết.
Bài đăng nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận.
Tài khoản tên underground_avenue viết: “Tôi ghét văn hóa bắt nhân viên phải làm việc dù đang bệnh”.
Tài khoản Snoo-74562 mỉa mai: “Ước gì anh bắt tay, ôm chầm lấy sếp và cảm ơn ông ấy cho đúng bài”.
Còn có người kể lại kinh nghiệm: “Ngày xưa tôi cũng như sếp anh, bệnh cũng ráng đi làm vì nghĩ đau ở đâu cũng khổ vậy thôi. Cho đến khi tôi bị cúm, phải đi làm, sếp thấy tôi tái mét, mồ hôi nhễ nhại liền đuổi về. Vài ngày sau quay lại thì công ty vắng hoe vì ai cũng bị cúm cả”.
Thực tế, những câu chuyện này không hiếm. Trong các bình luận Reddit khác, nhiều người tiếp tục chia sẻ trải nghiệm tương tự.
Người dùng Illustrious_Bus8440 đáp lại: “Chỗ tôi làm cũng vậy. Anh PHẢI vào công ty đúng ngày được sắp, để có thể họp mặt trực tiếp với sếp. Nhưng thực tế, sếp tôi chẳng bao giờ có mặt vào ngày tôi lên văn phòng cả. Các buổi họp cũng toàn online. Đúng là trò đấu quyền”.
Có người may mắn hơn, như Alarming_Bar_8921 chia sẻ: “Chỉ cần hơi mệt là tôi nghỉ liền. Sếp không hỏi han gì, chỉ nhắn ‘khỏe thì đi làm lại nhé, nhớ báo tình hình’. Nhiều khi tôi chẳng bệnh, chỉ stress quá cần nghỉ. Một năm chắc tôi nghỉ 2-3 ngày kiểu đó, không ai thắc mắc. Ước gì ai cũng được vậy”.
Late-Command3491 đồng tình: “Sức khỏe tinh thần cũng là sức khỏe. Tôi làm quản lý, tôi ủng hộ nhân viên nghỉ ốm để giải tỏa stress”.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ mô hình quản lý cứng nhắc và quan niệm lỗi thời. Trong bối cảnh hậu đại dịch, khi làm việc từ xa đã chứng minh hiệu quả, vẫn còn nhiều sếp không chấp nhận nhân viên làm việc tại nhà, vì lo không kiểm soát được năng suất.
Điển hình là chia sẻ của Mysterious-Cat33: “Sếp tôi không cho làm từ xa chỉ vì tôi bị dị ứng nặng chứ không phải lây bệnh. Sau đó bà ta lại phàn nàn sao tôi ho, hắt hơi nhiều quá. Tôi dùng khăn lau khắp nơi để chứng minh không phải tôi lây bệnh. Vậy mà cuối cùng cũng không được WFH, phải uống thuốc chống dị ứng suốt 2 tháng mới khỏi”.
Người này sau đó đã xin chuyển sang bộ phận khác có chính sách làm việc từ xa.
Thực tế này phản ánh một nghịch lý rằng công ty luôn nói “con người là tài sản quý giá nhất”, nhưng khi nhân viên bệnh, họ thường bị xem như gánh nặng hoặc bị nghi ngờ giả bệnh.
angrysunbird chia sẻ: “Năm tôi được chẩn đoán mắc celiac, tôi xài gần hết phép nghỉ ốm. Sếp lúc đó rất ổn, nhưng sau đó thay sếp mới, người này nghi ngờ tôi giả bệnh. Cuối cùng tôi phải nghỉ việc để tránh xa bà ấy”.
Mysterious-Cat33 trả lời: “Một số sếp quên mất chúng ta cũng là con người. Đặc biệt với bệnh mạn tính, đâu phải chuyện một lần là xong. Nếu gặp rắc rối khi xin nghỉ, bạn có thể xin giấy FMLA để bảo vệ quyền lợi”.
Hậu quả của văn hóa ép làm khi đang bệnh không chỉ là lan truyền virus mà còn hạ thấp tinh thần, làm tăng stress, thậm chí khiến nhân viên rời bỏ công ty.
Một người bình luận: “Một số ông sếp cần phải học theo cách đau đớn rằng bắt nhân viên bệnh đi làm chỉ biến văn phòng thành ổ bệnh. Vui là sếp anh cuối cùng cũng hiểu, nhưng đâu nên đợi tới mức phải thấy cả ổ vi trùng mới chịu tỉnh ngộ”.
Thực ra, nghỉ làm khi bệnh không phải là lười biếng. Đó là trách nhiệm với cộng đồng nơi làm việc. Việc sếp cho nhân viên làm từ xa hoặc nghỉ phép khi bệnh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của họ mà còn của chính đồng nghiệp và gia đình.
Nhiều nước Bắc Âu coi đây là điều hiển nhiên. Như một người chia sẻ: “Sống ở Na Uy thích thật. Tôi chỉ cần nhắn ‘Hôm nay không khỏe, không đi làm được’ là sếp trả lời ‘Ok, mau khỏe nhé!’”.
Câu chuyện này cũng là lời nhắc nhở để các công ty nhìn lại chính sách của mình. Tôn trọng sức khỏe nhân viên không phải chỉ để “trông đẹp” trên website tuyển dụng, mà thực sự là một khoản đầu tư dài hạn cho chính năng suất và uy tín doanh nghiệp.