Vốn được biết đến là nghệ sĩ duyên dáng, dí dỏm, Lâm Vỹ Dạ tiếp tục mang tinh thần này vào chương trình “Về quê làm giàu” chinh phục khán giả. Nữ nghệ sĩ là khách mời trong chặng hành trình tại Huế, mảnh đất cố đô với vẻ đẹp trầm mặc và giàu truyền thống về văn hóa, làng nghề.
Được trở về quê hương, Lâm Vỹ Dạ mang nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự hứng khởi khi thấy Huế ngày càng hiện đại, phát triển cho đến xúc động trước tình cảm của người dân.
“Về quê làm giàu” không đơn thuần là một chương trình giải trí
Xin chào diễn viên Lâm Vỹ Dạ! Cơ duyên nào khiến chị quyết định nhận lời tham gia “Về quê làm giàu”?
Lý do lớn nhất khiến tôi nhận lời tham gia “Về quê làm giàu” là vì ý nghĩa nhân văn và thiết thực mà chương trình mang lại.
Tôi thấy rất xúc động khi biết đây là nơi tôn vinh những người con đang ngày đêm nỗ lực xây dựng quê hương bằng chính tâm huyết và sức trẻ.
Là một người con miền Trung, tôi luôn thấu hiểu sự vất vả của người dân ở quê. Nên khi có cơ hội góp phần lan toả những câu chuyện truyền cảm hứng như vậy, tôi không thể từ chối.
Thông điệp về quê làm giàu, làng nghề và khởi nghiệp từ nông thôn của chương trình khiến chị tâm đắc ra sao?
Tham gia chương trình, tôi vừa xúc động, vừa khâm phục. Những câu chuyện về người trẻ quay về quê lập nghiệp không chỉ cho thấy tinh thần kiên cường mà còn mở ra nhiều hy vọng cho tương lai của nông thôn Việt Nam.
Tôi cảm nhận rõ tình quê, sự gắn bó với đất đai, với nghề truyền thống, những điều tưởng như nhỏ bé nhưng lại rất lớn lao. Đó là động lực để mỗi người, kể cả bản thân tôi trân trọng hơn những giá trị cội nguồn.
Vậy điểm khác biệt giữa “Về quê làm giàu” và những chương trình khác chị từng tham gia là gì?
“Về quê làm giàu” không đơn thuần là một chương trình giải trí. Đây là chương trình có chiều sâu, mang hơi thở cuộc sống thật và truyền tải những thông điệp tích cực về tinh thần vượt khó, khởi nghiệp, gìn giữ làng nghề truyền thống.
Những chương trình trước đây mà tôi từng tham gia sẽ thiên về tiếng cười, còn lần này tôi thấy mình được “sống chậm” lại để lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Và chính những khoảnh khắc đó giúp tôi trưởng thành hơn về cảm xúc và trong nghề.
Các nghệ sĩ khác của “Về quê làm giàu” như MC Quyền Linh, Hari Won, Long Vũ để lại cho chị ấn tượng gì khi làm việc chung?
Tôi rất vui khi được đồng hành cùng anh Quyền Linh, một người anh, người nghệ sĩ mà tôi luôn kính trọng. Anh Linh rất mộc mạc, gần gũi, lại vô cùng chân thành, đúng tinh thần của chương trình.
Chị Hari Won thì mang lại năng lượng tích cực, dí dỏm và rất tình cảm. Riêng Long Vũ tuy là gương mặt trẻ nhưng rất nhiệt huyết, lắng nghe và học hỏi không ngừng. Cả ê-kíp làm việc như một gia đình nên tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc.
Khi trở lại Huế, chị thấy làng nghề truyền thống ở quê hương mình có tiềm năng để làm giàu ra sao?
Về Huế để ghi hình cho chương trình, tôi thật sự xúc động và tự hào khi thấy các làng nghề truyền thống vẫn được gìn giữ và phát triển. Mỗi làng nghề không chỉ mang theo ký ức văn hóa mà còn có tiềm năng kinh tế rất lớn nếu biết cách khai thác.
Từ những món ăn như kẹo mè xửng, bánh bột lọc, đến nghề làm nón lá, trầm hương, tất cả đều có thể phát triển theo hướng hiện đại, kết hợp du lịch, thương mại điện tử để vươn xa hơn nữa.
Tôi tin rằng chỉ cần có tâm huyết và sự sáng tạo, thì làm giàu từ quê hương là hoàn toàn có thể.
Vậy bản thân chị có ý định hay kế hoạch về Huế để kinh doanh bằng một hình thức nào đó?
Tôi từng nghĩ đến việc mở một không gian ẩm thực hoặc văn hóa nhỏ ở Huế. Hiện tại thì chưa thực hiện được, nhưng đó là điều tôi rất mong muốn trong tương lai.
Trong mắt chị, Huế hôm nay có gì khác so với ký ức tuổi thơ?
Năm 17 tuổi tôi mới được ba dẫn về thăm quê nhà tại Huế, lúc đó Huế còn mộc mạc và nhẹ nhàng.
Còn bây giờ Huế hiện đại, trẻ trung hơn, nhưng vẫn giữ được sự trầm lắng, tình cảm và đậm chất riêng. Với tôi Huế luôn đẹp theo một cách rất riêng, vừa mới mẻ vừa quen thuộc.
Xúc động với lời hứa về một bữa cơm gia đình
Có một kỷ niệm, tình huống nào đó không lên hình nhưng khiến chị ấn tượng và nhớ mãi?
Có một câu chuyện sau ống kính mà tôi muốn kể cho mọi người. Tôi rất ấn tượng với một cô làm kẹo mè xửng, vì lo cuộc sống mưu sinh nên cô chia sẻ là không biết chữ.
Mặc dù vậy với nghị lực của chính mình, cô vẫn tạo nên một doanh nghiệp uy tín tại Huế. Cô trải lòng việc học rất là quan trọng, nếu có cơ hội vẫn muốn được học để có thêm nhiều kiến thức hơn nữa.
Cô cũng là một người sống tình cảm, đã đồng cảm và an ủi rất nhiều khi biết tôi mất mẹ. Cô nói khi nào trở lại Huế, sẽ nấu một bữa cơm gia đình cho tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng xúc động.
Chị có nghĩ bản thân có lợi thế khi tham gia “Về quê làm giàu” vì là người gốc Huế?
Như đã chia sẻ năm 17 tuổi tôi mới được ba dẫn về thăm lại quê hương, dù bản thân không tiếp xúc nhiều với văn hóa địa phương từ nhỏ, nhưng vì là người phụ nữ của gia đình nên tôi cũng có kinh nghiệm làm các loại bánh truyền thống.
Nhưng để làm đúng kỹ thuật thì vẫn phải học hỏi từ các cô chú trong nghề. Từ đó tôi càng làm càng thấy quý trọng công sức người dân quê mình.
Chương trình có thử thách bán hàng, nó có làm khó chị khi tiếp thị đến người tiêu dùng sản vật địa phương?
Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, nhờ có tấm hình của cậu con trai là bé Bánh Mì mà người dân ở Huế đã tới yêu thương và ủng hộ gian hàng của tôi rất nhiều.
Tôi cảm nhận được tình cảm của bà con, dễ thương và ấm áp vô cùng nên không hề thấy khó khăn.
Điều mà chị muốn gửi gắm nhiều nhất đến các khán giả theo dõi chương trình là gì?
Tôi mong khán giả xem chương trình sẽ thấy được vẻ đẹp của quê hương, yêu hơn những sản vật dân dã và ủng hộ những người trẻ đang quay về làm giàu từ chính mảnh đất quê mình.
Cảm ơn diễn viên Lâm Vỹ Dạ với những chia sẻ!.