TP Hồ Chí Minh: Sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều trẻ em nhập viện

Phạm Sinh

Phóng viên

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần 26 (từ ngày 23 – 29/6), thành phố ghi nhận 645 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 60,4% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Tuần 26, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 645 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 60,4%)

Theo thống kê từ HCDC, từ đầu năm 2025 đến hết tuần 26, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy trên  địa bàn TP Hồ Chí Minh là 10.262 ca, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, số ca mắc mới tăng mạnh, số ca bệnh nặng cũng vượt xa mức trung bình nhiều năm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.

Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh số ca sốc sốt xuất huyết nặng đang gia tăng đáng báo động.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc BV Nhi đồng 1, gần như ngày nào BV cũng tiếp nhận bệnh nhi sốc mới.

Ông Quang cho biết, mỗi ca sốc là “phần nổi của tảng băng chìm”, cho thấy dịch bệnh có thể đang âm thầm lan rộng hơn nhiều trong cộng đồng.

Đặc biệt,  BV Nhi đồng 1 cũng đã điều trị một bé gái 5 tuổi phải thở máy, truyền dịch và truyền máu trong 10 ngày mới hồi phục.

Trường hợp khác là một bé trai 4 tuổi được điều trị suốt 3 tuần tại BV Nhi đồng 2 do tổn thương gan, tim, thận, với các chỉ số sinh hóa tăng gấp nhiều lần bình thường biểu hiện mức độ nguy kịch rất cao.

Tình trạng nặng cũng được ghi nhận tại BV Nhi đồng Thành phố, nơi nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nặng kèm xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy gan và suy hô hấp.

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ở các quốc gia vùng nhiết đới như Việt Nam - ảnh minh họa.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ở các quốc gia vùng nhiết đới như Việt Nam – ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, sốc sốt xuất huyết thường xảy ra trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, trong thời điểm người bệnh bắt đầu hạ sốt dễ khiến gia đình chủ quan vì tưởng là đã khỏi.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm gồm tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã, mệt lả. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể rơi vào suy đa cơ quan và tử vong.

Nâng cao công tác phòng chống sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế TP  Hồ Chí Minh cũng đã phát động chiến dịch cao điểm phòng chống sốt xuất huyết, yêu cầu các cơ sở y tế rà soát quy trình sàng lọc, phân loại, cấp cứu và điều trị kịp thời.

Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ dịch truyền, máu, thuốc men và hóa chất phòng dịch.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác tập huấn về nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo và xử trí ca bệnh nặng cũng đang được triển khai rộng khắp.

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh thường xảy ra ở  các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.

 Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến trên phạm vi cả nước, bao gồm ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, nếu xảy ra dịch trên diện rộng sẽ làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, đồng thời, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Người dân nên chủ động phòng sốt xuất huyết - ảnh: TTXVN
Người dân nên chủ động phòng sốt xuất huyết – ảnh: TTXVN

Về cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. 

Đầu tiên là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Bên cạnh đó, phòng chống muỗi đốt bằng các cách mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác…

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN