TP Hồ Chí Minh: Phát hiện hàng loạt cơ sở bán thuốc giả, mỹ phẩm giả

Phạm Sinh

Phóng viên

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa cho biết chi trong 3 tuần kiểm tra, đơn vị đã phát hiện hàng loạt hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm trên địa bàn…

Theo đó, chỉ sau 3 tuần ra quân đồng loạt trong công tác kiểm tra Sở Y tế TP Hồ Chí minh đã kiểm tra 111 cơ sở, bao gồm 8 cơ sở mỹ phẩm, 63 cơ sở kinh doanh dược, 21 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, 19 cơ sở khám chữa bệnh.

Sở cũng tiến hành xử lý 41 cơ sở với tổng số tiền phạt 2.270.040.000 đồng, buộc nộp lại 39.712.800 đồng (gần 40 triệu đồng) trị giá tang vật vi phạm (mỹ phẩm). Đồng thời, ban hành Quyết định thu hồi 122 phiếu tự công bố thiết bị y tế phân loại AB sai quy định.

Bên cạnh đó, từ ngày 31/5/2025 đến ngày 06/6/2025, các Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã tiến hành kiểm tra 202 cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn quản lý.

Kết quả đã xử lý 8 cơ sở với tổng số tiền phạt là 133,5 triệu đồng.

TP chuc nang vut

Công an kiểm tra các hộp thực phẩm chức năng bị bỏ ở bãi đất trống dọc đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh trưa 6/6 – ảnh vnexpress

 Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, qua quá trình kiểm tra lực lượng chức năng đã ghi nhận hàng loạt hành vi vi phạm. Cụ thể:

Đối với việc kinh doanh dược phẩm chủ yếu vi phạm như: Kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc kinh doanh thuốc không đúng phạm vi đã được cấp trong Giấy đủ điều kiện kinh doanh dược; Mua thuốc, bán thuốc với các cơ sở không có Giấy đủ điều kiện kinh doanh dược.

Đối với lĩnh vực mỹ phẩm thường vi phạm các lỗi như: Quảng cáo mỹ phẩm khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Sở Y tế; Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm đó là thuốc; Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố mỹ phẩm.

Đối với lĩnh vực thiết bị y tế thường sai phạm khi phân loại thiết bị y tế không dựa trên quy tắc phân loại về mức độ rủi ro.

Bên cạnh đó, còn có các lỗi như: Tài liệu trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế thuộc loại A, B không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật; Không duy trì hiệu lực của giấy lưu hành, giấy ủy quyền, giấy xác nhận đủ điều kiện bảo hành trong thời gian số lưu hành còn giá trị theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Sở Y tế trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác Kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, nhất là sẽ tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề nhằm đẩy lùi tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế nhằm đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, Sở Y tế cũng đã thiết lập đường dây nóng qua số điện thoại 0989 401 155 và ứng dụng “Y tế trực tuyến” để tiếp nhận phản ánh của người dân và xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh, quảng cáo không đúng quy định.

Việc phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng sẽ giúp ngăn chặn kịp thời hàng gian, hàng giả, hàng không đạt chất lượng đang lưu hành, giảm nguy cơ lan rộng – đại diện Sở Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng cho biết, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn trên thị trường với thủ đoạn ngày càng phức tạp, bất chấp nỗ lực kiểm tra, xử lý của ngành y tế và các lực lượng chức năng. Điều này cho thấy các chế tài xử phạt hiện hành chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận quá lớn từ hành vi kinh doanh hàng gian hàng giả.

Vì vậy, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt, bổ sung mức xử phạt đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân….

BÀI LIÊN QUAN