Huyền Thư (31 tuổi, kế toán, TP.HCM) đã ly hôn hơn một năm. Lý do: chồng ngoại tình. Với Thư, nỗi đau ấy hiện giờ chưa thể nguôi ngoai.
Cô thừa nhận mình không thể ngừng nghĩ về chuyện cũ, dù biết càng nhắc đến thì vết thương càng khó lành. Thư vẫn thường xuyên kể lể về chồng cũ với bạn bè, đồng nghiệp như một cách để giải tỏa cảm xúc.
“Tiếc chứ, không phải tiếc người đó. Mình tiếc cho tình cảm, cho bao năm cố gắng vun đắp. Cảm giác uất hận, thất vọng,” Thư chia sẻ.
Đó cũng là cảm xúc thường gặp ở những người vừa bước ra khỏi một cuộc hôn nhân – khi nỗi đau vẫn còn mới.
Ngược lại, cũng có những người rời khỏi cuộc hôn nhân trong tâm thế “như được giải thoát”. Nhưng đó thường chỉ là giai đoạn đầu. Thời gian sau, khi mọi thứ dần lắng xuống, họ lại rơi vào những chuỗi ngày trống rỗng, mất phương hướng, cảm thấy cuộc sống thiếu niềm vui và không còn ý nghĩa.
Tổn thương tâm lý: Không dễ thấy nhưng khó vượt
“Ly hôn không chỉ là mất đi đối tác hôn nhân, mà còn mất cả một thế giới quen thuộc, cả cảm giác thuộc về một gia đình, và có thể để lại khoảng trống rất lớn trong tâm lý và cảm xúc của con người”, Chuyên gia tâm lý Giang Kate nhận định.
Những hậu quả tâm lý phổ biến sau ly hôn thường là: trầm cảm, lo âu, mất hứng thú với cuộc sống, suy nghĩ tiêu cực, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt.
Nhiều người hoài nghi, trách móc bản thân. Họ mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân, và cả chính mình.
Nguyễn Ngọc Nguyên (45 tuổi, tư vấn bất động sản) chia sẻ rằng sau ly hôn, anh từng “mất hứng thú với phụ nữ trong một thời gian dài và bị mất ngủ suốt gần một năm”.
Nhiều người, đặc biệt là nam giới, vẫn tỏ ra ổn ở bề ngoài – họ đi làm, chăm con, giao tiếp bình thường. Nhưng chỉ khi đối diện với chính mình, hoặc rơi vào một hoàn cảnh nào đó, những suy nghĩ tiêu cực mới thật sự bộc lộ.
Vũ Mai, một nhà sản xuất phim truyền hình, ly hôn chồng được 5 năm, nói rằng: “Mình từng cực kỳ mong muốn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân bế tắc. Nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng ly hôn xong là tổn thương kết thúc. Cho đến mãi gần đây mình vẫn phải xử lý những vấn đề và cả những thương tổn hậu ly hôn”.
Theo chuyên gia Tâm lý Giang Kate, những cảm xúc tiêu cực sau ly hôn có thể ảnh hưởng kéo dài hàng năm nếu không được nhận diện và hỗ trợ đúng cách: “Họ thường xuyên sống trong trạng thái mệt mỏi, quá tải, dễ bùng nổ cảm xúc và suy sụp.
Điều này còn ảnh hưởng tới những mối quan hệ tiếp theo – khi họ vô thức xây nên những cơ chế phòng vệ, dễ dàng phản ứng gay gắt hoặc thu mình rút lui ngay khi có mâu thuẫn”.
Đi qua đổ vỡ – đừng tảng lờ nỗi đau
Để vượt qua nỗi đau,đừng cố giấu diếm cảm xúc. Ly hôn – dù vì lý do gì – cũng hầu như luôn đi kèm tổn thương. Việc cảm thấy buồn bã, hụt hẫng, thậm chí rơi vào trầm cảm sau ly hôn là phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường.
Chuyên gia tâm lý Giang Kate nhấn mạnh: “Không thể phục hồi bằng cách trốn tránh hoặc lãng quên, mà phải bắt đầu từ việc thành thật đối diện với cảm xúc của bản thân. Và đừng bị mắc kẹt trong quá khứ, hãy tập trung cho những gì quan trọng với mình ở hiện tại: tập trung chăm sóc con cái, chăm sóc bản thân và tạo lập gia đình mới ổn định, vui vẻ.”
Hậu ly hôn nên tập trung cho những gì quan trọng với mình ở hiện tại
Ly hôn thường đồng nghĩa với mất mát. Nhưng ở một góc nhìn khác, cuộc sống không ngừng chuyển động – và đôi khi, những điều tốt đẹp lại đến từ chính những gì ta từng coi là đổ vỡ.
Nguyễn Ngọc Nguyên chia sẻ, sau thời gian rơi vào trạng thái trống rỗng hậu ly hôn, cuối cùng anh nhận ra: “Mình cần phải ổn để còn chăm con.”
Anh chủ động kết nối lại với bạn bè, tìm đến các liệu pháp phục hồi như thiền, du lịch, tìm về thiên nhiên, và đặc biệt là dành thời gian nhiều hơn cho con – điều anh từng bỏ lỡ khi còn trong hôn nhân.
Vũ Mai thì chọn tập trung cho công việc, đồng thời học cách lắng nghe và chăm sóc bản thân. Sau ly hôn, cô nhận ra mình có thể mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, và sống đúng với điều mình mong muốn.“Tự làm “tổng tài” của chính mình, thấy tự do, tự tại hơn nhiều,” cô cười nói.
Ly hôn là nỗi đau có thật. Nhưng không phải là dấu chấm hết.
Hiểu được cơ chế tổn thương, dám đối diện với cảm xúc, và biết cách chăm sóc bản thân – đó chính là những bước đầu tiên để đi tiếp, theo cách lành mạnh và chủ động.
Đừng quên, cuộc sống luôn dành những món quà bất ngờ cho những người can đảm và nhẫn nại bước qua giông bão.