Tòa nhà Goldin Finance 117 tầng ở thành phố Thiên Tân (miền Bắc Trung Quốc) được khởi công vào năm 2008. Với chiều cao 597 m, công trình được thiết kế để trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất Trung Quốc.
Công trình thiết kế hình “cái nạng” này được xây dựng bằng các “cột siêu lớn” để chống chịu gió mạnh và động đất, trong khi trên đỉnh đặt giếng trời hình kim cương có hồ bơi và đài quan sát.
Tòa nhà Goldin Finance 117 đã được xây đến đỉnh nhưng bị đình trệ do nhà phát triển dự án, tập đoàn bất động sản Goldin Properties Holdings, gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng sau vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015. Công trình này trở thành tòa nhà bị bỏ hoang cao nhất thế giới.
Sau một thập kỷ, Goldin Finance 117 có thể được tiếp tục xây dựng bởi nhà phát triển mới là P&T Group và BGI Engineering Consultants, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Những tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang mọc rải rác khắp các thành phố Trung Quốc đã trở thành biểu tượng cho khủng hoảng bất động sản tại quốc gia này. Dù chưa có thông tin chi tiết về nguồn vốn mới cho tòa nhà tại Thiên Tân, các chuyên gia tin rằng chính phủ đã hỗ trợ đầu tư và tái cấu trúc nợ để khởi động lại dự án.
“Chính phủ bày tỏ rõ ràng mong muốn ổn định thị trường bất động sản, đồng thời khuyến khích các địa phương hỗ trợ ‘hồi sinh’ lĩnh vực đang gặp khó khăn này. Đây là một tín hiệu gửi đến thị trường chứ không chỉ là vấn đề riêng của các tòa nhà chọc trời”, Giáo sư Luật Qiao Shitong tại Đại học Duke (Mỹ) nhận định.
Ông cho biết thêm: “Các tòa nhà siêu cao không nhất thiết là các dự án hiệu quả nhất, cũng không chắc đem lại lợi nhuận nhưng chúng là những chỉ dấu. Việc hồi sinh và hoàn thiện dự án này là cách chính phủ thể hiện hy vọng lấy lại niềm tin từ người dân”.
Bà Fei Chen, giảng viên Kiến trúc và Thiết kế đô thị tại Đại học Liverpool (Anh), bổ sung: “Việc hoàn thiện các tòa nhà bị bỏ dở còn là vấn đề hình ảnh đô thị. Chính quyền địa phương không muốn một công trình dang dở tồn tại mãi như một vết nhơ cho cả thành phố”.
Dù đối mặt với lo ngại kinh tế và các quy định ngày càng siết chặt, Trung Quốc vẫn đang thống trị mảng xây dựng nhà chọc trời trên toàn cầu. Trong số 133 tòa nhà cao từ 200 m trở lên được hoàn thành trên toàn thế giới vào năm ngoái, có đến 91 tòa ở Trung Quốc, theo dữ liệu từ Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường đô thị (CTBUH).
Một thập kỷ qua, thành phố Thiên Tân đã hoàn thành một tòa nhà siêu cao khác là Trung tâm tài chính CTF Thiên Tân, cao 530 m, hiện là tòa nhà cao thứ tám thế giới. Trong khi đó, tòa Goldin Finance 117 đã bị vượt qua về chiều cao bởi Tháp Thượng Hải và Trung tâm tài chính Ping An ở Thâm Quyến. Điều đó có nghĩa sau khi hoàn thành, tòa Goldin Finance 117 sẽ chỉ là tòa nhà cao thứ ba ở Trung Quốc (và thứ sáu thế giới).
Nếu Tháp Jeddah cao 1.000 m tại Ả Rập Xê-út (công trình cũng vừa được thi công trở lại sau nhiều năm trì hoãn) và tháp Burj Azizi ở Dubai được hoàn thành trong thập kỷ này, thì Goldin Finance 117 sẽ tụt xuống vị trí thứ tám toàn cầu.