“Tọa độ khóc”: Khi cảm xúc bị đè nén nơi đô thị Trung Quốc

Ánh Dương

Biên tập viên

Một trào lưu kỳ lạ đang nổi lên giữa lòng đô thị sôi động như Bắc Kinh hay Thượng Hải: Giới trẻ tìm đến những địa danh nổi tiếng để… khóc.

Tử Cấm Thành (Bắc Kinh), sân bay Phố Đông (Thượng Hải), hồ Huyền Vũ (Nam Kinh), bờ sông Hán (Vũ Hán),… khi nghe tên các địa danh này, có phải bạn sẽ nghĩ ngay đến những chuyến du lịch, những giây phút thư giãn thăm thú cảnh vật và nghỉ ngơi sau tháng ngày làm việc, học tập mệt mỏi?

Thế nhưng đối với giới trẻ ở xứ tỷ dân gần đây thì khác, giữa nhịp sống hối hả và áp lực gia tăng, những nơi công cộng hoặc danh thắng nổi tiếng bỗng trở thành toạ độ trút bỏ cảm xúc công khai.

“Toạ độ khóc”

Trên mạng xã hội Trung Quốc, cụm từ “tọa độ khóc” đã trở thành từ khóa thịnh hành. Nhiều bạn trẻ nước này đang chia sẻ danh sách những nơi để khóc hiệu quả nhất, đôi khi là kỳ lạ nhất. Từ khu di tích lịch sử như Tử Cấm Thành đến tòa án nhân dân, nghĩa địa, bệnh viện tâm thần đều có thể trở thành nơi để trút hết căng thẳng và áp lực.

Bên cạnh Bắc Kinh, “bản đồ xả nước mắt” của giới trẻ Trung Quốc đã lan rộng tới Thượng Hải (sân bay Phố Đông), Thâm Quyến (sân vận động Bảo An), Vũ Hán (bờ sông Hán), Nam Kinh (hồ Huyền Vũ)…

Vì sao Tử Cấm Thành thích hợp để… khóc?

Tử Cấm Thành (hay Cố Cung) tọa lạc tại thủ đô Bắc Kinh, vốn là biểu tượng quyền lực và vẻ đẹp vượt thời gian của Trung Hoa, nhưng chính không gian mang đậm hơi thở lịch sử và thi vị đã khiến nơi đây trở thành một “tọa độ khóc” lý tưởng cho giới trẻ thành thị. Đặc biệt, tháp canh gác phía đông bắc của Tử Cấm Thành là địa điểm được đánh giá cao vì rất phù hợp để ngắm hoàng hôn trong khi âm thầm rơi lệ.

Từng là trung tâm quyền lực của hai triều Minh – Thanh, mỗi viên gạch, mỗi mái ngói tại Tử Cấm Thành đều chất chứa bao thăng trầm. Khi ánh hoàng hôn nhuộm vàng lên những bức tường đỏ, không gian ấy trở nên man mác nỗi buồn, gợi nhớ những câu chuyện quá khứ, khiến người ta dễ buông thả cảm xúc. 

Giữa kiến trúc hoành tráng của những hành lang dài, sân đá rộng, cung điện uy nghi mang đến cảm giác lạc lõng, chênh vênh, tạo ra sự đối lập giữa tráng lệ và cô đơn, vừa đủ để một người có thể lặng lẽ rơi lệ mà không quá nổi bật. 

Hơn nữa, trong số bốn tháp canh bốn góc Tử Cấm Thành, góc đông bắc thường có lượng khách thăm quan ít nhất. Sự yên tĩnh giúp người trẻ cảm thấy “an toàn”, không phải lo ngại ánh mắt tò mò.

Không gian chính đáng cho cảm xúc tiêu cực

Những “người khóc dày dạn kinh nghiệm” thậm chí còn chia sẻ các địa điểm ít người biết đến nhưng lại rất hiệu quả để khóc như Bệnh viện số 6 Đại học Bắc Kinh, một cơ sở y tế chuyên về tâm thần. Một số người chọn đứng trước cổng tòa án, nơi gắn liền với những vụ kiện tụng, tranh chấp, thậm chí là đổ vỡ gia đình, và những người xuất hiện ở đây vốn đã mang theo nỗi buồn, sự căng thẳng hoặc tuyệt vọng. Số khác chia sẻ việc ghé qua nghĩa trang để khóc.

Tại những nơi mà mọi sự đau khổ, giằng xé điều được nhìn nhận nghiêm túc, việc khóc không bị kỳ thị, ngược lại còn được xem là một phần trong tiến trình chữa lành. Những người chọn khóc ở các địa điểm này thường được “vô hình hoá”, không bị soi mói hay đánh giá như ở nơi công cộng khác.

Nhu cầu được chứng kiến mà không bị phán xét

Người trẻ không hẳn muốn khóc một mình trong phòng, mà đôi khi họ cần một không gian nửa riêng tư, nửa công khai: Có người nhìn thấy mình, để nỗi đau “được chứng kiến”, nhưng không ai đến can thiệp hay đặt câu hỏi.

Một video trên nền tảng Douyin với tiêu đề: “Bên ngoài tìm một nơi để khóc to một trận khó đến vậy sao?” đưa ra những tình huống giả lập nơi nhân vật chính muốn tìm một địa điểm để khóc nhưng liên tục bị yếu tố bên ngoài tác động, nhận về hơn 1 triệu tương tác và gần 50.000 bình luận. 

Điều này cho thấy nhiều người cảm thấy không có “không gian an toàn” để bộc lộ cảm xúc, là một trong những lý do dẫn đến nhu cầu về những địa điểm thích hợp để khóc.

Ở những tọa độ cảm xúc được kể trên, mọi trạng thái tinh thần đều trở nên hợp lý. Ai cũng có thể là nạn nhân của áp lực, sang chấn hoặc bi kịch cá nhân. Việc khóc không khiến họ bị nhìn như người quá yếu đuối.

Văn hóa u uất và sự kiệt quệ cảm xúc

Trào lưu văn hóa mang tên “丧文化” (văn hóa u uất/chán nản) có thể là một trong những yếu tố dẫn đến xu hướng “toạ độ khóc” này. 

Nó phản ánh tình trạng trốn tránh hiện thực, cảm giác chán nản, bi quan, tuyệt vọng, thái độ tiêu cực trước cuộc sống của những người trẻ Trung Quốc (thế hệ 8X, 9X, 10X) trước áp lực kinh tế, điển hình là thất nghiệp và chi phí sống tăng cao. 

Những điều này khiến giới trẻ muốn được khóc, không phải vì họ yếu đuối, mà vì họ buộc phải bảo vệ cái tôi cảm xúc giữa guồng quay đô thị.

Thẩm mỹ hoá cảm xúc tiêu cực: Khóc cũng cần có nghi thức

Lấy cảm hứng từ chương trình khuyến mãi “Thứ Năm điên cuồng” của chuỗi KFC, một thanh niên đang làm quản lý sống ở khu công nghệ cao Tây Nhị Kỳ của Bắc Kinh, có biệt danh trên mạng là “Đừng gọi tôi là Da Vinci”, đã bắt đầu nghi thức “Thứ Bảy khóc điên cuồng” hàng tháng của riêng mình.

Vào ngày đã định, anh đạp xe từ khu vực đầy áp lực Tây Nhị Kỳ đến sở thú Bắc Kinh, một nơi cho phép người ta cảm thấy gần gũi với thiên nhiên hơn nhưng vẫn có lưu lượng khách tham quan thăm thú đông không kém bất kỳ địa điểm du lịch nào ở trung tâm Bắc Kinh. 

xSở thú Bắc Kinh là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan bậc ở thủ đô Bắc Kinh.

Dọc đường đi, anh vừa hét to vừa khóc, anh cho biết chuyến đi kéo dài một tiếng là cách giải tỏa hoàn hảo, đủ dài để trút hết nỗi lòng nhưng không quá mức để bị suy sụp hoàn toàn. Khi đến nơi, anh mua cà rốt để cho các con vật trong sở thú ăn, một kết thúc nhẹ nhàng cho hành trình đầy cảm xúc.

Một nhân viên tài chính làm việc ở Lục Gia Chủy (Thượng Hải), với cái tên “Không rảnh để tranh cãi”, chia sẻ rằng cô luôn khóc sau khi trang điểm kỹ và làm tóc chỉn chu. Cô thường đến đảo Sùng Minh để khóc to một trận, trút bỏ cảm xúc và tìm lại sự cân bằng từ bên trong.

Một người khác kể rằng, tuy không chăm chút khi đi xem mặt, nhưng anh luôn cạo râu và tạo kiểu tóc đàng hoàng trước khi đi ra ngoài để khóc.

“Mọi việc trở nên có tính nghi lễ hơn, giống như tôi đang đối mặt với cảm xúc của mình một cách đường hoàng”, người này chia sẻ. 

Trào lưu này đã tạo nên một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, với rất nhiều người chia sẻ về các địa điểm khóc ưa thích của họ và những tranh cãi xoay quanh chủ đề này.

BÀI LIÊN QUAN