Tìm con bị bắt cóc suốt 22 năm nhưng khi gặp lại bị từ chối

Anh Thịnh

Biên tập viên

Rong ruổi tìm con trai suốt 22 năm nhưng đến khi gặp lại, người cha nhận thêm cú sốc khác khi con trai từ chối về nhà.

Lei Wuze, 55 tuổi, và vợ ông từng sống trong một trạm trung chuyển hàng hóa ở Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc.

Dù thu nhập khiêm tốn, cuộc sống của nhà ông Lei vẫn hạnh phúc cho đến khi cậu con trai ba tuổi của họ, Chuanchuan, bị bắt cóc vào năm 2001.

Đôi vợ chồng đau khổ bắt đầu hành trình tìm kiếm con trai kéo dài 22 năm, rong ruổi khắp Trung Quốc, liên lạc với hơn 300 cảnh sát và ghi lại hơn 2.000 đầu mối trong một cuốn sổ tay.

Tháng 6/2023, cảnh sát tìm thấy Chuanchuan ở thành phố Thâm Quyến, đông nam Trung Quốc. Anh đã tốt nghiệp đại học, định cư tại đó và làm việc trong lĩnh vực tiếp thị.

Kẻ bắt cóc, Wang Haowen đã bị kết án tử hình vì buôn bán 11 trẻ em.

Ông Lei và gia đình tìm được con trai bị bắt cóc sau 22 năm nhưng không thể đoàn tụ. (Ảnh: SCMP)

Lei đã lên kế hoạch tổ chức tiệc đoàn tụ một tháng sau khi tìm thấy con trai, nhưng bị hủy bỏ vì Chuanchuan không muốn xuất hiện công khai.

Vợ chông ông Lei và con gái cũng đã đến Thâm Quyến để cố gắng gặp lại con trai nhưng không thành công. Cuối cùng cả gia đình chỉ có thể đoàn tụ tại đồn cảnh sát, song Chuanchuan từ chối trở về cùng cha mẹ ruột.

Lei chia sẻ trên mạng xã hội rằng gia đình nuôi Chuanchuan rất giàu có và rất chiều chuộng con trai ông. Sau khi được nhận nuôi, cha nuôi của Chuanchuan qua đời, cậu được ông bà nuôi dưỡng.

Lei cho biết ông hiểu rằng con trai cần thời gian để kết nối lại tình cảm sau hơn 20 năm xa cách. Nhưng ông hy vọng Chuanchuan được biết về tuổi thơ của mình, quê hương của mình và hành trình cha mẹ ruột đã trải qua để tìm thấy anh ấy.

Ông Lei và Chuanchuan trao đổi thông tin liên lạc. Ban đầu, mối quan hệ của họ rất tốt. Tuy nhiên, ông Lei nhiều lần yêu cầu Chuanchuan trở về Hồ Nam để sống với gia đình ruột thịt của mình.

Chuanchuan giải thích công việc và bạn bè của anh đều ở Thâm Quyến nên anh không thể rời khỏi thành phố.

Ông Lei muốn Chuanchuan gọi mình là “cha”, đọc những cuốn sách ông gửi và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng, nhưng Chuanchuan từ chối và nói: “Đừng ép con”.

Lei cũng bày tỏ sự thất vọng vì Chuanchuan không quan tâm đến gia đình ruột thịt của mình.

“Em gái con ốm, con không hỏi thăm. Cha phẫu thuật, con ba ngày chẳng hỏi một tiếng, chúng ta đã làm sai điều gì?”, ông Lei nói. “Con bị hấp dẫn bởi gia đình giàu có đến vậy sao? Con có cần phải lạnh lùng với chúng ta như vậy không?”.

Tháng 3/2024, Chuanchuan chặn liên lạc với gia đình ruột.

Đến ngày 10/4 vừa qua, ông Lei đăng video xin lỗi trực tuyến vào đúng ngày sinh nhật của Chuanchuan, thừa nhận rằng tình yêu ông dành cho cậu bé “quá ngột ngạt”.

“Cha xin lỗi, con trai. Cha sẽ không bao giờ gây áp lực cho con nữa cho đến khi con tự trở về. Chúc mừng sinh nhật!”, ông viết.

Lei cũng khẳng định rằng ông không còn oán giận gia đình nuôi của Chuanchuan nữa: “Số phận đã đưa hai gia đình chúng tôi đến với nhau theo một cách đặc biệt”.

Hiện hai cha con đã kết nối lại trên mạng xã hội, nhưng tình cảm vẫn chưa được hàn gắn.

Ông Lei hiện làm livestream buôn bán, hy vọng cải thiện tình hình tài chính của mình để thu hẹp khoảng cách với gia đình nuôi Chuanchuan.

Câu chuyện của người cha đã gây ra nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một người nói: “Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu cho người cha này. Sau từng ấy đau khổ, ông ấy đang học cách yêu thương con trai mình”.

Một người khác đưa ra quan điểm khác: “Theo quan điểm của người con trai, sau 20 năm, đột nhiên một ‘người lạ’ tự nhận là cha ruột của bạn và làm ầm ĩ về điều đó. Thật đáng sợ, gần giống như bắt cóc về mặt đạo đức”.

“Tình yêu đích thực có nghĩa là tôn trọng hoàn toàn mong muốn của trẻ”, người khác nói.

BÀI LIÊN QUAN