Sau hơn 6 năm học tập và công tác tại Đại học Massey (New Zealand), gần đây Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Phúc đã trở về nước để giảng dạy và nghiên cứu với tâm nguyện được góp một phần trí tuệ của mình vào sự nghiệp “xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường”…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc: Trở về vì trách nhiệm với tương lai đất nước
TS Nguyễn Văn Phúc tốt nghiệp ngành Tài chính tại Đại học Massey (New Zealand), sau đó tham gia giảng dạy các khóa học đại học và sau đại học trong các chương trình quốc tế tại Đại học Massey, New Zealand.
Đến nay, sau hơn 6 năm học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, TS Phúc đã trở về nước công tác. Hiện nay ông đang là giảng viên chuyên ngành Tài chính Ứng dụng tại Western Sydney Việt Nam (thuộc trường Tài năng UEH.ISB).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Phúc cho biết, lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm tài chính doanh nghiệp, luật tài chính, quản trị rủi ro doanh nghiệp và kinh tế môi trường.
Đồng thời, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín như Review of Quantitative Finance and Accounting, International Review of Economics and Finance và Global Finance Journal (bao gồm 8 bài báo ABDC-A).
“Năm 2022 tôi có đăng bài báo về mâu thuẫn Nga và Ukraina trên Scottish Journal of Political Economy. Bài báo đã trở thành một trong những bài được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí này (2022 – 2023) và sau đó được dịch sang tiếng Pháp, đăng tải trên Atlantico (Pháp)” – TS Phúc chia sẻ.
TS Phúc cũng là Thành viên Hội đồng xét duyệt cho các tạp chí học thuật quốc tế như PLOS ONE (Q1) và International Journal of Educational Management (ABDC-B).
Cùng với đó, TS Phúc cũng tham gia phản biện bài viết cho các tạp chí uy tín như International Review of Financial Analysis, International Review of Economics and Finance và Finance Research Letters…
Đặc biệt, trong mạng lưới Finance and Banking Network, TS Nguyễn Văn Phúc giữ vai trò Trưởng nhóm Tác động Chính sách (Policy Impact Taskforce); phụ trách nền tảng “AI for Finance Platform” với vai trò Thành viên hội đồng chuyên đề (Session Editor); phụ trách lĩnh vực về chính sách, luật pháp và quan điểm cũng như đồng chủ trì chuỗi sự kiện “Advanced and Creative Trailblazers’ Talk Series” nhằm kết nối, lan tỏa kết quả học thuật mới nhất của các nhà nghiên cứu trẻ và xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực Tài chính, Kinh tế và Ngân hàng.
Ngoài hoạt động học thuật, TS Nguyễn Văn Phúc còn tham gia các tổ công tác về chính sách thuế quan đối ứng, dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế để báo cáo với Chính phủ Việt Nam…
Trao đổi với chúng tôi về động lực nào để khiến ông quay về công tác trong nước, TS Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Tôi chọn trở về vì mong muốn được đóng góp một phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình vào công cuộc đưa Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, là một người trí thức trẻ, tôi nhận thấy mình cần phải hành động một cách thiết thực để thể hiện trách nhiệm đối với tương lai Đất nước”.
Cũng theo TS Phúc, trong suốt 6 năm học tập và công tác tại New Zealand lĩnh vực nghiên cứu của ông là phân tích tác động của luật và chính sách đối với hoạt động và phản ứng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TS Phúc cũng nghiên cứu tác động của luật nội gián, luật chống độc quyền và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lên hoạt động của công ty…
“Với những nền tảng kiến thức đã được học và nghiên cứu, tuy nhiên chỉ khi về Việt Nam tôi mới có điều kiện đưa ra những ý kiến đóng góp của mình một cách sâu sát nhất có thể nhằm cùng với tất cả người dân đưa Đất nước phát triển ngày càng giàu đẹp…” – TS Phúc nhấn mạnh.
Trí thức trẻ góp sức vào tầm nhìn phát triển quốc gia
TS Phúc chia sẻ, là một người nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính và chính sách kinh tế, ông nhận thấy “Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025” chính là cơ hội quý báu để kết nối với các đồng nghiệp trí thức trẻ người Việt khắp nơi trên khắp thế giới, những người cùng chung nhiệt huyết và khát vọng cống hiến.
“Diễn đàn này tạo điều kiện để chúng tôi chia sẻ tri thức, trao đổi ý tưởng và đề xuất các sáng kiến giải quyết những vấn đề cấp thiết mà Việt Nam đang đối mặt. Bản thân tôi kỳ vọng có thể đóng góp các góc nhìn chuyên môn về tài chính – kinh tế (như phát triển kinh tế tư nhân, tài chính xanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…) nhằm hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia” – TS Phúc chia sẻ.
TS Phúc cũng nhấn mạnh, chủ đề của Diễn đàn lần thứ VI – “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” thực sự đã truyền cảm hứng, thôi thúc các tri thức trẻ người Việt tham gia để được góp phần vào công cuộc đưa Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên mới.
“Theo tôi, Diễn đàn lần này là một sáng kiến rất ý nghĩa và cần thiết. Trước hết, đây là một nơi giao lưu trí tuệ tầm cỡ quốc tế dành cho người Việt trẻ, nơi quy tụ khoảng 200 đại biểu xuất sắc từ khắp năm châu về đóng góp cho quê hương.
Diễn đàn không chỉ mang tính kết nối cộng đồng chuyên gia, mà còn là kênh để trí thức trẻ đưa ra những đề xuất, sáng kiến, giải pháp hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Qua các phiên thảo luận và hoạt động, Diễn đàn khơi dậy tinh thần sáng tạo và khát vọng cống hiến của người Việt trẻ, giúp họ tự tin khẳng định vai trò và trách nhiệm đối với tương lai Đất nước” – TS Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo TS Phúc, quan trọng hơn Diễn đàn tạo cơ chế để các ý tưởng đột phá của trí thức trẻ không dừng lại trên giấy, mà được tổng hợp thành khuyến nghị chính sách gửi tới các cơ quan lãnh đạo. Điều này đảm bảo những trí tuệ và tâm huyết của thế hệ trẻ thực sự được lắng nghe và có thể góp phần biến đổi thực tiễn.
Bên cạnh đó, Diễn đàn thường niên này thể hiện niềm tin và kỳ vọng lớn của lãnh đạo vào lực lượng trí thức trẻ. Về ý nghĩa lâu dài, diễn đàn góp phần xây dựng một mạng lưới trí thức Việt toàn cầu gắn kết chặt chẽ, tạo dòng chảy tri thức về Việt Nam.
Trong đó, mỗi trí thức trẻ tham gia đều nhận thức sâu sắc hơn sứ mệnh của mình, từ đó tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp và đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Đất nước.
“Có thể nói, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã trở thành biểu tượng cho trí tuệ, sự sáng tạo và tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại mới” – TS Phúc tâm đắc.
Được biết, từ ngày 19/7 đến ngày 21/7/2025 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TW Đoàn) sẽ tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng Đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Sự kiện do Tập đoàn Truyền thông Halotimes là đối tác truyền thông chính thức.
Theo thông tin từ TW Đoàn, sự kiện lần này quy tụ 206 đại biểu chính thức. Trong số các đại biểu tham dự chính thức có 1 giáo sư và 22 phó giáo sư và 170 tiến sĩ dưới 40 tuổi.
Trong đó, hơn 90% đại biểu được đào tạo ở nước ngoài , 62 đại biểu đang sinh sống công tác ngoài nước. Đồng thời, diễn đàn sẽ có sự tham gia của 300 đại biểu dự thính hoặc tham gia trực tuyến.
Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Diễn đàn đã quy tụ lực lượng trí thức trong và ngoài nước lớn nhất từ xưa đến nay, đến từ nhiều chuyên ngành mũi nhọn bao gồm: vật lý hạt nhân, động cơ tên lửa, thuật toán AI, công nghệ y tế…
Các đại biểu tham dự sẽ đóng góp sáng kiến đột phá cho sự phát triển đất nước, diễn đàn sẽ tổng hợp các đề xuất, giải pháp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gửi đến các cơ quan lãnh đạo.
Đồng thời, ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045…
Phạm Sinh