Tiến sĩ mang tinh hoa từ Nhật về đất Việt, kiến tạo nông nghiệp bền vững

Anh Thịnh

Biên tập viên

Nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản, Tiến sĩ Đinh Hùng Cường mang thành quả về quê hương, hồi sinh đất bạc màu và kiến tạo nền nông nghiệp xanh cho Việt Nam.

Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu tại Nhật Bản, Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển, Viện Hoá học nước biển Kitakyushu, tham gia nhiều dự án nghiên cứu về năng lượng hydrogen, pin hữu cơ sử dụng năng lượng sạch không phát thải CO2.

Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển, Viện Hoá học nước biển Kitakyushu, Nhật Bản.

Công trình đầu tiên do Tiến sĩ Cường tìm ra về phản ứng khử 4 electron để Oxi kết hợp với Hydro thành nước đã được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín và sau đó được Nhật Bản bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Tôi luôn khao khát được đưa những sản phẩm nghiên cứu của mình vào ứng dụng thực tiễn, phục vụ đời sống xã hội”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Chính vì thế, anh không dừng lại ở các công bố khoa học mà miệt mài hiện thực hóa các nghiên cứu thành sản phẩm hữu ích như, như: phụ gia cho vỏ ô tô chống cháy, kem chống nắng an toàn cho môi trường, chất xúc tác giúp vi khuẩn phân hủy nhựa nhanh hơn, màng nhà kính tiết kiệm năng lượng, chất bổ sung sắt cho máu…

Trong số đó, Tiến sĩ Cường tâm đắc nhất là sản phẩm cung cấp trung vi lượng và khoáng chất cho đất nông nghiệp, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ bền vững, thay dần phân bón hóa học, được nhóm của anh đặt tên là CORE. Lên ý tưởng từ năm 2015, CORE được hoàn thiện, thử nghiệm trên cây lúa, rau, hoa… và đưa ra thị trường Nhật Bản từ năm 2018.

“Chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm phổ biến, dễ sử dụng, không gây tác hại cho môi trường, mà vẫn đảm bảo nông sản có hương vị và giá trị dinh dưỡng tốt nhất”, Tiến sĩ Cường cho hay.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Cường luôn hướng đến sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.

Ngay sau khi sản phẩm được đón nhận, anh ấp ủ giấc mơ đưa CORE về Việt Nam. Tuy nhiên, khi khảo sát thực địa, anh phát hiện đất đai Việt Nam đang bị lão hoá nghiêm trọng do lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. 

CORE phiên bản Nhật không phù hợp nhưng vị tiến sĩ trẻ không nản lòng, anh hợp tác với nhóm nghiên cứu trong nước để “thiết kế lại” CORE theo điều kiện bản địa. Đến nay, CORE phiên bản Việt đã áp dụng thành công trên cà phê, gà thịt và lợn thịt.

“Đây thật sự là sản phẩm cần thiết cho xã hội nên tôi và nhóm nghiên cứu rất vui và tự hào. Tuy việc triển khai rộng khắp cả nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi tin đây là hướng đi cần thiết để phục hồi đất đai, giảm gánh nặng cho người nông dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Cường bày tỏ.

Trên cương vị là một trong những trí thức trẻ tiêu biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, Tiến sĩ Cường cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển đổi xanh và bền vững. Anh kỳ vọng Diễn đàn là cầu nối, điểm tựa giúp các nhà khoa học Việt khởi nghiệp thành công từ các sản phẩm nghiên cứu của mình.

Anh cũng chỉ rõ Việt Nam có nhiều lợi thế về đất đai và khí hậu, thích hợp cho chăn nuôi, trồng trọt cũng như khai thác năng lượng xanh như điện gió và điện mặt trời. 

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cường, Việt Nam vẫn chưa mạnh về công nghệ dẫn tới việc phụ thuộc công nghệ hoặc phải mua công nghệ với giá cao, mua công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó cơ sở vật chất cho các công nghệ này vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, người nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất cũ còn phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học, canh tác nhiều vụ dẫn tới đất bị nghèo đi do thiếu chất dinh dưỡng và dư lượng của phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Điểm sáng là nhiều nông dân hiện nay có nhận thức tốt rằng nông nghiệp xanh, bền vững sẽ cho giá trị sản xuất, giá trị kinh tế cao hơn, chỉ có nông nghiệp bền vững mới giúp nông sản Việt Nam có chỗ đứng mà không bị đứng ngoài cuộc chơi trên thị trường quốc tế.

“Nông nghiệp bền vững còn là điều kiện tiên quyết vì một thế hệ Việt Nam phát triển tốt về thể chất, giảm gánh nặng y tế trong tương lai”, Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Tiến sĩ Cường nghiên cứu thử nghiệm độ bền vật liệu cho ô tô.

Trên góc độ khoa học, Tiến sĩ Cường cho rằng Việt Nam có mạng lưới các nhà khoa học có chuyên môn, có khát vọng cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, để tập hợp các nhà khoa học, tri thức lại thành một khối, cùng phát triển cho lợi ích chung của dân tộc là điều cần tới các chính sách thu hút nhân tài, chính sách hành chính… hoạt động có hiệu quả và khơi dậy khát vọng cống hiến cho đất nước của tri thức. 

Từ chính hành trình của mình, Tiến sĩ Cường mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam tích cực tiếp thu văn hóa và khoa học công nghệ hiện đại để hiểu được triết lý về vận hành mô hình bền vững trong tất cả các lĩnh vực.

“Phát triển nông nghiệp hay bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sự bền vững, an toàn và thân thiện. Và tất nhiên, phải xây dựng cho giới trẻ Việt Nam niềm đam mê, khát vọng cống hiến cho bản thân, gia đình, xã hội, phát triển thế mạnh của mình khi hiểu đúng bản chất và quy luật của nó, không chạy theo lợi nhuận, thành tích mà làm những điều không đúng với quy luật tự nhiên”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Tiến sĩ Đinh Hùng Cường sinh năm 1985, quê Phú Thọ. Anh nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Hóa học Ứng dụng, thuộc Khoa Hệ thống Năng lượng tại Đại học Ajou, Hàn Quốc vào năm 2013.

Từ năm 2014 - 2016, anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản (NIMS), với chuyên môn tập trung vào công nghệ pin hữu cơ. Giai đoạn 2016 - 2018, anh công tác tại Phòng Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Hóa dược Kyowa, Nhật Bản.

Từ năm 2019 đến nay, anh lần lượt đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển tại Tập đoàn Hóa dược Fuji, trước khi chuyển sang Viện Hóa học Nước biển Kitakyushu, nơi anh tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu liên quan đến năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Trong hơn một thập kỷ nghiên cứu tại Nhật Bản, Tiến sĩ tham gia nhiều dự án nghiên cứu về năng lượng hydrogen, pin hữu cơ sử dụng năng lượng sạch không phát thải CO2.

BÀI LIÊN QUAN