Xuất thân từ vùng đất nổi danh “gạo trắng nước trong”, chị Lê Cảnh Bích Thơ tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Môi trường tại Đại học Kyoto ở Nhật Bản và hiện đang là giảng viên Kinh tế Môi trường tại Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, trên quê hương của mình.
Tiến sĩ Lê Cảnh Bích Thơ có mối quan tâm đặc biệt tới các chính sách thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ là một nhà nghiên cứu, trên cương vị là một giảng viên, chị còn truyền cảm hứng và hỗ trợ kết nối các dự án khởi nghiệp xanh của sinh viên miền Tây với các ngành chủ lực của vùng.
Từ môi trường học thuật quốc tế đến thực địa quê nhà, chị mang theo mình khát vọng gắn kết tri thức toàn cầu với bài toán phát triển địa phương. Tại Trường Đại học FPT Phân hiệu Cần Thơ nơi chị đang công tác, khởi nghiệp xanh không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành những hành động cụ thể.
Trong vai trò giảng viên và người hướng dẫn, nữ Tiến sĩ đã đồng hành cùng nhiều dự án sinh viên đạt được thành tích nổi bật ở các sân chơi khởi nghiệp lớn.
Tiêu biểu như các dự án Biến vỏ bắp thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ – BALABIN, lọt Top 10 Startup Wheel 2025, một trong những cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn nhất Đông Nam Á; Mô hình Cây Bần – Thanh Long – Ong – Ốc Len theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giành giải Nhất Startup First 2023; Ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh cho tôm giống, đoạt giải Khuyến khích Startup First 2025; Cảm biến lọc nước mặn và nước phèn phục vụ tưới tiêu, vào vòng chung kết Sáng kiến Khoa học 2025, do VnExpress và Bộ KH&CN tổ chức, gọi vốn thành công 50 triệu đồng…
Ngoài ra còn có các sáng kiến như muỗng sinh học từ vỏ quất, sổ tay nông nghiệp trong sản xuất lúa bền vững, mỗi dự án đều kêu gọi được hỗ trợ vốn ban đầu, từ đó tạo nền móng cho thương mại hóa sản phẩm.
Nhờ có Tiến sĩ Lê Cảnh Bích Thơ, những dự án này không còn chỉ nằm ở ý tưởng, mà được hỗ trợ hiện thực hóa và kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp địa phương như Ecoka, Abavina hay Công ty CP Thủy sản Châu Phi…, giúp đảm bảo tính khả thi và thực tiễn.
Từ kinh nghiệm giảng dạy, chị nhận thấy giới trẻ Việt, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh. Với lợi thế là nguồn tài nguyên bản địa phong phú, thêm vào đó là mô hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp địa phương, cùng với đó là tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ của thế hệ sinh viên miền Tây năng động, tiến bộ, không ngại va vấp.
Tuy nhiên, Tiến sĩ cũng thẳng thắn chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay của vùng Tây Nam Bộ là thiếu cơ chế hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm từ cấp địa phương, cũng như sự giới hạn trong danh mục đặt hàng công và tư hằng năm.
Theo chị, nếu không có một cầu nối rõ ràng giữa ý tưởng, sản phẩm và thị trường, thì những sáng kiến dù sáng tạo đến đâu cũng khó đi xa.
“Cần thiết lập danh mục thống kê các vấn đề cấp thiết và đưa ra danh sách đặt hàng rõ ràng theo từng giai đoạn”, nữ Tiến sĩ nhấn mạnh. Đây là cách để các ý tưởng khởi nghiệp không dang dở lưng chừng sau những cuộc thi, mà có thể phát triển thành sản phẩm và dịch vụ bền vững.
Tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, Tiến sĩ Lê Cảnh Bích Thơ đánh giá đây là một không gian đặc biệt cho các nhà nghiên cứu trẻ đa ngành kết nối, giao lưu và định hình những dự án tiềm năng cho quốc gia.
“Diễn đàn mở ra cơ hội để hình thành môi trường nghiên cứu minh bạch, năng động, nơi các trí thức trong và ngoài nước được khuyến khích phát huy năng lực sáng tạo và cống hiến cho khoa học quốc gia”, chị chia sẻ.
Đặc biệt, với chủ đề Diễn đàn năm nay xoay quanh đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học – công nghệ, nữ tiến sĩ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hướng hợp tác thiết thực, nhất là với các nhà khoa học nữ sau tiến sĩ đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế môi trường.
Việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, cũng như cơ chế tài trợ linh hoạt như các quỹ nhỏ giải ngân theo tiến độ sẽ là những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng.
Với nền tảng học thuật vững chắc và trải nghiệm thực tiễn phong phú, Tiến sĩ Lê Cảnh Bích Thơ vững tin “vùng đất chín rồng” không chỉ đơn thuần là nơi chị đang sinh sống mà làm việc, mà còn là trung tâm tiềm năng để các thử nghiệm về mô hình sản xuất tuần hoàn và nông nghiệp thông minh được đưa ra thực tiễn, đây đều là những giải pháp cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Bằng những đóng góp bền bỉ trong giảng dạy, hướng dẫn và nghiên cứu, Tiến sĩ Lê Cảnh Bích Thơ đang góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững cho khu vực miền Tây Việt Nam.