Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển: Trí tuệ Việt đủ sức vươn xa và trở về

Chí Phú

Biên tập viên

Là nghiên cứu viên tại Hàn Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và hệ thống năng lượng, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển luôn hướng nghiên cứu của mình về phía Việt Nam. Với anh, trí thức trẻ dù ở đâu cũng có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển hiện là nghiên cứu viên tại Khoa Kỹ thuật Điện tử, Đại học Sogang (Hàn Quốc), với chuyên môn về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của nó trong hệ thống năng lượng, đặc biệt là thiết kế thị trường điện và tối ưu hóa vận hành. 

Anh đang tham gia hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu nhằm tích hợp AI vào vận hành hệ thống điện quốc gia Hàn Quốc, đồng thời hợp tác quốc tế để phát triển các mô hình nền tảng có khả năng áp dụng rộng rãi trên nhiều cấu hình lưới điện khác nhau.

Nhưng mục tiêu của anh không dừng lại ở đó. 

Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển, Nghiên cứu viên ngành trí tuệ nhân tạo và hệ thống năng lượng tại Đại học Sogang, Hàn Quốc
Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển, Nghiên cứu viên ngành trí tuệ nhân tạo và hệ thống năng lượng tại Đại học Sogang, Hàn Quốc

Với một trí thức trẻ Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực mũi nhọn, anh luôn nhìn về quê hương như một nơi cần AI không kém gì các quốc gia phát triển.

Anh cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, có nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại không ít khoảng trống. “Hạ tầng công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực hiện nay vẫn còn hạn chế để AI có thể triển khai sâu vào các lĩnh vực thiết yếu. Muốn AI hoạt động hiệu quả, chúng ta cần trung tâm dữ liệu hiện đại, năng lực tính toán mạnh, đường truyền dữ liệu tốc độ cao và đặc biệt là nguồn cung năng lượng ổn định. 

Bên cạnh đó, bài toán nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực AI vẫn còn là một thách thức lớn. Nếu không đầu tư đồng bộ vào hạ tầng vật lý và đào tạo nhân lực, AI sẽ khó vượt qua giai đoạn thử nghiệm để trở thành giải pháp thực tiễn”.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển cũng nhận thấy ở Việt Nam, AI phần lớn vẫn được nhìn nhận qua những hình ảnh hào nhoáng, nên dễ bị hiểu sai hoặc kỳ vọng lệch lạc: “Tôi cho rằng sự khác biệt này đến từ cách AI được tích hợp vào đời sống và sản xuất. Ở các nước phát triển, AI không phô trương mà được âm thầm triển khai trong các hoạt động thiết yếu như kiểm soát năng lượng, tự động hóa nhà máy, hay phát hiện gian lận tài chính, từ đó tạo ra giá trị kinh tế cụ thể. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, công chúng thường tiếp cận AI qua các hình thức gây tò mò như robot, xe tự lái hay chatbot, khiến AI dễ bị xem như công nghệ trình diễn, xa rời thực tế”.

Để thay đổi điều đó, theo TS Hiển, cần truyền thông đúng đắn hơn. “Khi người dân thấy AI mang lại lợi ích cụ thể trong các lĩnh vực quen thuộc, họ sẽ nhìn nhận công nghệ này như một công cụ hữu ích thay vì chỉ là xu hướng”.

Không chỉ là nhà nghiên cứu, anh còn là người tham gia phản biện khoa học cho nhiều tạp chí quốc tế về hệ thống điện và năng lượng. Qua đó, anh có góc nhìn rõ hơn về vị trí của nghiên cứu Việt Nam trong cộng đồng học thuật toàn cầu. “Các nhà nghiên cứu Việt Nam ngày càng có năng lực và tích cực hơn trong lĩnh vực AI, nhưng để thật sự vươn ra tầm quốc tế, một trong những yếu tố then chốt cần cải thiện là tính độc đáo và mới mẻ trong đóng góp nghiên cứu. Nhiều công trình hiện nay vẫn chủ yếu đi theo xu hướng có sẵn thay vì đề xuất ý tưởng hoặc phương pháp mới”.

TS Hiển cũng nhấn mạnh vai trò của việc tận dụng chính các công cụ AI để tăng tốc nghiên cứu. “Việc ứng dụng AI trong chính quá trình nghiên cứu AI sẽ giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm, tổng hợp tài liệu, và kiểm chứng giả thuyết. Điều đó phần nào bù đắp những hạn chế về nền tảng kiến thức hoặc kinh nghiệm. Đây là hướng đi thiết thực để tăng tốc và nâng cao chất lượng nghiên cứu”.

Nếu được ứng dụng đúng cách, anh tin rằng AI có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng vận hành hệ thống điện tại Việt Nam. “Người dân có thể cảm nhận được 3 lợi ích cụ thể: Ổn định giá điện, giảm tổn thất và tối ưu chi phí hệ thống, nâng cao độ tin cậy và chất lượng dịch vụ điện”.

Tuy nhiên, anh cũng cảnh báo rằng: “Một rủi ro lớn là sự suy giảm vai trò giám sát và chuyên môn của con người, đặc biệt trong những tình huống bất ngờ khi AI có thể hành xử không như dự đoán. Ngoài ra, việc đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu và an ninh mạng cũng là một thách thức. Các mô hình AI được huấn luyện trên dữ liệu thiên lệch hoặc không đầy đủ có thể đưa ra các quyết định sai lệch. Do đó, một cách tiếp cận kết hợp giữa AI, sự phán đoán của con người và các quy định chặt chẽ là điều cần thiết”.

Là một trong những đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, anh đã có những chia sẻ xúc động. 

“Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025 là một dịp đặc biệt đối với tôi. Đây không chỉ là nơi gặp gỡ của những người trẻ tài năng và tâm huyết, mà còn là không gian để cùng nhau chia sẻ ý tưởng, lắng nghe lẫn nhau, và suy nghĩ về cách giải quyết các thách thức phát triển của đất nước.

Tôi rất mong được kết nối với các trí thức trẻ trong và ngoài nước, những người mang trong mình khát khao đóng góp và tình cảm sâu sắc với quê hương. Tôi tin rằng Diễn đàn sẽ khơi dậy nhiều cảm hứng tích cực, tạo ra những kết nối ý nghĩa, và mở ra cơ hội để cùng nhau hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng hơn.

Với tôi, tham gia Diễn đàn không chỉ là dịp để chia sẻ những gì mình biết, mà còn là hành trình học hỏi, để lắng nghe điều mới, khám phá góc nhìn khác, và tiếp thêm động lực cho chính con đường mình đang đi”.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển mong muốn góp phần đưa trí tuệ nhân tạo phục vụ sự phát triển bền vững của Việt Nam
Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển mong muốn góp phần đưa trí tuệ nhân tạo phục vụ sự phát triển bền vững của Việt Nam

Có thể thấy, trong các phát biểu, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển ít khi nói về mình, nhưng luôn nhấn mạnh đến “trách nhiệm kết nối”, đến “hành trình học hỏi” và mong muốn góp sức cho “một Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng hơn”. 

Ở anh là hình ảnh một trí thức trẻ không phô trương, không ồn ào, nhưng kiên định đi theo con đường mình chọn, với lòng tin rằng khoa học, nếu được đặt đúng chỗ, sẽ tạo ra giá trị thiết thực cho xã hội.

Đó cũng là cách Tiến sĩ Đoàn Thanh Hiển đang góp phần khẳng định một chân lý giản dị, đó là trí tuệ Việt không chỉ đủ sức vươn ra thế giới, mà còn đủ sâu để trở về, hòa mình vào hành trình phát triển của chính đất nước mình.

BÀI LIÊN QUAN