Dù chỉ mới tham gia nền tảng TikTok từ cuối năm 2024, nhưng “Thúy trên bản” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt với các video ghi lại cuộc sống tại bản làng vùng cao Tây Bắc. Chủ kênh TikTok này là Phùng Thị Thúy, hiện đang là sinh viên năm 3, khoa Tuyên truyền tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thúy đến từ thôn Nậm Giang (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Sinh ra và lớn lên tại bản làng với nhiều sự khó khăn, thiếu thốn, Thúy mang ước mơ lớn lao sau khi học Đại học sẽ quay về giúp bà con thoát nghèo.
Câu chuyện từ trên bản làng đến xuống Hà Nội học Đại học và những khát khao của Thúy được ví như nhân vật Pu trong bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ”. Thúy chia sẻ Hà Nội khác rất nhiều so với bản làng, đó là xe cộ, không khí, tiếng ồn xung quanh. Nhưng may mắn, Thúy gặp được những người tốt khi bước vào môi trường mới mẻ, có nhiều điều lạ lẫm.
“Điều khác nhất có lẽ là khi xuống Hà Nội mình không được đi hái rau rừng nữa. Ở thành phố mình chủ yếu ăn, học, đi làm còn trên bản sẽ đi làm nương, chăn lợn, hái rau rừng.
Mình lập kênh TikTok “Thúy trên bản” vì cái tên này gắn với con người, cuộc sống của mình. Mình đến từ bản làng nên muốn lan tỏa đến mọi người hình ảnh đó, hy vọng mọi người nhớ đến mình về hình ảnh như vậy” – Thúy chia sẻ.
Thúy nhớ trong đợt bão Yagi năm 2024, có 1 tuần không liên lạc được với gia đình hay những người dân trong bản. Sau đó Thúy đã rủ một số bạn bè cùng về quê, đi trên xe 5-6 tiếng bình thường cô gái sẽ ngủ, nhưng hôm đó không thể ngủ được, cứ nhìn cảnh vật xung quanh. Khi gần về đến bản, Thúy thấy cảnh tượng quá tan hoang, đổ nát nên quyết định thực hiện một dự án thiện nguyện giúp đỡ bà con sau bão.
Đây cũng xuất phát từ tình cảm dành cho bản làng, nơi có những người đã từng giúp đỡ gia đình Thúy trong lúc khó khăn nhất. Thúy kể gia đình vốn không phải là người dân gốc tại bản. Vào năm lớp 4, khi gặp biến cố lớn về tài chính nên nhà Thúy mới chuyển đến đây sinh sống. Dẫu vậy gia đình vẫn nhận được sự yêu thương, quan tâm từ hàng xóm xung quanh. 3 năm về trước, khi Thúy lên thành phố học Đại học, bà con họ hàng cùng góp tiền để cô gái đủ tiền đóng học phí năm nhất. Đó là những tấm lòng Thúy không bao giờ quên.
Tại bản chỉ có 3 người học Đại học và Thúy là người đầu tiên đi học tại Hà Nội. Thúy chia sẻ được truyền cảm hứng rất nhiều từ Chảo Thị Yến, một cô gái người Dao khát khao thay đổi những định kiến.
“Chị Yến là cô gái người dân tộc Dao đầu tiên đạt học bổng du học châu Âu. Hiện tại chị đang quay về bản làng để phát triển nông sản địa phương. Từ khi còn học cấp 2, cấp 3, chị Yến là tấm gương, truyền động lực rất lớn cho mình.
Thường mọi người không ai nghĩ một cô gái người dân tộc có thể đi sang trời Âu và quay lại giúp đỡ bản làng như vậy, nhưng chị Yến đã làm được” – Thúy bày tỏ.
Lên thành phố là để thực hiện ước mơ, nhưng Thúy chưa bao giờ quên những kỷ niệm tại bản làng. Từ mớ rau rừng, củ sâm đất hay những ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, bắt chuột về nướng.
“Từ ngày còn bé xíu, mình thường đi chăn trâu với các bạn, lên rừng hái rau, bó thành bó đem đi bán. Khi trong nhà không có gì ăn thì lên rừng hái rau, bắt chuột về cải thiện bữa ăn. Có thể mọi người ở thành phố thấy đi bắt chuột sẽ hơi sợ, nhưng chuột nướng là món ăn gắn liền với cuộc sống đồng bào.
Hay củ sâm đất, là đặc sản có họ giống khoai lang. Trong tương lai mình đau đáu sẽ làm gì với sản phẩm này, mong muốn phát triển được điều gì đó từ loại củ này.
Nó cũng gắn liền với câu chuyện từ hồi cấp 3, khi mình học nội trú bố mẹ có gửi củ sâm đất ra. Bạn bè chưa biết quá nhiều, nhìn rất giống khoai lang nên đem đi nướng nhưng mãi không chín. Về sau mới biết là sâm đất. Từ đó mình nhận ra không nhiều người biết đến loại củ này dù nó có giá trị dinh dưỡng, là đặc sản ở huyện Bát Xát” – Thúy kể.
Ngành học Thúy đang theo đuổi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền phục vụ cho ước mơ muốn góp phần tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con trong bản. Sau khi tốt nghiệp, Thúy định hướng sẽ làm tốt công việc hiện tại đang theo đuổi tại Hà Nội. Điều này không có nghĩa Thúy sẽ bỏ rơi bản làng, cô rất muốn được truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, khi đã vững vàng rồi sẽ quay trở về quê hương, làm điều gì đó ý nghĩa, cống hiến cho quê nhà.
“Mình thấy cuộc sống ở bản làng vất vả hơn, nhưng nó không là gì khi thấy sự vất vả của gia đình và mọi người xung quanh. Điều này thôi thúc mình rời bản, đi tìm con đường mới để quay trở về giúp đỡ mọi người thoát nghèo” – Thúy chia sẻ.