Theo dữ liệu nghiên cứu từ hơn 540.000 người Mỹ ở độ tuổi từ 50 đến 71 đã cho thấy, việc dùng thức ăn siêu chế biến (thức ăn đã trải qua xử lý công nghiệp) có thể làm giảm tuổi thọ lên đến 10%.
Theo SciTech Daily, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Erikka Loftfield đến từ Viện Ung thư quốc gia Mỹ cho thấy, việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của con người.
Thực phẩm siêu chế biến (UPF) – những sản phẩm đã trải qua nhiều công đoạn xử lý công nghiệp, bao gồm các món ăn nhanh, ăn liền, món ăn nhẹ đóng gói, thịt nguội, bánh kẹo, nước ngọt… có nhiều rủi ro cho sức khỏe, ví dụ làm gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch…
Những sản phẩm đã trải qua nhiều công đoạn xử lý công nghiệp như món ăn nhanh, ăn liền, nước ngọt có thể làm giảm tuổi thọ – ảnh minh họa
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 540.000 người, độ tuổi từ 50 – 71 khi bắt đầu tham gia nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu trong vòng 23 năm. Hiện một số người đã qua đời trong thời gian nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những người có mức tiêu thụ UPF cao nhất sẽ có nguy cơ tử vong trong thời gian được theo dõi cao hơn 10% so với những người khác.
Đặc biệt, nguy cơ này xảy ra ở cả người có cân nặng bình thường lẫn béo phì, cả người có chế độ ăn uống tổng thể được coi là tốt lẫn thiếu lành mạnh.
“Chúng tôi nhận thấy rằng thịt có mức độ chế biến cao (thịt nguội) và đồ uống có ga là các nhóm thực phẩm siêu chế biến có liên quan chặt chẽ nhất đến nguy cơ tử vong” – TS Loftfield cho biết thêm.
Các kết quả nghiên cứu này một lần nữa đã nhấn mạnh những mối nguy tiềm ẩn mà những món ăn tiện lợi kiểu công nghiệp mạng lại, bất chấp việc người sử dụng có bị tăng cân vì chúng hay không.
Theo các nhà khoa học, một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ là cách để giữ dáng, giữ sức khỏe mà còn là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ, nhất là ở những người trung niên, cao niên.