Thu nhập 9 tỷ đồng/năm, người Mỹ vẫn không thấy giàu

Anh Thịnh

Biên tập viên

Nhiều gia đình thuộc nhóm 10% thu nhập cao nhất nước Mỹ vẫn cảm thấy tài chính bất an trước áp lực chi phí sinh hoạt leo thang từng năm.

Thu nhập của Lauren Fichter và chồng khoảng 350.000 USD/năm (hơn 9 tỷ đồng). Họ sở hữu căn nhà ở thành phố Reading, bang Pennsylvania, và một bất động sản nghỉ dưỡng cho thuê.

Tuy nhiên, khi con trai Dalton của họ vào đại học vào năm sau, cậu sẽ phải vay tiền học phí và săn học bổng. Vợ chồng Fichter không thể trang trải tất cả các chi phí đại học có thể lên tới 75.000 USD/năm ​​của con.

“Khi còn trẻ, tôi không nghĩ mình có thể kiếm nổi số tiền như vậy”, Fichter, 47 tuổi, nói. “Nhưng giờ tôi cảm thấy gia đình mình cũng bình thường như bao người khác”.

Sở hữu nhà và xe nhưng nhiều gia đình thuộc nhóm thu nhập cao ở Mỹ vẫn cảm thấy bất an tài chính. (Ảnh: WSJ)

Theo các khảo sát, gia đình Fichter thuộc nhóm 10% có thu nhập cao nhất tại Mỹ (trên 250.000 USD/năm, tương đương 6,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều gia đình trong nhóm vẫn cảm thấy bất an tài chính trước áp lực chi tiêu ngày càng tăng như nhà ở đắt đỏ, học phí đại học cao ngất ngưởng, bảo hiểm, khoản vay và chi phí sinh hoạt leo thang qua từng năm.

Trong bối cảnh các công ty liên tục cắt giảm nhân sự và lương hưu không còn được đảm bảo, cả những người có thu nhập cao cũng không tránh khỏi cảm giác bấp bênh.

Năm 2023, sau 15 năm ở nhà chăm lo gia đình, bà Fichter quay lại làm việc để kiếm thêm thu nhập cho con học đại học. Thế nhưng, số tiền bà kiếm được không đủ để bù đắp chi phí ngày càng lớn.

Dù sống tại khu vực có giá nhà phải chăng, các khoản chi khác vẫn là gánh nặng như tiền cho các con chơi thể thao đã lên tới 9.000 USD/năm. Hóa đơn điện nước nhà bà khoảng 500 USD/tháng, tăng thêm 200 USD so với 5 năm trước. Vợ chồng bà phải tự sửa chữa nhà cửa, xe cộ để tiết kiệm chi phí, thậm chí phải hoãn việc sơn lại nhà cũng sau khi nhận báo giá 10.000 USD.

“Nhà ở và giáo dục đã trở nên quá đắt đỏ”, bà Joanne Hsu, giám đốc khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan nhận định.

Theo khảo sát của trường, chỉ 26% những người có thu nhập trên 130.000 USD cảm thấy ổn định tài chính. Tuy nhiên, nhóm này cũng ngày càng lo lắng về thuế quan, lạm phát và cả nguy cơ mất việc.

Học giả Matt Killingsworth, Đại học Pennsylvania, cho biết hơn 25% người có thu nhập hộ gia đình từ 200.000 – 300.000 USD/năm cảm thấy “không hài lòng” hoặc “hoàn toàn không hài lòng” với tình hình tài chính.

Các khoản phí sinh hoạt, học tập hay vui chơi thể thao ở Mỹ ngày càng đắt đỏ. (Ảnh: SWJ)

Giáo sư Xavier Jaravel, Trường Kinh tế London, cho rằng về lý thuyết, đây đều là những người có thu nhập cao. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát, nhóm người giàu lại chịu tác động nhẹ hơn do cơ cấu tiêu dùng của họ. Họ chi tiêu nhiều cho ô tô hay vé máy bay, những mặt hàng có mức lạm phát thấp , và ít hơn cho điện nước, nhà ở.

Nhóm này cũng là đối tượng hưởng lợi chính từ sự gia tăng giá trị tài sản kể từ đại dịch. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tài sản ròng của nhóm 20% thu nhập cao nhất ở Mỹ tăng hơn 35.000 tỷ USD, tương đương 46% kể từ cuối năm 2019.

Tuy nhiên, cảm nhận về mức sống của họ dễ bị bóp méo khi sống cạnh những người thực sự giàu. Ở những khu vực đắt đỏ nhất nước Mỹ, mức thu nhập thuộc top 10% cũng không đủ mua nhà. Những căn nhà này thường rơi vào tay các gia đình có vốn lớn hoặc thu nhập hàng triệu USD.

Gia đình Shafonne và Jimmy Myers tại bang California là ví dụ điển hình. Dù có thu nhập khoảng 350.000 USD/năm, họ vẫn phải thuê nhà ở thành phố Temecula suốt từ năm 2019.

Trong 5 năm qua, giá nhà tại đây đã tăng 57%, vượt mức trung bình toàn nước Mỹ (45%). Để mua một căn nhà tương đương với chỗ ở hiện tại, họ cần đặt cọc 200.000 USD và trả góp hàng tháng cao hơn nhiều so với tiền thuê hiện tại là 3.600 USD.

“Ở California, muốn được xem là giàu, bạn phải kiếm ít nhất từ 1 – 2 triệu USD mỗi năm”, Jimmy, 43 tuổi, làm trong ngành logistics, cho hay.

Theo Fed, năm 2022, khoảng 90% hộ gia đình trong top 10% sở hữu nhà ở chính, giảm so với hơn 94% năm 2001. Nhiều người giàu vẫn ở lại căn nhà cũ vì từng vay được lãi suất thấp, giờ không đủ khả năng mua nhà lớn hơn với lãi suất mới.

Chi phí giáo dục đại học cũng là nỗi lo thường trực. Những gia đình thu nhập cao thường không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, nhưng cũng không đủ dư dả để chi trả học phí dễ dàng. Trong cộng đồng thu nhập cao, các lớp học kỹ năng có giá lên tới 40 USD/buổi, thanh thiếu niên chơi thể thao cũng rất tốn kém.

Matt Dougherty, 32 tuổi, cùng vợ rời thủ đô Washington trở về quê nhà Wilmington, để tìm nơi ở vừa túi tiền. Họ dốc hết tiền tiết kiệm mua được căn nhà 158 m2 vào năm 2021 với lãi suất 3%.

“Giờ thì tôi không đủ khả năng mua lại chính căn nhà của mình nữa”, anh nói.

Dù thu nhập gia đình khoảng 208.000 USD/năm, sau thuế còn lại 11.800 USD/tháng, phần lớn số tiền này dùng hết cho chi phí cố định, bao gồm nhà cửa, thực phẩm và chăm sóc hai con nhỏ, tổng cộng khoảng 9.000 USD. Khi phát sinh hóa đơn y tế lên đến hàng nghìn USD, họ buộc phải bán cổ phiếu và bitcoin để trang trải.

Dougherty cho biết thế hệ cha mẹ anh từng xem mức thu nhập này là giàu có. “Nhưng hiện tại, tôi phải cố gắng kiếm từng ấy tiền chỉ để con tôi có được tuổi thơ giống như tôi từng có, một tuổi thơ trung lưu ở vùng ngoại ô”, anh nói.

BÀI LIÊN QUAN