Thanh niên nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh

Phạm Sinh

Phóng viên

Một nam bệnh nhân 30 tuổi đang phải cấp cứu tích cực tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nghi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, xuất hiện hoại tử tứ chi, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.

Nam thanh niên phải đi cấp cứu vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh

Theo đó, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho bệnh nhân V.Đ.H 30 tuổi (trú tại Hải Phòng) trong tình trạng nguy kịch nghi do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.

Theo thông tin từ gia đình, anh H đã ăn tiết canh lợn khoảng ba ngày trước khi nhập viện.

Đêm hôm trước, anh vẫn liên lạc với gia đình nhưng không ai nghe máy. Đến sáng hôm sau, người thân phá cửa vào phòng thì phát hiện anh trong tình trạng lơ mơ, tím tái, tiêu chảy ra máu, lập tức được đưa đi cấp cứu.

Tại cơ sở y tế đầu tiên, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp nặng (60/40 mmHg), rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi và có các ban hoại tử lan rộng ở tứ chi. Dù đã được xử trí ban đầu nhưng tình trạng xấu nhanh, bệnh nhân được chuyển tuyến khẩn cấp đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và hiện đang được hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy.

Lien cau lon
Nam thanh niên đang trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh – ảnh: BVCC

Theo ThS.BS Lê Sơn Việt – Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, tiên lượng dè dặt do vi khuẩn liên cầu lợn gây tổn thương mạch máu, dẫn đến hoại tử mô và nguy cơ suy đa cơ quan.

Liên quan đến ca bệnh, bác sĩ Việt cảnh báo, liên cầu lợn là vi khuẩn nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong nhanh chóng chỉ sau 1 – 2 ngày phát bệnh. ”Việc ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín kỹ là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Người dân cần tuyệt đối tránh ăn các món tái sống, và nên đi khám ngay nếu có triệu chứng như sốt, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm nghi ngờ”- Bác sĩ Lê Sơn Việt khuyến cáo.

Nhiễm liên cầu lợn nguy hiểm như thế nào?

Liên cầu lợn (tên tiếng anh: Streptococcus suis) là một loại vi khuẩn Gram dương, hình hạt đậu có khả năng lây truyền từ lợn sang người. Đôi khi nó cũng được tìm thấy ở gia súc, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

Con đường lây truyền của liên cầu lợn từ lợn sang người là qua da bị rách khi chăm sóc lợn mắc bệnh hoặc xử lý thịt lợn mắc bệnh, qua giọt bắn đường hô hấp hoặc xâm nhập qua đường tiêu hóa sau khi ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín.

Liên cầu lợn ở người gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan. Trong đó, viêm màng não là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất.

Các đặc điểm biểu hiện của viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bao gồm: Đau đầu; Sốt; Nôn mửa; Các dấu hiệu màng não;  Mất thính lực chủ quan…

Bên cạnh đó những biểu hiện trên da gồm: chấm xuất huyết, ban xuất huyết và bầm máu, tất cả đều có thể lan rộng; bóng nước xuất huyết và hoại tử da (đặc điểm của ban xuất huyết tối cấp)

Đặc biệt, nhiễm liên cầu lợn có thể gây hoại tử ngón tay và ngón chân.

Tuy nhiên, các biểu hiện ít phổ biến hơn của nhiễm liên cầu lợn ở người bao gồm viêm nội tâm mạc cấp tính và bán cấp tính, viêm khớp sinh mủ cấp tính, viêm nội nhãn và viêm màng bồ đào, viêm đốt sống dính khớp, liệt vận nhãn ở thân não và áp xe ngoài màng cứng.

Nhiễm trùng liên cầu lợn ở người có thể được ngăn ngừa bằng cách tuân thủ các quy tắc cơ bản về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, bao gồm: Rửa kỹ tay, cánh tay và các bộ phận cơ thể sau mỗi lần tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn; Che vết thương hở bằng băng không thấm nước; Đeo găng tay khi thích hợp; Không để thịt lợn chưa nấu chín gần các thực phẩm đã nấu chín khác; Nấu thịt lợn đến nhiệt độ bên trong là 70° C hoặc cho đến khi nước thịt lợn trong và không màu hồng; Tuân thủ các quy tắc nhập khẩu thịt tại các cửa khẩu biên giới.

Đặc biệt, cần tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời trong trường hợp bị sốt sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn…

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN