Hôm 1/7 vừa qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện một vật thể chuyển động với tốc độ cực nhanh lao về phía Mặt Trời. Vật thể này được đặt tên là 3I/ATLAS. Điều khiến nó trở nên đặc biệt là quỹ đạo cho thấy nó đến từ bên ngoài Hệ Mặt Trời, tức là một thiên thể liên sao.
Đây là lần thứ ba trong lịch sử loài người chúng ta ghi nhận được một “vị khách liên sao” như vậy. Nhưng lần này, mọi chuyện trở nên ly kỳ hơn vì 3I/ATLAS sở hữu nhiều đặc điểm kỳ lạ.
Theo ước tính ban đầu, 3I/ATLAS đang di chuyển với tốc độ khoảng 245.000 km/giờ, nhanh nhất trong số các thiên thể từng được phát hiện trong Hệ Mặt Trời. Không chỉ vậy, nó còn có kích thước lớn, có thể lên đến 20 km và đặc biệt được cho là có tuổi thọ lâu hơn cả Mặt Trời.
Một số nhà khoa học cho rằng đây có thể chỉ là một khối băng đá cổ xưa, nhưng cũng có người đưa ra giả thuyết táo bạo hơn, cho rằng đây có thể là một tàu thăm dò từ nền văn minh ngoài Trái Đất.
Giáo sư Avi Loeb, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard (Mỹ), nổi tiếng với những giả thuyết gây tranh cãi, đã đăng một bài viết đặt câu hỏi liệu 3I/ATLAS có phải là “công nghệ ngoài hành tinh”. Trước đó, ông từng cho rằng thiên thể 1I/ʻOumuamua, vật thể liên sao đầu tiên phát hiện năm 2017, cũng có thể là thiết bị ngoài hành tinh.
Theo ông Loeb, điểm kỳ lạ nhất là quỹ đạo của 3I/ATLAS đi ngang qua các hành tinh như Kim Tinh, Hỏa Tinh và Mộc Tinh với khoảng cách bất thường. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ đây không chỉ là một thiên thể bay ngẫu nhiên.
Thực tế, nhân loại trên Trái Đất cũng từng gửi ra ngoài Hệ Mặt Trời một số tàu vũ trụ (như Voyager 1, Voyager 2 hay Pioneer 10 và 11) từ những năm 1970. Chúng được thiết kế để mang thông tin về Trái Đất đến các nền văn minh xa xôi (nếu có). Vì vậy, không thể loại trừ khả năng một nền văn minh khác cũng làm điều tương tự.
Nhưng nếu thực sự có một tàu thăm dò ngoài hành tinh xuất hiện, làm thế nào chúng ta có thể nhận ra nó? Theo các chuyên gia, bước đầu tiên là phải phát hiện được vật thể đó, điều không hề đơn giản vì hầu hết thiên thể trong không gian không tự phát sáng mà chỉ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Những vật thể lớn dễ phát hiện hơn, còn những thiết bị có kích thước chỉ vài mét như tàu thăm dò thì rất khó thấy, trừ khi nó tiến gần đến vùng giữa Mộc Tinh và Hỏa Tinh.
Nếu phát hiện được vật thể khả nghi, giới khoa học sẽ tiếp tục phân tích các dấu hiệu bất thường. Một thiên thể tự nhiên thường có đuôi khí như sao chổi, còn thiết bị nhân tạo có thể phát ra sóng vô tuyến, có dấu vết điện tích do ánh sáng Mặt Trời gây ra hoặc thậm chí tự thay đổi hướng di chuyển, như đang có hệ thống điều khiển.
Một điểm đặc biệt đáng lưu tâm là nếu vật thể đó tiếp cận Trái Đất theo quỹ đạo ổn định. Vì Trái Đất là hành tinh có nước, bầu khí quyển, từ trường và sự sống, nên nếu có thiết bị do thám thông minh, rất có thể nó sẽ muốn quan sát nơi đây.
Dù vậy, nếu không có bằng chứng rõ ràng, việc phân biệt đâu là thiên thể tự nhiên và đâu là công nghệ ngoài hành tinh vẫn còn là điều mơ hồ. 3I/ATLAS có thể chỉ là một khối băng đá cổ xưa, bay nhanh và đến từ nơi xa xôi nào đó. Nhưng nó giúp chúng ta có thêm cơ hội cải tiến phương pháp quan sát, đặt thêm câu hỏi và học hỏi thêm về vũ trụ rộng lớn, nơi có thể vẫn còn những điều vượt ngoài trí tưởng tượng.