Thành Đô nổi tiếng với lối sống chậm rãi, ẩm thực phong phú và môi trường sống thân thiện. Những thành phố kiểu như vậy từng bị chê vì nhịp sống chậm và nhàn nhã, không sôi động như các trung tâm khác của Trung Quốc.
Giờ đây, Thành Đô thu hút người trẻ nhờ chi phí sinh hoạt hợp lý, môi trường sống thân thiện và ít áp lực hơn so với các đô thị lớn. Ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, đã ngày càng nhiều người trẻ muốn từ bỏ nền văn hóa làm việc cạnh tranh khốc liệt tại các thành phố lớn và lựa chọn cuộc sống thoải mái hơn.
Những ngày làm việc bất tận để bám trụ cuộc sống ở những thành phố đông đúc với mức lương cao và sự nghiệp thăng hoa đã không còn là lựa chọn hàng đầu.
Sự hấp dẫn của thành phố cổ với lịch sử hơn 2300 năm phản ánh sự vỡ mộng của giới trẻ khi họ nhận thấy nền kinh tế không còn tạo ra nhiều cơ hội như thời cha mẹ họ.
Dù mức thu nhập tại Thành Đô thấp hơn, cơ hội thăng tiến cũng hạn chế hơn so với các thành phố lớn, nhưng chi phí sinh hoạt hợp lý và môi trường sống ít áp lực lại khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho người trẻ muốn tìm sự ổn định và tự do.
Wang Di, giáo sư lịch sử tại Đại học Macau, cho biết: “Thành Đô thân thiện hơn với giới trẻ về mọi mặt. Ông cho biết nhận thức tiêu cực về lối sống chậm đã thay đổi ở Trung Quốc sau đại dịch Covid-19, khi các thành phố như Thượng Hải bị phong tỏa trong nhiều tháng. Sự ổn định tương đối của cuộc sống hàng ngày ở Thành Đô từng được coi là buồn tẻ giờ đã trở nên hấp dẫn hơn.
Hơn thế nữa, trong khi chính phủ Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn mà Thành Đô vẫn có một cộng đồng LGBT sôi động, văn hoá hip-hop thịnh vượng, rất nhiều quán trà “rất chill” và nhiều không gian để “chữa lành”. Tất nhiên là cả những chú gấu trúc dễ thương bởi nơi đây chính là quê hương của loài “quốc bảo” Trung Quốc.
Thành Đô là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Dân số tại đây đã tăng 30% trong 5 năm qua lên 21,5 triệu người. Thị trường bất động sản cũng bùng nổ, trở thành điểm sáng hiếm hoi giữa cuộc khủng hoảng bất động sản toàn Trung Quốc.
Với dòng người di cư và hồi hương đổ về, giá nhà ở Thành Đô đã tăng nhanh hơn bất kỳ thành phố lớn nào khác ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy, kể từ năm 2021, giá nhà trung bình mỗi mét vuông đã tăng 16,8%, so với mức tăng trung bình 5,4% của 10 thành phố lớn tại Trung Quốc.
Hiện tại, khoảng 70% kinh tế Thành Đô đến từ ngành dịch vụ, bao gồm du lịch, ẩm thực và giải trí. Nhờ ít phụ thuộc vào sản xuất, thành phố này ít chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Thành phố sở hữu hệ sinh thái sáng tạo phát triển mạnh, bao gồm công nghiệp sản xuất game, âm nhạc và phim ảnh. Bộ phim hoạt hình “Na Tra 2” từng phá kỷ lục doanh thu phòng vé Trung Quốc được sản xuất tại đây.
Giá nhà tại Thành Đô cũng phù hợp hơn với mức thu nhập trung bình so với các đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Chẳng hạn, một căn hộ 2 phòng ngủ tại Thành Đô có thể thuê với giá khoảng 400 USD/tháng. Đây là mức giá chỉ đủ thuê một phòng trong căn hộ chung tại Bắc Kinh.
Trên hết, mọi người vẫn hướng đến Thành Đô vì vào thời điểm kinh tế bất ổn, họ muốn tận hưởng cuộc sống dễ chịu hơn.
Câu chuyện của những người như Treasure Wu, kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Thượng Hải, phản ánh xu hướng đó. Anh cho biết bản thân không hợp với cuộc sống ở Thượng Hải bởi giá thuê nhà đắt đỏ, tiếng địa phương khó hiểu, và nhanh chóng nhàm chán với thành phố này.
Quay về Thành Đô năm 2022, anh có thể mua căn hộ 300.000 USD, chỉ bằng 1/3 giá tại Thượng Hải mà vẫn đủ sống thoải mái. “Mức lương của tôi ở đây đủ để tôi mua bất cứ thứ gì tôi muốn. Tôi có cảm giác rất sung túc ở Thành Đô”.
Tương tự, Emma Ma, 30 tuổi, chuyển từ Bắc Kinh về Thành Đô để mở studio sản xuất MV âm nhạc cùng bạn trai. Cô thuê được nhà rộng rãi với giá chỉ khoảng 400 USD/tháng, lại có thể thuê người giúp việc giúp cô tận hưởng cuộc sống.
Trong khi đó, với giá này hầu như chỉ có thể thuê được một phòng ngủ trong một căn hộ ở ghép. “Tôi cảm thấy hạnh phúc ở đây không cần tốn quá nhiều tiền”, cô chia sẻ.