Cuối tháng, Bảo Anh (24 tuổi, người sáng tạo nội dung ở Hà Nội) lại rơi vào cảnh “ngủ đông” tài chính, cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu, chỉ đủ tiền đổ xăng và ăn mì gói chờ lương về. Đây là hậu quả của những lần cô tiêu tiền không kiểm soát cho những món đồ chỉ để bắt trend.
“Mình biết là không cần nhưng cứ thấy người nổi tiếng quảng cáo, hay lướt TikTok thấy ai đó review hay ho là lại không cưỡng được. Có khi chỉ là cây son, đôi giày, hay chiếc máy mát xa mặt, cứ thấy hay là lại cho vào giỏ hàng”, Bảo Anh chia sẻ.
Dù thu nhập không hề thấp, nhưng thói quen tiêu xài theo cảm xúc khiến rơi vào cảnh sống lay lắt chờ tiền lương về. “Tiếng ‘ting ting’ giống phao cứu nạn nhưng cũng như khởi đầu mới cho một vòng xoáy bất tận”, cô nói thêm, rồi tự cười gượng.
Không riêng Bảo Anh, nỗi ám ảnh mang tên “sống ảo” đang khiến nhiều người trẻ chi tiêu vượt quá khả năng, không hẳn vì nhu cầu thực sự, mà để giữ hình ảnh trước mắt người khác.
Tuấn Linh (26 tuổi, chuyên viên marketing tại Hà Nội) luôn xuất hiện chỉn chu trong những bộ đồ hàng hiệu, giày da bóng loáng và đồng hồ đắt đỏ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là những khoản nợ tín dụng ngày càng phình to.
“Tôi không phải tín đồ thời trang nhưng sợ cảm giác bị lù mờ trước bạn bè, đồng nghiệp”, anh nói. “Tôi không muốn bị tụt lại nên cứ cố quẹt thẻ tín dụng để đánh bóng bên ngoài, sau đó lại thấp thỏm nghĩ đến chuyện trả sau”.
Áp lực khẳng định bản thân, “trông cho bằng bạn bằng bè” không chỉ thể hiện ở ngoại hình hay hàng hóa. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền triệu, thậm chí chục triệu để săn vé concert thần tượng, vào nhà hàng đắt tiền để check-in hay du lịch sang chảnh chỉ để có kỳ nghỉ “lên hình cho đẹp”.
Tiến sĩ Tài chính Lê Thuỳ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đây hệ quả tất yếu từ một xã hội đang thúc đẩy người trẻ tiêu dùng cảm xúc thay vì tiêu dùng có ý thức.
Theo Tiến sĩ Thùy Anh, giới trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z, sinh ra và lớn lên cùng với internet, mạng xã hội, nền kinh tế kỹ thuật số. Ngay từ nhỏ, họ đã được “ngâm mình” trong một thế giới nơi giá trị con người được định nghĩa qua hình ảnh, trải nghiệm, và lượt tương tác.
Trong thế giới đó, việc mặc gì, ăn ở đâu, du lịch chỗ nào, đang dùng điện thoại đời mấy, gần như trở thành thước đo trực tiếp cho mức độ “đáng sống” và “đáng ngưỡng mộ”. Và để đạt được điều đó, tiêu dùng không còn chỉ là nhu cầu, mà đã trở thành một dạng “chứng minh xã hội”.
Nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử và tài chính tiêu dùng, cũng đang thúc đẩy người trẻ chi tiêu như một cách thể hiện bản thân.
“Ngay cả khi túi tiền không cho phép, các mô hình như ‘mua trước, trả sau’, ‘trả góp 0%’, hay thẻ tín dụng giờ đây không còn là công cụ hỗ trợ tài chính, mà trở thành ‘cái bẫy ngọt ngào'”, Tiến sĩ Lê Thùy Anh cho hay.
Không chỉ là sự dễ dãi của hệ thống, tâm lý cũng góp phần không nhỏ vào vòng xoáy này. Tiến sĩ Tâm lý học Đào Thị Diệu Linh, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Thông thường ai cũng có nhu cầu tự khẳng định bản thân, nhưng với giới trẻ, nhu cầu này mạnh mẽ và nhiều trường hợp sẽ định hướng vào các đặc điểm bên ngoài”.
Bà chỉ ra rằng hiệu ứng “Sợ bị bỏ lỡ” (FOMO) cũng là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng quá mức: “Việc sử dụng mạng xã hội và liên tục tiếp cận với những quảng cáo, những hình ảnh tiêu dùng sang chảnh từ bạn bè, từ những nhân vật nổi tiếng… tạo áp lực cho các bạn trẻ phải theo kịp để khẳng định bản thân và không bị out khỏi nhóm, và thậm chí họ không muốn bị bỏ lỡ những xu hướng mới được nhiều người chấp nhận”.
Tiến sĩ Linh lưu ý thêm yếu tố tâm lý thỏa mãn niềm vui tức thì và cảm giác xứng đáng được hưởng thụ sau khi hoàn thành công việc (“Work hard, play hard” mentality). “Việc chúng ta xả stress sau một quá trình làm việc và tự thưởng cho bản thân là việc làm cần thiết, giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên, việc hưởng thụ quá khả năng tài chính thì chẳng còn gì ngoài mệt mỏi và nợ nần”, bà nói.
Vòng xoáy tiêu xài – cảm xúc – nợ nần
Tiến sĩ Lê Thùy Anh cảnh báo việc chi tiêu vượt khả năng tài chính không chỉ khiến người trẻ rơi vào cảnh nợ nần, mà còn gây ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý và chất lượng sống.
“Hậu quả dễ thấy nhất là áp lực nợ nần”, bà Thùy Anh nói. “Mỗi tháng bạn phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ chỉ để ‘giữ mình không bị phạt’. Điều đó khiến phần lớn thu nhập không được dùng để sống, mà để trả nợ cho quá khứ”.
Theo tiến sĩ, điều này không chỉ ảnh hưởng về tài chính mà còn kéo theo cảm giác tự ti, lo âu, thậm chí là trầm cảm. “Có những người tránh gặp gỡ bạn bè vì sợ bị hỏi chuyện tiền bạc. Có người mất ngủ vì tới hạn trả nợ. Đó không còn là tiêu dùng, mà là tự đẩy mình vào căng thẳng triền miên”.
Về pháp lý, nhiều bạn trẻ còn vướng vào những khoản vay tín dụng đen hoặc app tài chính lãi suất cao, dẫn đến bị đòi nợ phi pháp, bị quấy rối, đe doạ hoặc bôi nhọ trên mạng xã hội. Một số trường hợp thậm chí đã phải đối mặt với kiện tụng, mất uy tín cá nhân hoặc hồ sơ tín dụng xấu suốt nhiều năm.
Tệ hơn, hệ quả dài hạn là sự đánh đổi các cơ hội phát triển cá nhân. Khi đã “mắc kẹt” trong vòng xoáy tài chính, người trẻ sẽ không còn đủ dư địa để tiết kiệm, đầu tư cho kỹ năng, mua bảo hiểm, hay phòng khi biến cố.
Tiến sĩ Đào Thị Diệu Linh chỉ ra trường hợp người mua 5 – 6 món đồ một lúc, nhưng không nhớ mình đã mua gì. Việc chi tiêu vượt quá khả năng tài chính khiến cô phải sử dụng thẻ tín dụng và vay mượn, dẫn đến khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
“Khi nợ nần chồng chất, họ rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài, bất ổn cảm xúc và xa lánh xã hội”, bà nói.
Theo nghiên cứu của nhà xã hội học người Đức Anja Achtzige, khó khăn tài chính phát sinh do chi tiêu quá mức và nợ quá mức và thường dẫn đến nghèo đói, cản trở mạnh mẽ sự hài lòng trong cuộc sống, hạnh phúc và sức khỏe của mọi người.
Nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra hệ luỵ về mặt tâm lý và các vấn đề sức khoẻ tâm thần khác như sự buồn bã chán nản, cảm giác tội lỗi, không hài lòng về cuộc sống hoặc các vấn đề như trầm cảm, chứng nghiện mua sắm hay mua sắm cưỡng chế.
Đầu tư vào tri thức
Theo Tiến sĩ Tài chính Lê Thùy Anh, trong thời đại mà quảng cáo và mạng xã hội không ngừng thúc đẩy hành vi mua sắm, người trẻ cần xem quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng sinh tồn. “Bạn không cần sống khổ, nhưng nhất định phải sống tỉnh”, bà nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, trước tiên, người trẻ cần xây dựng tư duy tài chính chủ động: chia thu nhập theo các tỷ lệ hợp lý, xác lập mục tiêu cho từng khoản chi và đặc biệt phải ưu tiên tiết kiệm, dù là số tiền nhỏ.
Đồng thời, nên rèn thói quen ghi chép chi tiêu mỗi ngày, để hiểu rõ dòng tiền của chính mình đang chảy về đâu.
Với những người đã vướng nợ, Tiến sĩ Lê Thùy Anh cho rằng đối diện và xử lý dứt điểm là cách duy nhất để lấy lại sự tự do tài chính. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của kiến thức: “Hãy đầu tư vào hiểu biết tài chính như cách bạn đầu tư vào ngoại hình, học cách phân biệt tín dụng lành mạnh và tín dụng bẫy. hiểu sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Kiến thức là nền tảng để bạn không bị thị trường dắt mũi”.
Ở góc độ tâm lý, Tiến sĩ Đào Thị Diệu Linh nhấn mạnh người trẻ cần định vị lại giá trị bản thân. “Việc ăn mặc gọn gàng, chỉn chu là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc đồ chúng ta mặc phải là hàng hiệu, đồ xa xỉ mới có thể khẳng định được bản thân”, bà nói.
Theo Tiến sĩ Linh, thay vì chạy theo hàng hiệu hay so sánh xã hội, người trẻ nên tập trung đầu tư vào trải nghiệm, tri thức, xây dựng giá trị nội tại. Một số cách thực tiễn có thể áp dụng là giới hạn thời gian dùng mạng xã hội, tránh theo dõi các nội dung kích thích mua sắm, và luyện khả năng kiểm soát cảm xúc qua các quy tắc như “tạm hoãn 24h” trước khi quyết định mua bất cứ món gì.
“Đôi khi, biết dừng lại trước một món đồ không cần thiết chính là bước đầu tiên để bắt đầu làm chủ cuộc sống của mình”, bà Linh chia sẻ.
Chuyên gia khuyến cáo trường hợp đã nỗ lực nhưng vẫn không kiểm soát được việc chi tiêu quá mức, các cảm xúc tiêu cực vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, lúc đó nên cần đến sự hỗ trợ có thể từ người thân và các chuyên gia.