Tại một phòng khám sản phụ khoa ở Hà Nội, chị Nguyễn Ngọc Oanh (32 tuổi) vừa bước ra từ phòng siêu âm, gương mặt không giấu nổi sự thất vọng.
Chị chia sẻ:“Lại con gái. Mình thì không sao, nhưng mẹ chồng và chồng thì muốn có con trai nối dõi, vì đứa đầu đã là con gái rồi. Mình thấy áp lực lắm!”
Áp lực từ quan niệm “trọng nam, khinh nữ” đã khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần ngay trong chính những tháng ngày lẽ ra phải được đợi chờ trong hạnh phúc.
Câu chuyện của chị Oanh chỉ là một trong vô số những ví dụ, cho thấy tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn ăn sâu trong nhận thức của nhiều gia đình, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nếu không có giải pháp kịp thời, dự báo đến năm 2034, Việt Nam có thể thừa tới 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.
Khi đó, viễn cảnh “dư thừa đàn ông, thiếu phụ nữ” sẽ không chỉ là con số thống kê mà trở thành những vấn đề xã hội nan giải: Gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, các tệ nạn như tảo hôn, mại dâm; bạo lực gia đình, bất ổn tâm lý xã hội do khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.v.v. và nhiều vấn đề khác.
Con cái là món quà, không phải dự án để chọn lựa
Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Cục Dân số – Bộ Y tế), việc lựa chọn giới tính khi sinh không phải là quyền, mà là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức.
“Việc can thiệp lựa chọn giới tính không chỉ gây hại cho xã hội, mà còn đặt gánh nặng vô hình lên chính đứa trẻ sinh ra theo kỳ vọng giới.”, ông nói.
Hạnh phúc không nằm ở giới tính của con, mà ở tình yêu thương, sự bình đẳng và sự trưởng thành của từng thành viên trong gia đình.
Dù là trai hay gái, mỗi đứa trẻ đều có giá trị riêng và nếu được nuôi dạy tốt, đều có thể trở thành những con người tử tế, và là niềm tự hào của cha mẹ.
Bác sĩ Mai Xuân Phương nhấn mạnh: “Con cái là món quà của tạo hóa, không phải một dự án để tính toán hay lựa chọn. Sinh con đừng chọn giới, hãy chọn yêu thương”.
Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày nay không chỉ đảm đang việc nhà mà còn khẳng định vị trí vững chắc trong xã hội. Họ độc lập, tự chủ về tài chính và thành công trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều người con gái quan tâm, chăm lo cho cha mẹ, thậm chí hỗ trợ về kinh tế cho các thành viên trong gia đình không kém con trai, khẳng định lòng hiếu nghĩa không phụ thuộc vào giới tính.
“Yêu con không nên có điều kiện, càng không nên đặt điều kiện là giới tính. Gia đình hạnh phúc là gia đình biết trân trọng từng thành viên, không phân biệt giới. Trẻ em gái có thể thành đạt và làm rạng danh gia đình như bất kỳ ai”, Bác sĩ Mai Xuân Phương nhấn mạnh.
Truyền thông cần chạm đến trái tim
Để thay đổi nhận thức xã hội, bác sĩ Mai Xuân Phương khuyến nghị công tác truyền thông cần phải đi vào đời sống, sử dụng ngôn ngữ cảm xúc, gần gũi với người dân.
“Cục Dân số nên truyền tải thông điệp này bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc, gần gũi với đời sống, kết hợp linh hoạt các kênh hiện đại như video, phim ngắn, MV ca nhạc, đồng thời đẩy mạnh truyền thông cộng đồng qua băng rôn, tờ rơi… để lan tỏa đến từng gia đình”, vị bác sĩ đưa ra gợi ý.
Thời nay, sinh con và nuôi dạy con trưởng thành là hành trình không ít gian nan, nhiều áp lực nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc.Vì vậy, dù con chào đời là trai hay gái, đó vẫn luôn là niềm vui lớn, là món quà quý của gia đình và dòng họ.
Hãy để niềm hạnh phúc làm cha mẹ khởi nguồn từ tình yêu thương trọn vẹn, không bị ràng buộc bởi những định kiến lạc hậu về giới tính.
Bởi quyết định về việc sinh con hôm nay sẽ góp phần duy trì cân bằng giới tính và bảo đảm sự ổn định, an ninh xã hội cho thế hệ mai sau.