“Tôi là ‘ngọn lửa’, tôi đã cố gắng cháy hết mình. Giờ đây, khi ngọn lửa sắp tắt, tôi chọn cách này để ra đi thanh thản. Những điều tôi muốn nói đều đã được ghi lại trong video ‘Khi bông tuyết rơi’. Hy vọng bạn bè của tôi sẽ xem video nhiều lần để hiểu hết những gì tôi muốn diễn đạt” – Đây là những lời nhắn gửi cuối cùng trong video dài 2 phút 06 giây mà Quỳnh Dao đăng trên mạng xã hội trước khi rời khỏi thế giới này.
Trong video, bà mặc một bộ đồ đỏ, nền video lướt qua những hình ảnh tuyết rơi, sóng lớn, những hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm suốt đời của bà, cuối cùng kết thúc bằng những bông pháo nở rộ. Trong di thi, nữ nhà văn cũng an ủi người hâm mộ không nên quá đau buồn vì cái chết của mình, hãy mỉm cười vì ở trên thiên đường, bà cũng đang nhảy múa cùng muôn ngàn vì tinh tú.
Nhà văn thời nhà Thanh, Thẩm Phục, đã đề cập trong “Phù sinh lục ký”: “Tình thâm bất thọ, thọ cực tất thương”. (Mối tình sâu đậm thường không kéo dài, người quá thông minh ắt sẽ bị tổn thương – Lược dịch).
Trước khi qua đời, trong di thư, Quỳnh Dao cũng đã nhắc đến việc không muốn trở thành “người già nằm trên giường sống nhờ ống thở”, vì vậy bà chọn cách ra đi một cách thanh thoát. Nhưng đây chỉ là sự lựa chọn cá nhân của bà, bà không quên nhắc nhở mọi người: “Đừng dễ dàng từ bỏ cuộc sống, dũng cảm và sống một cuộc đời rực rỡ, đừng phụ lòng khi đã đến thế gian này”.
Nhiều người dùng mạng cảm thán, nữ nhà văn ra đi “để lại sự dịu dàng cuối cùng”. Quỳnh Dao đã kết thúc cuộc đời của mình theo cách “Quỳnh Dao” nhất.
Bà cũng để lại một khối tài sản khổng lồ. Theo báo chí, sau khi chồng bà – ông Bình Hâm Đào qua đời vào năm 2019, bà Quỳnh Dao đã được thừa kế một bất động sản trị giá 600 triệu nhân dân tệ và Công ty điện ảnh Hoàng Quán thuộc Tập đoàn Văn hóa Hoàng Quán. Ước tính tài sản của bà lên tới hơn 25 tỷ nhân dân tệ..
Khối tài sản hàng chục tỷ
Quỳnh Dao có tên thật là Trần Triết, bút danh được lấy từ “Kinh Thi· Vệ Phong”: “Đầu ngã dĩ mộc đào. Báo chi dĩ quỳnh dao”. Bà sinh ngày 20/4/1938 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Cha bà là Trần Trí Bình, giáo sư Sử học tại trường Đại học Quốc lập Sư phạm còn mẹ là môn đệ thư hương.
Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống văn học, Quỳnh Dao là họ hàng xa của nhà văn Kim Dung, và cũng là cháu gái của nhà thơ Từ Chí Ma.
Nhìn lại nửa thế kỷ qua, nữ nhà văn được mệnh danh là “mẹ đẻ tiểu thuyết tình cảm” nổi bật và có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Bao gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, Quỳnh Dao đã sáng tác khoảng 100 tác phẩm trong suốt cuộc đời, những tác phẩm tiêu biểu của bà có “Hoàn Châu Cách Cách”, “Song Ngoại”, “Hãy ngủ yên tình yêu”, ” Đình Viện Thâm Thâm”, ” Kỷ Độ Tịch Dương Hồng”, “Người vợ câm”, “Dòng Sông Ly Biệt” và nhiều tác phẩm khác, thời kỳ sáng tác cao trào tập trung từ những năm 60 đến 90 của thế kỷ trước.
Dù là thế hệ 70, 80 hay 90, trong thời học sinh hẳn ai cũng thường giấu vài tập truyện Quỳnh Dao trong ngăn bàn, tranh thủ lúc giáo viên không chú ý, lén lút xem vài trang.
Tác phẩm của Quỳnh Dao đã định hình quan niệm tình yêu của nhiều thế hệ, tạo ra những viễn cảnh tình yêu cho những người trẻ chưa từng yêu. Bà đã xây dựng một “hệ tư tưởng tình yêu Quỳnh Dao”, đồng thời cũng tạo ra giá trị thương mại khổng lồ.
Vào những năm 90, Nhà xuất bản Hoa Thành đã mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của Quỳnh Dao, phí bản quyền đã lên tới hơn 3 triệu nhân dân tệ. Theo “Phượng Hoàng Tuần San”, nếu tính cả số lượng bản sao lậu, tổng thu nhập từ các tác phẩm của Quỳnh Dao xuất bản tại Trung Quốc ước tính đạt 8 triệu nhân dân tệ.
Thu nhập của bà chủ yếu đến từ các bản quyền chuyển thể phim và băng đĩa. Trong suốt cuộc đời, tác phẩm văn học của bà đã được chuyển thể thành 80 bộ phim truyền hình.
Ngay từ năm 1965, khi 27 tuổi, tiểu thuyết của Quỳnh Dao đã bắt đầu được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh. Năm 1967, Công ty Điện ảnh Thiệu Thị đã làm lại ba bộ phim của Quỳnh Dao. Bà nhận ra đây là con đường tạo ra lợi nhuận khổng lồ, vì vậy vào cuối những năm 1970, cùng với chồng Bình Hâm Đào và Thịnh Trúc Như, bà đã thành lập Công ty Điện ảnh Đại Tinh, chuyên sản xuất các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình.
Trước năm 2007, doanh thu từ bản quyền băng video và quyền phát sóng truyền hình của các bộ phim Quỳnh Dao chỉ riêng tại thị trường đại lục đã vượt quá 2 tỷ nhân dân tệ.
Giá trị mà các bộ phim truyền hình tạo ra không thể đo đếm – vào thời kỳ đỉnh cao của các bộ phim Quỳnh Dao, chỉ riêng bản quyền của ba bộ “Hoàn Châu Cách Cách” đã vượt 100 triệu nhân dân tệ. Nếu cộng thêm doanh thu bản quyền từ nước ngoài, chỉ riêng IP “Hoàn Châu Cách Cách” đã mang lại cho Quỳnh Dao hơn 500 triệu nhân dân tệ. Ngoài “Hoàn Châu Cách Cách”, còn nhiều bộ phim khác nổi tiếng trong khu vực Hoa Ngữ, tổng doanh thu bản quyền từ tất cả các bộ phim truyền hình của bà ước tính vượt 1 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, Tập đoàn văn hóa Hoàng Quán mà bà và chồng điều hành đã có tổng doanh thu vượt 2,2 tỷ nhân dân tệ, thông tin này chưa được công ty xác nhận. Quỳnh Dao – với tư cách là nhà văn cốt lõi của công ty này, đã đóng góp một khối tài sản khổng lồ.
“Xưởng đào tạo ngôi sao”
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, loạt phim “Hoàn Châu Cách Cách” đã ra mắt, Tiểu Yến Tử, Tử Vy, Ngũ A Ca, Nhĩ Khang… những nhân vật trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao đã sống động trên màn ảnh nhỏ với những câu chuyện tình yêu đầy màu sắc.
Ảnh hưởng của bộ phim này có thể nói là khiến mọi người đổ xô theo dõi: vào thời điểm đó, một gia đình ba thế hệ đã cùng nhau xem phim sau bữa tối, trẻ em dù bị yêu cầu đi ngủ sớm hoặc nhanh chóng làm bài tập cũng bị cuốn hút bởi cốt truyện hấp dẫn. Tại các cửa hàng văn phòng phẩm trên phố, lúc đó các sản phẩm văn hóa chưa nhiều, nhưng những hình dán in hình các nhân vật trong “Hoàn Châu Cách Cách” đã có mặt khắp nơi. Poster của Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng trở thành hàng hot trong các cửa hàng sản phẩm âm nhạc văn nghệ.
Phần đầu tiên của “Hoàn Châu Cách Cách” sau khi phát sóng tài Trung Quốc đã đạt tỷ suất người xem cao nhất vượt 62,8%, và giành giải thưởng phim truyền hình xuất sắc nhất tại Giải thưởng Kim Ưng Trung Quốc lần thứ 17.
Bà đã gắn liền với ngành công nghiệp điện ảnh một nhãn hiệu khác là “Quỳnh Nữ Lang”.
Những ngôi sao được gọi là “Quỳnh Nữ Lang” thế hệ đầu tiên bao gồm: Lâm Thanh Hà, Lâm Phượng Kiều, và tất nhiên cũng có các nam diễn viên như Đặng Quang Vinh, Tần Hán. Vào tháng 8/1973, bộ phim đầu tay của Lâm Thanh Hà “Bên ngoài cửa sổ” đã ra mắt và ngay lập tức nổi tiếng khắp nơi.
Vào những năm 80, Quỳnh Dao đã chuyển từ điện ảnh sang truyền hình, và thế hệ thứ hai của “Quỳnh Nữ Lang” đã ra đời: Lưu Tuyết Hoa, Trần Đức Dung đều nổi bật trong thời gian này, cùng với các nam diễn viên nổi tiếng như Lâm Thụy Dương, Mã Cảnh Đào.
Từ giữa những năm 90, các bộ phim Quỳnh Dao như một cơn lốc cuốn trôi ngành công nghiệp điện ảnh, đưa “cơn sốt Quỳnh Dao” lên đỉnh điểm. Với sự phát sóng của “Hoàn Châu Cách Cách” và “Tân dòng sông ly biệt”, các nhân vật chính lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng.
Lấy ví dụ như Tô Hữu Bằng, khi quay phần đầu tiên của “Hoàn Châu Cách Cách”, thù lao cho mỗi tập là 2000 nhân dân tệ, tổng thu nhập khoảng 40.000 nhân dân tệ cho toàn bộ bộ phim dài khoảng 20 tập. Đến năm 2004, khi quay “Dương Môn Hổ Tướng”, thù lao cho mỗi tập đã lên tới 10.000 nhân dân tệ, cho thấy khả năng lăng xê ngôi sao của các bộ phim Quỳnh Dao mạnh mẽ như thế nào.
Sau khi hoàn thành “Hoàn Châu Cách Cách”, số lượng hợp đồng quảng cáo của Tô Hữu Bằng cũng tăng vọt. Năm 2004, anh đã liên tiếp ba năm làm đại diện cho một thương hiệu giày, với thù lao một năm là 2,6 triệu đô la Hong Kong.
Bước vào thế kỷ mới, các bộ phim làm lại như “Hoàn Châu Cách Cách” đã mang lại cho Tần Lam, Lý Thạnh, Hải Lục danh hiệu “Quỳnh Nữ Lang” thế hệ mới. Đến nay, hầu hết các “Quỳnh Nữ Lang” trong suốt nửa thế kỷ qua, sau khi nổi tiếng, vẫn giữ vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp điện ảnh Hoa ngữ nói riêng.
Dấu ấn Quỳnh Dao vẫn còn “âm ỉ”
Ngày nay, khi quan niệm về tình yêu và hôn nhân đã thay đổi, độc giả và khán giả đã có phần hơi ngán với các tác phẩm “Quỳnh Dao” – những “bong bóng hồng” lãng mạn không thực tế, thậm chí cốt truyện thiếu logic.
Nhưng mỗi khi đến kỳ nghỉ đông và hè, một số đài truyền hình vẫn phát lại các bộ phim Quỳnh Dao dày đặc, tỷ suất người xem vẫn không ngừng tăng – ví dụ, đài truyền hình Hồ Nam vào kỳ nghỉ đông năm 2018 đã phát lại “Hoàn Châu Cách Cách”, sau khi phát sóng, tỷ suất người xem đã vươn lên vị trí số một trong khung giờ ban ngày của đài cấp tỉnh.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, bất kể là video, Douyin hay Bilibili, các tác phẩm sáng tạo liên quan đến các bộ phim Quỳnh Dao vẫn liên tục xuất hiện. Nhiều người sẽ tự thêm một cái kết mà họ hài lòng cho những “nỗi niềm khó quên” trong các bộ phim trước đây. Giá trị văn hóa và giá trị thương mại của các tác phẩm Quỳnh Dao vẫn đang tiếp tục phát triển.
Đối với nhiều độc giả, khán giả đã trưởng thành hoặc gần đến tuổi trung niên, việc xem lại các bộ phim cũ không chỉ là hồi tưởng lại cốt truyện, mà còn có nghĩa là hồi tưởng lại một thời thanh xuân đầy hoài niệm, bồng bột nhưng cũng đầy ngọt ngào.
Trong khi đang lạc lối trong thực tại, những người đương đại vẫn sẵn lòng thỉnh thoảng trở lại thế giới mà Quỳnh Dao đã xây dựng, để một lần nữa mơ mộng.