Giữa lòng thành phố, nơi những quán ăn hiện đại và sang trọng mọc lên như nấm sau mưa, có một góc nhỏ mang đến cho thực khách trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Đó là quán cơm “bao cấp” của anh Đặng Văn Lâm tại quận 12, TP.HCM, nơi không chỉ có những bữa ăn đậm chất truyền thống mà còn lưu giữ lại những ký ức một thời bao cấp.
Anh Đặng Văn Lâm, chủ nhân của quán cơm nói trên, là một người con đất Phú Yên, với tuổi thơ từng trải qua thời kỳ gian khó nên khi trưởng thành, anh luôn ấp ủ một ước mơ mở một quán cơm mang đậm hương vị quê nhà, nơi những người con xa xứ có thể tìm về một chút ký ức, một chút hương vị của thời bao cấp. Từ đó, quán cơm bao cấp tại quận 12 ra đời, như một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Anh Đặng Văn Lâm chủ của quán cơm bao cấp vô cùng độc đáo tại Sài Gòn.
Không gian độc đáo, đầy hoài niệm
Bước vào quán cơm của anh Lâm, điều đầu tiên khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ chính là không gian trang trí đậm chất bao cấp. Từ những bộ bàn ghế làm từ gỗ, tre đơn sơ, những tấm áp phích cổ động của một thời, đến những chiếc đèn dầu, quạt tai voi, tất cả đều gợi nhớ về một thời gian khó khăn nhưng đầy ấm áp.
Quán được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tre nứa, vách đất đậm màu sắc của những căn nhà quê vào thập niên 70-80.
Anh Lâm đã tỉ mỉ sưu tầm từng món đồ, từng chi tiết nhỏ nhất để tái hiện lại không khí của những năm tháng xưa cũ. Đối với anh những món đồ trang trí tại quán không thể đong đếm bằng tiền được vì những món đồ này là ký ức tuổi thơ quý báu không chỉ cho riêng anh mà đối với rất nhiều người.
Những đồ dùng mang đậm ký ức một thời được trang trí khắp nơi trong quán ăn.
Điểm nhấn của quán không chỉ nằm ở không gian mà còn ở thực đơn phong phú, đa dạng và đặc biệt là giá cả vô cùng phải chăng. Những món ăn tại đây đều là những món ăn dân dã, quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại được chế biến theo cách truyền thống, giữ nguyên hương vị của thời bao cấp. Thực đơn gồm những món như cơm độn khoai, canh rau dền, thịt kho tàu, cá kho tộ, đậu hũ chiên…
Những món ăn nhìn thì quá quen thuộc nhưng lại gợi cho mỗi chúng ta về quá khứ và tình cảm gia đình.
Trái cây miễn phí tại quán.
Điều đặc biệt là mỗi món ăn tại quán đều được chế biến tỉ mỉ, chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến cách nấu nướng. Anh Lâm chia sẻ: “Tôi muốn mỗi thực khách khi đến đây không chỉ được ăn ngon mà còn cảm nhận được tâm huyết, tình cảm của người nấu ăn qua từng món ăn và nhất là sẽ tìm lại được 1 mảnh ký ức quá khứ thông qua các món ăn”.
Kết nối quá khứ và hiện tại
Đối với nhiều người, quán cơm của anh Lâm không chỉ là nơi để ăn uống mà còn là nơi để nghe và kể những câu chuyện. Anh Lâm luôn sẵn sàng chia sẻ với khách hàng về những kỷ niệm, những khó khăn và cả niềm vui trong thời bao cấp. Mỗi câu chuyện của anh không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm ẩm thực mà còn giúp thực khách hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của đất nước.
Chính vì vậy, quán cơm của anh Lâm đã đón tiếp những thực khách lớn tuổi ở tận Đồng Nai hay Bình Dương, Long An đã vượt hàng chục km chỉ để đến đây ăn 1 bữa cơm. Đây là niềm hạnh phúc vô bờ bến của anh Lâm, cũng là động lực để anh cố gắng hơn nữa để nâng cấp chất lượng quán.
Từ cái ô cửa sổ đến rèm cửa và cái quạt tai voi đã gắn liền với ký ức mỗi người Việt.
Chiếc xe đạp “quý” của thời bao cấp được anh Lâm đặt ngay trước cửa quán.
Không chỉ có người lớn tuổi, những người đã trải qua thời bao cấp, mà cả những bạn trẻ cũng rất yêu thích quán cơm của anh Lâm. Nhiều bạn trẻ tìm đến đây để trải nghiệm, để hiểu thêm về cuộc sống của ông bà, cha mẹ mình. Họ không chỉ đến để ăn mà còn để chụp ảnh, để lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong một không gian đặc biệt.
Một thực khách trẻ chia sẻ: “Đến quán cơm bao cấp của anh Lâm, mình như được sống lại thời ông bà, bố mẹ. Mỗi món ăn, mỗi vật dụng ở đây đều mang lại cho mình cảm giác ấm áp và gần gũi”.
Một nét đặc biệt nữa tại quán cơm bao cấp đó là quán được trang bị những chiếc loa phát thanh với những bài nhạc và bản tin của thập niên 70-80 khiến các thực khách khi đến đây giống như đã đi lạc vào quá khứ.
Chiếc loa phát thanh công cộng mà ai đã trải qua thời kỳ bao cấp chắc hẳn khó quên được.
Những đồ vật gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người Việt một thời.
Có thể nói quán cơm bao cấp của anh Đặng Văn Lâm không chỉ là một địa điểm ẩm thực độc đáo mà còn là nơi kết nối quá khứ và hiện tại, là nơi những giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Anh Lâm hy vọng rằng, qua quán cơm này, anh có thể góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn và truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Thực hiện: Thanh Nam