Bác sĩ khuyến cáo về dấu hiệu và các biến chứng nguy hiểm của bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch
Theo các bác sĩ (BS) tại BV TP Thủ Đức, trong thời gian gần đây khoa Nhi của BV liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch với các triệu chúng ban đầu biểu hiện không rõ ràng dẫn tới chẩn đoán khó khăn và không được theo dõi đầy đủ.
Một số ca bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch đang được điều trị tại BV TP Thủ Đức – ảnh: BVCC
Điển hình là bé trai T.T.P (41 tháng tuổi) nhập viện với triệu chứng nôn ói, đau bụng, sau đó xuất hiện các mảng bầm rải rác ở tay chân và vành tai.
Đặc biệt, tình trạng bệnh nhi nhanh chóng trở nặng khi bé bị sưng nề mu bàn tay, chân, sưng mắt phải và vùng bìu, nôn ói nặng hơn, đau bụng nhiều, quấy khóc. Tuy nhiên, nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời nên sau đó bệnh nhi đã hồi phục tốt, được xuất viện và theo dõi mỗi tháng để kịp thời phát hiện tổn thương thận.
Một trường hợp khác như bé gái T.T.N (5 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), trước khi đến BV đã khám tại nhiều nơi và được chẩn đoán từ viêm mô bào đến thiếu vi chất.
Hay bé trai L.Q.K (11 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), ban đầu chỉ phát ban không rõ, theo dõi dị ứng, cho đến khi xuất hiện ban điển hình và sưng khớp mới được phát hiện đúng bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, theo BS Phạm Thị Mỹ Anh – khoa Nhi BV TP Thủ Đức, điều đáng lo ngại là những là những trường hợp này khởi đầu là đau bụng, chưa phát ban hoặc phù khu trú với ban không điển hình dẫn tới chẩn đoán nhầm với các bệnh lý đường ruột, viêm mô tế bào hoặc thiếu vitamin, dẫn đến điều trị không đúng.
“Điều quan trọng nhất trong theo dõi bệnh này là phát hiện sớm tổn thương thận, nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và có khả năng dẫn đến bệnh thận mạn tính” – BS Mỹ Anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, triệu chứng điển hình của bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch bao gồm: Ban xuất huyết gồ trên bề mặt da, viêm khớp, tổn thương đường tiêu hóa (đau bụng, xuất huyết tiêu hóa…) và tổn thương thận. Những biểu hiện này có thể diễn tiến từ vài ngày tới vài tuần, trình tự xuất hiện các triệu chứng thay đổi tùy trường hợp.
Cùng với đó, các tổn thương ngoài thận có thể nặng nhưng thường không để lại hậu quả lâu dài, chỉ có tổn thương tại thận là cần theo dõi suốt đời vì có thể dẫn tới suy thận mạn.
Đặc biệt, nguy cơ tổn thương thận tăng cao ở những trẻ trai khởi phát bệnh sau độ tuổi 7-8, khi ban da kéo dài trên 1 tháng, có triệu chứng tiêu hóa nặng và ban tái phát nhiều lần.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để phòng ngừa tổn thương thận, vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không được tự ý điều trị tại nhà khi thấy trẻ có ban mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám.
Song song với đó, phụ huynh phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tái khám định kỳ đến ít nhất 6 tháng đầu sau khi khởi bệnh, ngay cả khi trẻ đã khỏe mạnh.
“Việc theo dõi sát và tái khám đúng hẹn là vô cùng quan trọng. Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy con đã hết ban, nhưng tổn thương thận có thể âm thầm phát triển mà không có dấu hiệu rõ ràng” – BS Phạm Thị Mỹ Anh khuyến cáo.
Cách phòng ngừa bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch
Bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu tiêm chủng và vệ sinh đúng cách – ảnh minh họa
Theo nhiều chuyên gia y tế, để phòng ngừa bệnh ban xuất huyết Schonlein- Henoch và các bệnh tương tự khác, phụ huynh cần chú ý các vấn đề sau đây:
Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng ngừa hiệu quả nhất đối với các loại bệnh sốt phát ban gây ra bởi virus như sởi, rubella, thủy đậu, ban xuất huyết Schonlein- Henoch… theo đúng lịch trình tiêm chủng quốc gia.
Giữ vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với người bệnh; Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy để tránh lây lan vi khuẩn và virus; tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng, nơi dễ xâm nhập của virus.
Giữ môi trường sống sạch sẽ: Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ dùng cá nhân và bề mặt mà trẻ tiếp xúc; Luôn đảm bảo nhà cửa, phòng ở được thông thoáng, có đủ ánh sáng và sạch sẽ.
Cách ly khi cần thiết, tránh tiếp xúc với người bệnh: Nếu trong nhà hoặc trường học có trẻ mắc bệnh sốt phát ban, nên cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Đặc biệt, trẻ bị mắc sốt phát ban, cần trẻ ở nhà cho đến khi hồi phục hoàn toàn và không còn khả năng lây nhiễm.
Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ bằng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Khuyến khích trẻ vận động, bởi hoạt động thể chất thường xuyên giúp trẻ có sức khỏe tốt và khả năng chống lại bệnh tật; Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc để phục hồi năng lượng và củng cố hệ miễn dịch.
Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người như khu vui chơi, trường học nếu không cần thiết trong thời gian dễ xả ra dịch bệnh.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, phát ban, ho, sổ mũi, hoặc các dấu hiệu bất thường khác, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dạy trẻ từ nhỏ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách, và không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn, cốc, muỗng với người khác.