Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc nặng do SXH
Thống kê từ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, trong tháng 5/2025, số ca mắc SXH nhập viện đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tromng đó riêng tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhiễm của BV, trong tháng qua ghi nhận 4 trẻ mắc SXH nhập viện cấp cứu trong tình trạng bệnh trở nặng.
May mắn, các bệnh nhi đã được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời và hiện đang dần hồi phục.
Cụ thể, trường hợp của bệnh L.N. T. T (SN 2019, ngụ Bình Dương) bị sốt cao tại nhà nhưng gia đình nghi là sốt thông thường nên tự mua thuốc hạ sốt cho bé uống. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, bé bắt đầu nôn ra máu và được đưa đến BV trong tình trạng sốc nặng.
Tương tự, bệnh nhi N.B.H (SN 2013, Bình Phước) được bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán SXH và dặn dò theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, bé mệt nhiều, đau bụng và nôn liên tục nên người nhà đã phải đưa bé đến BV Nhi đồng 2 để cấp cứu.
Khi nhập viện, bé đã rơi vào tình trạng sốc, tổn thương gan nặng, với men gan tăng gấp 100 lần mức bình thường.
Bên cạnh đó, tại BV Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc SXH nặng.
Điển hình là trường hợp trẻ nhũ nhi Tr. N. T. K., (4,5 tháng tuổi, ngụ Tây Ninh) được BV địa phương chuyển đến trong tình trẻ tím tái, da nổi bông, mạch nhẹ, chi mát, huyết áp 80/60mmHg, nôn ra dịch nâu đen, bầm vết chích nhiều nơi do trẻ quá nhỏ và khó thiết lập đường truyền.
Theo bệnh sử, trẻ bị sốt cao vừa, không liên tục trong 3 ngày, kèm theo giật mình khi ngủ, ho sổ mũi ít. Trước đó, trẻ được khám tại bệnh viện tư và chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng.
Đến ngày thứ 4, trẻ bớt sốt nhưng người nhà thấy trẻ ngủ nhiều, tay chân lạnh, nên đã đưa trẻ nhập viện địa phương. Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ, sau đó được chuyển đến BV Nhi Đồng Thành phố.
Sau 72 giờ điều trị tích cực, tình trạng huyết động và tổn thương gan của trẻ đã cải thiện rõ rệt, không thấy xuất huyết thêm, trẻ tỉnh táo, bú và tiểu khá.
Một bệnh nhi đang điều trị SXH tại BV Nhi Đồng 2 – ảnh: BVCC
Cũng tại BV Nhi Đồng Thành phố đã cấp cứu thành công bé gái 10 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh) dư cân, béo phì với cân nặng 50 kg, bị sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, tổn thương gan và suy hô hấp nặng.
Qua khai thác bệnh sử, ghi nhận trẻ sốt cao liên tục trong 2 ngày, đến ngày thứ 3 của bệnh, trẻ biểu hiện đau bụng, nôn ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đã đưa trẻ nhập BV địa phương trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp tụt kẹp 80/70mmHg và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 3.
Bệnh nhi được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, nhưng tình trạng trẻ diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan mức độ nặng nên được chuyển đến BV Nhi Đồng Thành phố.
Sau gần 12 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhi đã bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, và chức năng gan thận trở về bình thường.
Phụ huynh cảnh giác dấu hiệu chuyển nặng và chủ động phòng SXH
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) tính từ ngày 2/6 đến ngày 8/6/2025 (tuần 23), TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 320 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 13,1% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 23 là 8.595 ca.
Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè, cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn đang hiện hữu và cần được kiểm soát chặt chẽ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm, BV Nhi đồng 2, SXH có thể xảy ra quanh năm nhưng gia tăng rõ rệt vào mùa mưa.
Hiện các tỉnh miền Nam đang bước vào mùa mưa thời điểm thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển. Đặc biệt, nhiều người vẫn chưa nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bệnh, dẫn đến việc phát hiện và xử trí muộn, khiến bệnh chuyển nặng nhanh chóng.
Vì vậy, bác sĩ Việt khuyến cáo các bậc phụ huynh, nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày, hãy nghĩ đến nguy cơ sốt xuất huyết và đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và hướng dẫn theo dõi.
“Trong thời gian theo dõi tại nhà, cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu trở nặng như mệt nhiều, ói liên tục, đau bụng, chảy máu bất thường (chảy máu cam, chảy máu răng, ói ra máu, tiêu phân đen…). Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nặng nào, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được xử trí kịp thời và chuyển viện an toàn nếu cần” – Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố cũng lưu ý, SXH có thể tấn công cả trẻ nhũ nhi với biểu hiện không điển hình.
“Trẻ có thể sốt cao vừa, không liên tục, kèm theo ho, sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói… dễ bị lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng khác, thậm chí lầm tưởng với bệnh tay chân miệng. Do đó, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để thăm khám, xét nghiệm, xác định bệnh chính xác và có phác đồ điều trị thích hợp” – Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.
Theo HCDC, để chủ động phòng chống SXH trong mùa mưa, phụ huynh cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cơ bản như: diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng, dọn dẹp các vật chứa nước đọng để ngăn chặn muỗi vằn sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, hiện nay đã đã có vaccine tiêm ngừa SXH dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, đây là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cần được quan tâm.
Đặc biệt, phụ huynh cần cho con em mình ăn uống theo chế độ hợp lý, được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng để tránh nguy cơ dư cân béo phì bởi khi mắc SXH, trẻ thừa cân, béo phì thường khó điều trị hơn, dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận…
“Các dấu hiệu như đau bụng dữ dội, nôn nhiều, chảy máu, lừ đừ, bứt rứt cần được chú ý và đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu này” – HCDC nhấn mạnh.