Để làm ra một bộ phim cần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người cùng hợp sức trong suốt nhiều năm. Trong guồng quay của lịch trình, chi phí và hàng loạt ý tưởng sáng tạo va chạm nhau, không ít chi tiết nhỏ bị bỏ qua. Sự hợp lý là một trong những thứ dễ bị hy sinh nhất.
Không ai là chưa từng xem phim và bật cười vì thấy nhân vật làm những điều không tưởng. Nhưng với điện ảnh, quan trọng nhất vẫn là hấp dẫn. Và quy tắc “miễn sao trông ngầu” thường quan trọng hơn tính đúng đắn.
Dù vậy, nhiều đoàn làm phim vẫn tìm đến các nhà khoa học để được tư vấn, với mong muốn giữ lại phần nào tính thực tế trong thế giới viễn tưởng.
Khi nhà khoa học làm việc cùng biên kịch
Mohamed Noor, một nhà sinh học tại Đại học Duke (Mỹ), từng làm cố vấn khoa học cho hai mùa phim Star Trek: Discovery. Ông cho biết điều khác biệt giữa phim khoa học viễn tưởng và phim kỳ ảo là ở chỗ viễn tưởng luôn có liên hệ với kiến thức thật ngoài đời.
“Công việc của tôi là giúp phần liên hệ đó càng chính xác càng tốt”, ông nói.
Điều này có nghĩa là mọi ý tưởng trong phim phải hoặc là đúng với nguyên lý khoa học hiện tại, hoặc nếu là dự đoán cho tương lai thì vẫn phải dựa trên kiến thức bây giờ.
Một ví dụ là khi biên kịch cần một loài sinh vật ngoài hành tinh mắc bệnh lạ và khó chữa. Noor đã gợi ý dùng căn bệnh có thật mang tên prion, một loại bệnh cực hiếm do protein trong não bị lỗi, khiến cơ thể ngừng hoạt động dần dần. Bệnh bò điên là một dạng của loại bệnh này.
“Đến giờ vẫn chưa có cách chữa bệnh bò điên, nên cũng không lạ nếu vài trăm năm nữa, loài người vẫn bó tay”, Noor chia sẻ. Từ gợi ý đó, nhóm biên kịch xây dựng một tuyến bệnh cho nhân vật ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khuyên từ chuyên gia cũng được giữ nguyên. Khi được mời góp ý cho một chủng loài ngoài hành tinh khác biệt hoàn toàn với con người, Noor đề xuất một giống sinh vật giao tiếp bằng mùi, tương tự như chó đánh hơi. Ý tưởng là chúng phát ra hóa chất rồi chuyển tín hiệu đó thành dạng sóng để con người hiểu. Nhưng cuối cùng, biên kịch cho rằng ý tưởng này quá rắc rối.
“Theo tôi thì câu chuyện vẫn là yếu tố quyết định”, Noor nói. “Nếu có chi tiết không thể xảy ra thật, tôi sẽ giúp họ làm cho nó gần giống nhất có thể. Phần còn lại cứ để cho tương lai tưởng tượng”.
Khán giả có cần phim chuẩn xác về khoa học?
Một khảo sát năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 72% người xem phim viễn tưởng cho rằng phim đúng hay sai với khoa học không ảnh hưởng đến sự hiểu biết của họ.
Nhưng theo Noor, khi phim được làm dựa trên kiến thức có thật, khán giả vẫn nhận ra và trân trọng điều đó.
Ông dẫn chứng hai bộ phim là The Martian và Interstellar. Cả hai đều được giới khoa học khen ngợi vì nhiều chi tiết bám sát thực tế. Với Interstellar, đạo diễn Christopher Nolan đã làm việc cùng nhà vật lý đoạt giải Nobel Kip Thorne để mô phỏng hình ảnh hố đen.
Jim Green, cựu giám đốc bộ phận khoa học vũ trụ của NASA, cũng từng góp ý cho The Martian. Cả hai bộ phim đều đạt doanh thu cao, nhận nhiều giải thưởng điện ảnh lớn và khiến người xem bàn luận sôi nổi về những kiến thức thật trong phim.
Noor cho rằng, chuyện khán giả muốn xem phim gần với thực tế hay không cũng giống như đi ăn buffet. “Có người không quan tâm, nhưng cũng có người rất thích và muốn hiểu”, ông nói.
Khi phim trở thành công cụ dạy học
Tại Mỹ, điểm số môn khoa học của học sinh tiểu học đang giảm so với 30 năm trước, theo một nghiên cứu quốc tế. Trong khi đó, người trẻ ngày càng rời xa các nguồn tin chính thống để chuyển sang mạng xã hội, nơi ưu tiên yếu tố giải trí hơn là giáo dục.
Chính vì vậy, các nhà khoa học nhận ra công việc cố vấn cho phim ảnh không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là trách nhiệm.
“Sẽ có người trở thành nhà khoa học. Nhưng không phải ai cũng vậy”, Noor chia sẻ. “Nếu chấp nhận điều đó, thì ta cần tìm cách khác để giúp mọi người thấy hứng thú với khoa học”.
Tại trường Duke, ông dùng những ví dụ trong Star Trek để giảng dạy về tiến hóa và di truyền học. Ông còn mang bài giảng đi đến các hội thảo người hâm mộ, dùng phim ảnh để khơi dậy sự quan tâm đến thế giới thật.
Chiến lược này không mới. Jim Green từng kể rằng chính loạt phim Star Trek đã truyền cảm hứng cho ông theo đuổi ngành khoa học từ khi còn nhỏ.
“Theo tôi, gọi đó là văn hóa đại chúng là có lý do, vì nó phổ biến.”, Noor nói. “Và nếu tôi có thể tận dụng sự phổ biến đó để làm mọi người yêu thích kiến thức hơn, thì điều đó là rất tuyệt”.