Phát hiện mới liên quan đến nguyên nhân dẫn đến “hội chứng hậu Covid-19”

Phạm Sinh

Phóng viên

Các nhà khoa học Israel phát hiện một loại protein của virus SARS-CoV-2 có thể khiến hệ miễn dịch “nhầm lẫn” dẫn đến việc tấn công cả những tế bào khỏe mạnh, từ đó có thể mở ra hướng tiếp cận mới nhằm hạn chế các biến chứng do “hội chứng hậu Covid-19”...

Theo đó, ngày 10/6, các nhà khoa học tại Đại học Hebrew tại Jerusalem (Israel) vừa công bố phát hiện mới cho thấy một loại protein của virus SARS-CoV-2 – tác nhân gây bệnh Covid-19, có thể khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn, dẫn đến việc tấn công cả những tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Reports. 

Nghên cứu đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về cơ chế gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân mắc Covid-19, đồng thời mở ra hướng tiếp cận mới nhằm ngăn chặn tổn thương do phản ứng miễn dịch quá mức với virus SARS-CoV-2 gây ra.

bien-the-covid-19

Nhiễm virus SARS-CoV-2 là tác nhân gây nên “hội chứng hậu Covid-19”  ở người – ảnh minh họa

Theo nhóm nghiên cứu, protein nucleocapsid (NP) có trong virus SARS-CoV-2 vốn có chức năng “đóng gói” vật liệu di truyền của virus bên trong tế bào nhiễm bệnh và có khả năng lan sang các tế bào biểu mô chưa bị nhiễm xung quanh.

 “Khi NP xuất hiện trên bề mặt của những tế bào khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ nhầm lẫn trong việc nhận diện và coi đây là mối đe dọa. Do đó, cơ thể sẽ được kích hoạt để sản sinh các kháng thể chống NP, đánh dấu các tế bào này là mục tiêu cần tiêu diệt” – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Quá trình này kích hoạt một phần của hệ miễn dịch gọi là “con đường bổ thể cổ điển” dẫn đến viêm và làm tổn thương mô trong cơ thể, từ đó góp phần gây ra các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng và có thể liên quan đến tình trạng Covid  kéo dài hay còn gọi là tình trạng “hậu Covid”.

Thông qua các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm sử dụng tế bào nuôi cấy, kỹ thuật hình ảnh hiện đại và mẫu sinh học từ bệnh nhân Covid-19, các nhà khoa học đã xác định rằng NP có khả năng liên kết với một loại phân tử cụ thể trên bề mặt tế bào. Trong quá trình liên kết này cũng khiến NP tập trung thành cụm trên các tế bào khỏe mạnh, làm hệ miễn dịch càng dễ nhận diện sai.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy enoxaparin – một loại thuốc chống đông máu thường dùng và là dẫn xuất của heparin có khả năng ngăn NP bám vào tế bào khỏe mạnh.

Đặc biệt, trong cả thử nghiệm in vitro và mẫu lâm sàng, enoxaparin đã giúp ngăn chặn các phản ứng miễn dịch bất lợi bằng cách chiếm giữ các vị trí mà NP thường liên kết.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này mở ra hướng tiếp cận mới nhằm hạn chế các biến chứng do rối loạn miễn dịch ở bệnh nhân mắc hội chứng “hậu Covid” và các bệnh do virus khác gây ra.

Cách nhận diện và phòng chống hội chứng “hậu Covid-19”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “hội chứng hậu Covid-19”  thường xảy ra ở những người nhiễm virus SARS-CoV-2 được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không có bất kỳ chẩn đoán thay thế nào có thể giải thích được.

Theo thống kê của WHO, có khoảng 10-20% bị ảnh hưởng lâu dài bởi “hội chứng hậu Covid” khi sức khỏe suy giảm làm tác động nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng công việc. Đồng thời tinh thần người bệnh cũng trở nên sa sút, không ổn định vì lo lắng quá mức. 

Về nguyên nhân của “hội chứng hậu Covid-19”, phần lớn do virus kích hoạt phản ứng tự miễn làm cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể tự miễn, có khả năng tấn công, chống lại chính cơ thể. Do đó mà các mô đang khỏe mạnh lại bị phá hủy sau khỏi bệnh.

Đồng thời, virus cũng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mạn tính phát tác toàn thân khiến cho người bệnh giảm khả năng trao đổi chất.

Bên cạnh đó, ở những trường hợp chuyển nặng, người bệnh còn xuất hiện tình trạng đông máu, tắc nghẽn vi mạch ở nhiều nơi có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch phổi, mạch chi,…

hau_covid

Những biểu hiện cơ bản của “hội chứng hậu Covid-19”  – ảnh minh họa

Những triệu chứng hậu Covid thường gặp bao gồm:

– Đau tức ngực, khó thở, khi leo cầu thang thường có cảm giác bị hụt hơi;

– Hay bị chóng mặt, mệt mỏi;

– Suy giảm trí nhớ, hay quên do khả năng cung cấp máu đến các cơ quan giảm, thiếu máu lên não ảnh hưởng đến khả năng tập trung;

– Giấc ngủ bị rối loạn, thức giấc giữa đêm;

– Ho kéo dài dai dẳng, giọng nói thay đổi;

Bên cạnh đó, “hội chứng hậu Covid” còn xuất hiện những triệu chứng cận lâm sàng khác như: rối loạn đường huyết, giảm khả năng lọc cầu thận, tăng men tim,… Đặc biệt là tình trạng rối loạn chức năng hô hấp, nhất là giảm dung tích và độ khuếch tán phổi.

Về cơ bản, đa số những người nhiễm bệnh đều có nguy cơ gặp phải “hội chứng hậu Covid”, trong đó bao gồm cả người không triệu chứng, người bệnh thể nhẹ cho tới thể nặng phải điều trị tích cực.

Theo các chuyên gia y tế, khi mắc các triệu chứng “hậu Covid”, người bệnh nên thực hiện các việc làm như:

– Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, giúp bạn phục hồi chức năng phổi, giảm tình trạng khó thở;

– Đi bộ, vận động cơ thể nhẹ nhàng, giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất sau khỏi bệnh. Ban đầu bạn nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian hoặc luyện tập thêm những bài thể dục khác, đạp xe chậm,… 

– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp bạn nhanh hồi phục và tăng sức đề kháng. Đặc biệt nên bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như: trái cây tươi, rau có màu xanh đậm, cá béo, thịt nạc,…

– Nghỉ ngơi hợp lý và khoa học giúp hồi phục sức khỏe, tăng đề kháng…

BÀI LIÊN QUAN