Nữ tiến sĩ trẻ và hành trình đưa công nghệ sinh học từ Hàn Quốc về Việt Nam

Trong những năm qua, Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan đã âm thầm nghiên cứu, gieo từng hạt mầm tri thức với niềm tin mỗi bước tiến trong công nghệ sinh học không chỉ là kết quả khoa học mà còn là hy vọng mới cho người bệnh và cho cả nền y học nước nhà.

Dũng cảm lựa chọn con đường khoa học đầy thử thách, Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan đã dành phần lớn thời gian của mình trong phòng thí nghiệm để theo đuổi đam mê nghiên cứu. Với chuyên môn về công nghệ sinh học và hơn 5 năm làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Gachon (Hàn Quốc), chị không ngừng dày công tìm tòi các liệu pháp miễn dịch mới nhằm đối phó với những căn bệnh phức tạp như rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng hay thải ghép trong cấy ghép nội tạng. 

Dù 5 hay 10 năm, công nghệ sinh học là con đường đáng để đầu tư 

Trở về nước, hiện là chuyên viên nghiên cứu kiêm giảng viên tại Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan tiếp tục ấp ủ giấc mơ góp phần đưa y sinh học Việt Nam vươn tầm khu vực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ mạnh dạn bước vào lĩnh vực khoa học sự sống còn nhiều gian nan nhưng cũng đầy hy vọng. 

Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan – Chuyên viên nghiên cứu kiêm Giảng viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh

Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan: “Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học miễn dịch học đặc biệt là trong điều trị bệnh tự miễn và y học cá thể. Hiện tại một số trung tâm nghiên cứu lớn trong nước cũng đã bắt đầu triển khai các nghiên cứu chuyên sâu, như đại học quốc gia, viện hàn lâm, vinmec hay vinuni.

Tuy nhiên, để những tiềm năng này thành hiện thực thì cần những đầu tư về hạ tầng và quan trọng nhất theo mình nghĩ là xây dựng được cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản, bệnh viện và doanh nghiệp để ý tưởng không chỉ dừng lại trên bài báo hay những nghiên cứu cơ bản mà còn có thể tiến tới ứng dụng thực tế.

Dù có thể mất 5-10 năm nữa để đạt được những thành tựu thực sự rõ ràng, nhưng đây là một con đường đáng để đầu tư, vì sau mỗi bước tiến, những hướng đi mới lại được mở ra”.

Ảnh minh họa công nghệ sinh học (Nguồn HRchannel)

Trong những năm gần đây, lĩnh vực liệu pháp miễn dịch trên thế giới đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng y học cá thể hóa và ứng dụng tế bào, đặc biệt trong điều trị các rối loạn miễn dịch và kiểm soát hiện tượng thải ghép.

Một trong những xu hướng nổi bật hiện nay, TS. Xoan và nhóm của mình đã tập trung vào các liệu pháp điều hòa miễn dịch bằng tế bào gốc, cụ thể là tế bào gốc trung mô. Thay vì chỉ dùng thuốc ức chế miễn dịch với liều lượng cao, xu hướng mới là làm sao khôi phục lại sự cân bằng tự nhiên của hệ miễn dịch. MSCs có khả năng tiết ra các yếu tố kháng viêm và cảm ứng tế bào miễn dịch điều hòa, như tế bào T điều hòa hay đại thực bào điều hòa và đã cho thấy hiệu quả kéo dài thời gian sống của mô ghép.

Những thách thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Từ góc nhìn của một người làm nghiên cứu và giảng dạy, TS. Xoan nhận thấy những rào cản lớn nhất trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi chính là hạ tầng nghiên cứu. Nhiều ý tưởng hay, tiềm năng, nhưng thiếu phòng lab đủ tiêu chuẩn, thiếu máy móc hiện đại để kiểm chứng và phát triển. Việc vận hành ổn định các phòng lab theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt với các nhóm nghiên cứu nhỏ và tự chủ.

Thứ hai là sự liên kết giữa nghiên cứu cơ bản với ứng dụng lâm sàng vẫn chưa được chặt chẽ. Nhiều khi kết quả nghiên cứu chỉ dừng lại ở bài báo khoa học, chưa thành sản phẩm, chưa giải quyết vấn đề thực tế. Nếu có sự hợp tác giữa nghiên cứu cơ bản, bệnh viện và doanh nghiệp thì việc chuyển giao công nghệ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thêm một cản trở nữa là việc phổ biến kiến thức trong cộng đồng. Một phần người dân còn hoài nghi về công nghệ sinh học hiện đại, gây ra những rào cản tâm lý trong ứng dụng. Ngược lại, cũng có những người tiếp cận sai lệch tin vào sản phẩm sinh học không rõ nguồn gốc. Điều này ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của xã hội với các công nghệ thật sự được nghiên cứu bài bản.

Hình ảnh Tiến sĩ Hoàng thị Xoan đang miệt mài theo đuổi đam mê

Nữ tiến sĩ tin rằng diễn đàn lần này là một cơ hội tốt để kết nối, không chỉ giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, mà còn với doanh nghiệp, bệnh viện và cơ quan quản lý. Nếu sau diễn đàn, có thể hình thành các nhóm chuyên sâu, hoặc dự án liên ngành có hỗ trợ nhà nước, thì sẽ là nền tảng tốt để vượt qua những rào cản hiện tại.

Gửi lời tới các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực sinh học ứng dụng, đặc biệt trong bối cảnh khoa học sức khỏe và miễn dịch học ngày càng giữ vai trò quan trọng, TS. Xoan chia sẻ: “Mình nghĩ sinh học ứng dụng là một lĩnh vực rất thú vị và đầy tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì, sự trau dồi kiến thức và cả tinh thần phụng sự cộng đồng.

Đầu tiên, các bạn hãy luôn giữ tinh thần học hỏi rộng mở. Công nghệ sinh học ngày nay không chỉ là sinh học mà còn là sự kết hợp với trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, kỹ thuật số và y học cá thể hóa. Tư duy đa ngành sẽ giúp các bạn mở rộng giới hạn của chính mình, tìm ra những giải pháp mà trước đây chưa từng nghĩ tới.

Cùng với đó, hãy bắt đầu từ những câu hỏi nhỏ, gần với thực tiễn. Những vấn đề thiết thực của cộng đồng, của bệnh nhân chính là nơi bạn có thể tìm ra ý nghĩa lớn nhất cho nghiên cứu của mình.

Tiến sĩ Hoàng Thị Xoan cùng với các cộng sự tham gia Hội nghị tại Hàn Quốc

Cuối cùng, nếu có cơ hội hãy tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế, hoặc làm việc nhóm đa nền tảng. Ở đó bạn sẽ học được rất nhiều từ quy trình nghiên cứu chuẩn quốc tế, kỹ năng phản biện cũng như tinh thần khoa học trung thực và có trách nhiệm. Hãy giữ lửa đam mê vì khoa học là một con đường dài, đôi khi rất mệt mỏi, có thể bị mất động lực, mất phương hướng nhưng nếu bạn còn tin vào ý nghĩa của công việc này thì bạn sẽ vượt qua được.

BÀI LIÊN QUAN